Phát hiện hơn 100 viên sỏi trong ổ bụng bệnh nhân 55 tuổi
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Trung tâm Y tế TP.Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, ngày 31/8, các bác sĩ khoa Ngoại đã phẫu thuật ổ bụng lấy hơn 100 viên sỏi mật và gan cho bệnh nhân Trương Văn N. (55 tuổi, thường trú tại phường Ninh Dương, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh).
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đau bụng vùng thượng vị và hạ vị, đau quặn cảm giác sốt nóng lạnh từng cơn, cơn đau ngày càng tăng nên đã đi khám. Kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy bụng mềm, ấn đau tức vùng thượng vị, hạ sườn phải tại vị trí đường mật trong gan giãn chứa nhiều sỏi.
Ống mật chủ đường kính ngang 35mm có nhiều sỏi tập trung thành đám lớn kích thước 40x60mm. Thận phải có nang kt 50x55mm, bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật sỏi mật cách đây 20 năm.
Qua thăm khám, kiểm tra, bệnh nhân được chẩn đoán viêm đường mật độ 1 do sỏi ống mật chủ, sỏi đường mật trong gan và chỉ định nhập viện phẫu thuật điều trị viêm đường mật, mở ống mật chủ và gan lấy sỏi cho bệnh nhân.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Các bác sĩ đã phẫu thuật mổ ổ bụng thấy túi mật, ống mật chủ, dạ dày, tá tràng dính thành đám nên tiến hành gỡ dính. Kiểm tra cạnh ống mật chủ có nang kích thước 4x4 cm, mở nang ống mật chủ phát hiện nhiều sỏi, kiểm tra ống gan phải và trái thấy có nhiều sỏi rơi ra ngoài…, kíp phẫu thuật tiến hành lấy sỏi những điểm này; đồng thời cắt và nối hỗng tràng, cắt nang ống mật chủ… cho bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định trở lại, ăn uống được, không đau, giảm sốt, sức khỏe tốt và có thể được xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ trực tiếp điều trị ca bệnh này, bệnh nhân bị viêm đường mật độ 1, số lượng sỏi nhiều gây giãn và chật kín đường mật và gan.
Số lượng sỏi nhiều như vậy, một phần là do bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đã được điều trị phẫu thuật hơn 20 năm trước, phần khác là do rối loạn chuyển hóa của tuổi tác ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol của dịch mật trong túi mật và dễ hình thành nên sỏi. Việc phẫu thuật sớm sẽ giúp bệnh nhân thoát đau nhanh và chóng hồi phục.
Cứu người đàn ông bị trâu húc, nguy cơ tử vong cao
Theo báo Người Lao Động, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết các y, bác sĩ Khoa Phẫu thuật - Thần kinh - Lồng ngực vừa thực hiện ca phẫu thuật thành công, cứu sống một bệnh nhân bị trâu húc vỡ tim.
Cụ thể, nam bệnh nhân N.Đ.M. (SN 1960, ngụ xã Yên Thái, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, da niêm mạc nhợt, huyết áp tụt, SpO2 chỉ còn 70%, đau ngực, khó thở nhiều. Theo người nhà, ông M. bị trâu húc vào vùng ngực khi đi làm về.
Dự kiến bệnh nhân sẽ được ra viện trong một vài ngày tới. Ảnh: Người Lao Động
Nhận định bệnh nhân có thể bị chấn thương vùng ngực kín do trâu húc, có dấu hiệu chèn ép tim cấp, nguy cơ tử vong cao. Ngay lập tức ekip các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu đã tiến hành hội chẩn liên chuyên Khoa Phẫu thuật - Thần kinh - Lồng ngực và Gây mê hồi sức, rồi chuyển thẳng bệnh nhân tới mổ cấp cứu.
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện trong màng ngoài tim chứa máu tươi lẫn máu cục, vỡ tim, rách nhĩ phải, rách động mạch chủ trên, tràn máu, tràn khí màng phổi 2 bên và gãy nát vùng xương ức. Sau 2 giờ tập trung, ca phẫu thuật đã thành công.
"Trường hợp bệnh nhân M. có chấn thương tim, phổi, ngực kín rất nặng, mất nhiều máu, cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp nhanh chóng, liên hoàn và nhịp nhàng của ê-kíp các y, bác sĩ của bệnh viện nên đã kịp thời cứu sống bệnh nhân", bác sĩ Nguyễn Tô Hoàng - Phó trưởng Khoa Phẫu thuật - Thần kinh - Lồng ngực (trưởng ekip phẫu thuật) nói.
XEM THÊM: Uống nước đun sôi để nguội qua đêm có tốt hay không, chuyên gia nói gì?
Sau 1 tuần điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn ổn định, có thể tự ăn uống, nói chuyện bình thường và dự kiến sẽ được ra viện trong một vài ngày tới.
Sản phụ 40 tuổi sinh bé gái năng 6,1kg
Ngày 31/8, các bác sĩ khoa Sản Bệnh viện Lê Văn Việt (TP.HCM) thực hiện phẫu thuật đón bé gái sơ sinh có cân nặng lên tới 6,1 kg cho sản phụ H.T.N (40 tuổi), theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống.
Được biết, đây là lần sinh thứ 3 của sản phụ. Hai lần trước, chị sinh thường và các con sinh ra đều nặng trên 3 kg. Do chủ quan hai lần mang bầu trước sinh con thuận lợi, lần này chị không khám thai đều đặn, chỉ đến khi có dấu hiệu sinh chị mới tới bệnh viện.
Tại Bệnh viện Lê Văn Việt, qua thực hiện các xét nghiệm, thăm dò chức năng, các bác sĩ nhận thấy thai nhi có kích thước lớn, người mẹ bị tiền sản giật và đái tháo đường nên sản phụ được chỉ định phẫu thuật lấy thai.
Sức khỏe của sản phụ và em bé hiện ổn định. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Theo bác sĩ, việc thai nhi nặng 6,1 kg là hiếm gặp và có rất nhiều nguy cơ cho mẹ và bé khi chuyển dạ sinh. Riêng trường hợp này, người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ (có thể bị đái tháo đường trước mang thai hoặc khi đang mang thai) mà không được khám và tư vấn điều trị của bác sĩ.
May mắn, sản phụ đã nhập viện siêu âm, xét nghiệm máu xác định rõ bị tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ nên bác sĩ quyết định mổ cấp cứu kịp thời. Hiện sức khỏe của người mẹ và bé sơ sinh ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Đinh Kim (T/h)