Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 8/5: Bị rắn hổ mang cắn, người đàn ông làm một việc gây hoại tử mu bàn tay

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 8/5/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 8/5/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bị rắn hổ mang cắn, người đàn ông làm một việc gây hoại tử mu bàn tay

Báo An Ninh Thủ Đô đưa tin, ngày 6/5, Trung tâm Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương tiếp nhận nam bệnh nhân 46 tuổi vào viện trong tình trạng sốt, mu bàn tay trái chảy mủ, hoại tử, xám, sưng đau nóng đỏ, ấn đau.

Theo lời kể, trước khi vào viện 7 ngày, bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn nhưng anh không đến viện điều trị mà tự đắp thuốc nam tại nhà. Sau đó, vết rắn cắn chảy mủ, bệnh nhân sốt cao nhưng vẫn tự uống thuốc paracetamol tại nhà, khi thấy không đỡ mới chịu đến bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, bệnh nhân được dùng kháng sinh, xử trí vết thương và chuyển khoa Hồi sức cấp cứu điều trị.

Người đàn ông vào viện trong tình trạng sốt, mu bàn tay trái chảy mủ, hoại tử, xám, sưng đau nóng đỏ, ấn đau. Ảnh: Pháp Luật Việt Nam

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, trong những ngày gần đây, đơn vị liên tiếp tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện do rắn hổ mang cắn. Đây là thời điểm mùa sinh sôi phát triển của rắn ở phía Bắc nên người dân hãy cẩn trọng khi làm việc và dọn dẹp nhà cửa, vườn tược sạch sẽ để tránh tạo nên môi trường phát triển của rắn.

Hổ mang là loài rắn rất độc. Người bị rắn hổ mang cắn có thể bị hoại tử vùng bị thương, cắt cụt chi, nhiễm trùng máu đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi bị rắn cắn cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Cô gái 19 tuổi biến dạng mặt sau khi dùng đơn thuốc của “bác sĩ online”

Theo thông tin trên VietNamNet, nữ bệnh nhân 19 tuổi đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám với nhiều tổn thương sẩn viêm, mụn mủ, nang tập trung chủ yếu ở trán và hai bên má.

Người bệnh chia sẻ với bác sĩ rằng, trước đó 2 tháng, cô chỉ có một vài tổn thương sẩn viêm ở trán, má, cằm. Vì sợ cảnh quá tải tại các bệnh viện nên cô quyết định điều trị theo một "bác sĩ online" được người quen giới thiệu. Thuốc được kê ban đầu là isotretinoin 20mg/ngày và không có thuốc bôi.

Sau dùng thuốc 10 ngày, các tổn thương sẩn, cục, nang xuất hiện nhiều lên, bệnh nhân tiếp tục duy trì. Một tháng sau, "bác sĩ online" kê đơn phối hợp isotretinoin 20mg/ngày và doxycycline 100mg/ngày dùng trong 1 tháng tiếp theo. Tổn thương tiến triển ngày càng nặng với nhiều nang kích thước lớn gây biến dạng khuôn mặt.

Các bác sĩ khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay khi được hỏi về các tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân chưa được "bác sĩ online" đề cập đến.

Tổn thương trước và sau khi người bệnh dùng đơn thuốc của "bác sĩ online". Ảnh: VietNamNet

Theo các bác sĩ, dùng isotretinoin cần được làm các xét nghiệm sàng lọc trước khi dùng thuốc, để tránh gặp các tác dụng phụ. Đồng thời, việc kết hợp isotretinoin với kháng sinh doxycyclin là chống chỉ định do có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện nhức đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác, thậm chí có thể gây mù vĩnh viễn do tăng áp lực nội sọ.   

Hơn nữa, bệnh nhân không được tư vấn về quy trình chăm sóc da tại chỗ, chế độ ăn uống, sinh hoạt, dẫn đến đáp ứng điều trị kém. Sau khi được các bác sĩ thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán trứng cá bùng phát mức độ nặng, được điều trị thuốc toàn thân kết hợp với chăm sóc tại chỗ.

Sau 3 tuần điều trị, số mụn viêm, mụn mủ giảm đáng kể, các nang gần như đã hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, nguy cơ để lại sẹo lõm, sẹo đỏ trên da rất lớn. 

Kịp thời cứu người đàn ông xuất huyết ồ ạt đường tiêu hóa bên trong

Sàng ngày 7/5, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho hay vừa hội chẩn liên chuyên khoa xử trí cứu kịp người đàn ông (68 tuổi, ở quận 1, TP.HCM) xuất huyết ồ ạt đường tiêu hóa bên trong, theo báo Người Lao Động.

Trong ngày nhập viện, bệnh nhân đi tiêu ra phân có máu đỏ tươi, ồ ạt, kèm đau vùng bụng phải. Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, qua xét nghiệm máu, chụp cắt lớp (CT) vùng bụng, các bác sĩ phát hiện đại tràng bên phải có túi thừa viêm tấy và có điểm đang chảy máu nhiều.  

Nhận định tình trạng nguy kịch do mất máu nặng, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn liên chuyên khoa điều trị hồi sức tích cực, bù dịch và truyền khẩn hơn 700 ml máu cho bệnh nhân.

Sau đó, quyết định can thiệp nội mạch cấp cứu làm tắc mạch máu đang chảy. Bệnh nhân sau đó hết đi tiêu ra máu, không sốt, huyết động ổn, tình trạng đau bụng giảm dần và được tiếp tục điều trị kháng sinh, theo dõi. 

Vùng chảy máu bên trong cơ thể bệnh nhân. Ảnh: Người Lao Động

ThS.BS Nguyễn Văn Định, Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn chia sẻ, bệnh túi thừa đại tràng gặp ở 10% người trên 40 tuổi và hơn 50% ở người trên 60 tuổi. Hầu hết các túi thừa đại tràng đều không có triệu chứng.

"Xuất huyết từ túi thừa đại tràng có thể âm ỉ, lượng ít hay ngắt quãng gây đi tiêu phân đen. Một số trường hợp có thể tự cầm nhưng cũng có khi gây xuất huyết ồ ạt làm đi tiêu ra máu đỏ tươi, có thể gây tử vong nếu không được xử trí và can thiệp kịp thời.", bác sĩ Định khuyến cáo.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật