Vết thương sưng đỏ, có mủ sau khi bó lá
VTV News đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa An Phát (Tân Kỳ, Nghệ An) vừa tiếp nhận điều trị một trường hợp bệnh nhi bị biến chứng sau khi được đắp lá lên vết thương ở đùi.
Cách thời điểm nhập viện 2 tuần, bệnh nhi 7 tuổi này bị ngã đập đùi phải xuống nền cứng và được người nhà đưa đi bó lá. Sau đó, bệnh nhi bị sưng đau nhiều vùng đùi kèm sốt cao, vận động khó nên gia đình đưa đi khám.
Bệnh nhi vào viện với khối sưng đỏ mặt trong đùi phải kích thước 10x12cm, đau nhiều, sốt cao, kém vận động. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy vết thương của bệnh nhi đã sưng đỏ và có mủ nên được chỉ định nhập viện để điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự điều trị các vết thương tại nhà khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ. Ảnh minh họa: VTV News
Theo các bác sĩ, hiện nay rất nhiều bệnh nhân bị gãy xương, vỡ xương, vết thương hở, tụ dịch... dù đã được bác sĩ tư vấn điều trị nhưng vẫn tự nguyện xin về bó thuốc nam. Chỉ sau đó 5 ngày, 10 ngày phải quay lại vì tình trạng vết thương chảy dịch, nhiễm trùng, hoại tử....
Tuy đã có rất nhiều cảnh báo về việc người dân tự sử dụng thuốc nam đắp vào vết thương để chữa trị theo mẹo dân gian dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử nhưng vẫn có không ít trường hợp lựa chọn tin vào lời mách, tin đồn, dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc.
XEM THÊM: Đắk Lắk ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên tự điều trị các vết thương tại nhà khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt là đối với những trường hợp điều trị bằng các phương pháp dân gian như đắp lá.
Đây là những phương pháp chưa được khoa học kiểm chứng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có thể khiến cho tình trạng trầm trọng hơn. Khi gặp các chấn thương, hãy đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để nhận được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Bé gái 12 tuổi viêm cơ tim nguy kịch sau khi sốt nhẹ
Báo Dân Trí dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, đơn vị vừa cứu sống một trường hợp trẻ bị viêm cơ tim tối cấp nguy kịch. Theo đó, bệnh nhi là bé gái tên C.T. (12 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang).
Khai thác bệnh sử, trước đó cháu bé xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ, than mệt, nhức đầu trong 3 ngày. Đến ngày thứ 4, bé bắt đầu đau ngực, ói, tay chân lạnh. T. được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc, rối loạn nhịp tim.
Xét nghiệm chỉ số protein troponin I (dùng trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim) tăng cao. Các nhân viên y tế đã hỗ trợ hô hấp, truyền thuốc vận mạch rồi chuyển bé lên tuyến trên trong đêm.
Thời điểm vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi lơ mơ, môi tái, tĩnh mạch cổ nổi, huyết áp tụt, nhịp tim không đều... Kết quả đo điện tim ghi nhận nhịp nhanh thất, xét nghiệm men tim tăng cao. Siêu âm tim cho thấy bé giảm phân suất tống máu (EF) còn 22-26% (người bình thường là 60-80%).
Bệnh nhi được chẩn đoán viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim. Trước tình trạng nguy kịch trên, trẻ được đặt nội khí quản giúp thở, dùng thuốc vận mạch, thuốc chống loạn nhịp và khẩn trương thiết lập hệ thống chạy ECMO (tim phổi nhân tạo).
Bệnh nhi đang được tiếp tục điều trị hỗ trợ tại khoa Hồi sức tích cực. Ảnh: Dân Trí
Quá trình điều trị, ngoài tiếp tục dùng thuốc chống loạn nhịp, bệnh nhi còn được truyền máu và tiểu cầu, điều chỉnh điện giải, sử dụng thuốc lợi tiểu để giảm tải thất trái, kháng sinh điều trị bội nhiễm phổi, thuốc chống đông máu… Có lúc nhịp tim giảm sâu, huyết áp dao động, khiến bé phải đặt máy tạo nhịp sau khi hội chẩn.
Sau 9 ngày chạy ECMO và dùng hàng loạt biện pháp phức tạp, lọc máu liên tục hỗ trợ các cơ quan gan thận, bệnh nhi phục hồi dần sức khỏe, cải thiện tình trạng rối loạn nhịp và phân suất tống máu. Hiện tại, bé đã cai ECMO, được tiếp tục điều trị hỗ trợ tại khoa Hồi sức tích cực.
Ba Lan ghi nhận 19 ca tử vong liên quan bệnh viêm phổi Legionnaire
Báo Hà Nội Mới dẫn thông tin từ DW cho hay, một đợt bùng phát vi khuẩn Legionella gây bệnh viêm phổi Legionnaire đã tấn công thành phố Rszeszow ở phía Đông Nam Ba Lan, khiến 19 người thiệt mạng.
Theo Sở y tế Rzeszow, tất cả những người thiệt mạng đều mắc bệnh nền. Giới chức địa phương thông tin, ít nhất 160 người bị nhiễm Legionella đã phải nhập viện kể từ khi dịch bùng phát ở nhiều bệnh viện khác nhau trên cả nước, trong đó có 107 bệnh nhân ở Rzeszow.
Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đã xác nhận sự hiện diện của mầm bệnh Legionnaires trong hệ thống đường ống dẫn nước của thành phố. Các nhà chức trách vẫn đang cố gắng xác định nguồn lây nhiễm.
Được biết, bệnh Legionnaire là một bệnh nhiễm trùng phổi do vi khuẩn Legionella gây ra, có các triệu chứng giống cúm và thậm chí là viêm phổi nặng.
Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đã xác nhận sự hiện diện của mầm bệnh Legionnaires trong hệ thống đường ống dẫn nước của thành phố Rszeszow (Ba Lan). Ảnh minh họa
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cách thức lây lan phổ biến là hít phải không khí ô nhiễm hoặc ô nhiễm nguồn nước. Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người, nhưng vi khuẩn Legionella có thể nhân lên trong hệ thống nước và điều hòa không khí.
Các chuyên gia cho rằng vi khuẩn gây bệnh có thể đã lây lan ở nhiệt độ cao trong đợt nắng nóng vừa qua. Những người mắc bệnh tiểu đường, tim và phổi đặc biệt dễ mắc bệnh. Bệnh Legionnaire được điều trị bằng kháng sinh, có thể gây tử vong với tỷ lệ 5-30% nếu không được chữa trị kịp thời.
Đinh Kim (T/h)