Bóc tách khối u diệp thể ở vú nặng 5kg cho bệnh nhân 67 tuổi
Báo Tin Tức đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật bóc tách một khối u diệp thể ở vú cho một nữ bệnh nhân. Được biết, đây là bệnh nhân mang khối u nặng nhất mà bệnh viện ghi nhận từ trước đến nay.
Cụ thể, bệnh nhân là bà H.T.K.A (67 tuổi, trú tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) được các bác sĩ chẩn đoán bj u diệp thể lớn ở vú phải. Theo lời kể của bệnh nhân, bà phát hiện khối u cách đây 5 tháng, khối u ngày càng lớn nhanh.
Các bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật bóc tách một khối u diệp thể ở vú cho nữ bệnh nhân 67 tuổi. Ảnh minh họa
Sau khi thực hiện những xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ xác định khối u có kích thước lớn 30cm x 20cm, chiếm trọn ngực phải của bệnh nhân. Vào ngày 3/11, các bác sĩ đã thực hiện rạch da đoạn nhũ quanh khối u. Do khối u xâm lấn thành ngực và hố nách nên các bác sĩ đã bóc tách khối u khỏi các cơ thành ngực, đồng thời đoạn nhũ kèm khối u.
Ca phẫu thuật được thực hiện thành công, các bác sĩ đã lấy khối u có trọng lượng 5kg ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Sau khi bóc tách xong khối u, các bác sĩ đã cầm máu và khâu da đóng vết mổ. Sau ca mổ, tình hình sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Hai cụ ông khó thở nghiêm trọng vì uống thuốc, ăn cháo
Theo Người Lao Động, các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) vừa liên tiếp cứu sống 2 cụ ông nhập viện trong tình trạng khó thở nghiêm trọng, tím tái.
Bệnh nhân thứ nhất là cụ ông 84 tuổi, được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu ngày 26/10 do bị khó thở. Người nhà cho biết, 30 phút trước đó, bệnh nhân uống 2 viên thuốc to hơn hạt ngô thì bị sặc, ho nhiều, khó thở, khạc ra đươc 1 viên.
Bác sĩ nội soi gắp viên thuốc ra khỏi đường thở cụ ông 84 tuổi. Ảnh: Người Lao Động
Nhận thấy bệnh nhân đã tím tái, hầu như không thể thở nổi, các bác sĩ lập tức chụp X-Quang và nội soi phổi - phế quản tại giường. Kết quả cho thấy có một viên thuốc kẹt ở cuối phế quản trung gian phải. Sau khi được các bác sĩ gắp viên thuốc ra và bơm rửa phế quản, bệnh nhân đã ổn định và bớt khó thở nên được xuất viện sớm.
Bệnh nhân thứ hai là cụ ông 75 tuổi, bị tâm thần phân liệt, nhập viện ngày 27/10. Được biết, trong lúc người nhà cho ăn cháo, bệnh nhân bị ho, khó thở, tại thời điểm nhâp viện đã lơ mơ, tím tái, bác sĩ phải đặt nội khí quản, bóp bóng giúp thở.
Các bác sĩ sau đó tiến hành soi phế quản, hút ra rất nhiều thức ăn bên trong gồm cháo và thịt bằm. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân vẫn nặng nên được chuyển tới khoa Hồi sức tích cực - chống độc để theo dõi.
Phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng đường mật
Sức khỏe & Đời sống dẫn thông tin từ chuyên gia mật tụy, ThS. BS. Nguyễn Thế Toàn – Phó Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115 (thuộc Tập đoàn Hoa Lâm, Khu Y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-la, quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa phẫu thuật cấp cứu và điều trị thành công cho một bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng đường mật.
Bệnh nhân là ông T.X.Đ (SN 1958, trú tại phường An Lạc A, quận Bình tân, TP.HCM), được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt, lơ mơ, lừ đừ, huyết áp tụt. Theo lời kể của người nhà, trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân bị đau bụng vùng thượng vị và quặn từng cơn trên nền âm ỉ. 1 ngày sau đó, bệnh nhân bắt đầu sốt lạnh run 3 cơn/ngày, sốt cao 39-40 độ C.
Vì lo ngại dịch COVID-19, gia đình tự mua thuốc cho bệnh nhân uống tại nà nhưng tình trạng đau bụng và sốt từng cơn không giảm, bệnh nhân mệt nhiều hơn. Được biết, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2, viêm gan siêu vi B, ung thư gan, đã từng phẫu thuật cắt gan và đã thực hiện nút mạch hóa dầu động mạch gan (TOCE) 3-4 lần, lần gần nhất cách đây 2 tuần.
Kết quả CT-scan sỏi ống mật chủ trước và sau can thiệp. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhanh chóng thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Kết quả cắt lớp vi tính (CT-scan) ổ bụng cản quang cho thấy bệnh nhân có sỏi đoạn cuối ống mật chủ kích thước 8-10mm, sỏi túi mật. Trong khi các chỉ số xét nghiệm sinh hóa ALT, AST, Bilirubin tăng rất cao, Albumin giảm thấp.
Nhận định bệnh nhân đang bị sốc nhiễm trùng đường mật do sỏi ống mật chủ và sỏi túi mật, bác sĩ Toàn đã chỉ định can thiệp cấp cứu nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi đường mật tụy. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ. Bệnh nhân sau đó được theo dõi hậu phẫu và đã được cho xuất viện sau 7 ngày trong tình trạng ổn định, ăn uống tốt.
Đinh Kim (T/h)