Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 31/8: Người phụ nữ hoại tử tay chân do tự tiêm canxi

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 31/8/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 31/8/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người phụ nữ hoại tử tay chân do tự tiêm canxi

Theo thông tin trên VietNamNet, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang mới đây tiếp nhận nữ bệnh nhân 43 tuổi, trú tại huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) trong tình trạng khó thở, mệt mỏi, chân tay có nhiều nốt hoại tử…

Gia đình cho biết, bệnh nhân từng mổ tuyến giáp năm 2016. Sau đó, cô thường xuyên bị hạ canxi với các triệu chứng co quắp cơ tay chân và người yếu mệt, chóng mặt. Người bệnh đã mua canxi về để tự tiêm vào bắp, các cơ ở chân tay. Các nốt tiêm xuất hiện đốm đỏ nâu, thâm đen, dần hình thành sẹo, hoại tử chi chít ở tay và chân.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, mệt mỏi, chân tay có nhiều nốt hoại tử… Ảnh: VietNamNet

Theo các bác sĩ, việc tự tiêm canxi vào cơ có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, với nhiều rủi ro lớn như vi khuẩn xâm nhập vào gây viêm nhiễm, viêm tắc mạch máu, hoại tử mô, có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Ngoài ra, việc tiêm canxi vào cơ không đảm bảo hấp thụ và sử dụng hiệu quả canxi trong cơ thể.

Bác sĩ khuyến cáo, nếu bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe liên quan đến canxi, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách.

Canxi dạng tiêm cần được tiêm vào tĩnh mạch, không được tiêm bắp hay dưới da, đúng liều lượng cần thiết và phù hợp với thể trạng của người bệnh. Không tự ý tiêm hoặc uống canxi nếu không có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Bị ve mò cắn khi ra quét dọn vườn chôm chôm

Theo báo Tin Tức, bác sĩ CKI Lê Thị Mỹ Châu - khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bà B.T.S (80 tuổi, ngụ Đồng Nai) được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mê man.

Bác sĩ đo sinh hiệu phát hiện huyết áp của bà S. thấp, nồng độ oxy trong máu giảm còn khoảng 93%. Người bệnh được chuyển ngay vào phòng ICU (phòng Hồi sức tích cực), dùng kháng sinh toàn thân liều mạnh và tỉnh lại.

XEM THÊM: Phẫu thuật thành công khối u mỡ “khủng” nặng 1,5kg cho người đàn ông 50 tuổi

Qua ghi nhận, trước khi nhập viện cấp cứu, bà S. đi khám tại nhiều bệnh viện và được chẩn đoán nhiễm trùng chưa rõ, cho dùng thuốc và về nhà tự theo dõi. Tuy nhiên, tình trạng sốt, mệt mỏi, đau nhức không thuyên giảm.

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Châu cho biết, qua thăm khám phát hiện bà S. có vết loét ở dưới nếp lằn tại ngực. Đây là một dấu hiệu điển hình của bệnh sốt ve mò. Hỏi thăm bệnh sử, vùng dịch tễ, người bệnh cho biết xung quanh nhà có trồng vườn, bà thường xuyên ra vườn quét dọn vườn chôm chôm.

Cụ bà hiện đã tỉnh táo, ăn uống bình thường và được xuất viện. Ảnh: Báo Tin Tức

Xác định người bệnh mắc bệnh sốt mò, bác sĩ Châu quyết định ngưng các loại thuốc kháng sinh thông thường. Người bệnh được dùng một loại kháng sinh truyền đường tĩnh mạch chuyên điều trị bệnh sốt mò.

Ngay sau dùng thuốc, người bệnh phục hồi nhanh, ngưng sốt, nồng độ oxy máu và huyết áp ổn định dần. Sau 7 ngày điều trị, người bệnh tỉnh táo, ăn uống bình thường và xuất viện.

Ba mẹ con nhập viện sau khi hái nấm trong vườn nhà xào ăn

Báo An Ninh Thủ Đô đưa tin, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận vụ ngộ độc thực phẩm gồm 3 mẹ con bị ngộ độc do ăn nấm dại. Các bệnh nhân vào viện cấp cứu vì cùng xuất hiện triệu chứng nôn nhiều, đau bụng, đi ngoài, sốt.

Bác sĩ Nguyễn Đức Long - Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, 3 bệnh nhân là chị N. (37 tuổi) và 2 con (một trai, một gái) được chẩn đoán nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn, theo dõi rối loạn điện giải.

Theo lời kể của chị N., do thấy trong vườn có nhiều nấm mọc dại hình thù giống với nấm rơm, nghĩ là nấm lành ăn được nên chị đã tự hái và xào ăn. Sau khi ăn khoảng 4 giờ, cả 3 mẹ con chị N. đều xuất hiện các triệu chứng ngộ độc.

Loại nấm mà các bệnh nhân đã ăn. Ảnh: An Ninh Thủ Đô

Bác sĩ Long chia sẻ, rất may các bệnh nhân được đưa đến viện sớm, ngay khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc nên được thăm khám và điều trị kịp thời. Sau một ngày điều trị tích cực, các bệnh nhân đã đỡ nôn, đỡ mất nước, tình trạng sức khỏe phục hồi đáng kể và được xuất viện.

Cũng theo bác sĩ Long, thông thường, nấm độc có màu sắc sặc sỡ và có đốm màu trắng, đen, đỏ nổi trên mũ nấm. Nấm độc có mùi thơm, khi ngắt sẽ có nhựa chảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế, một số loại nấm độc lại có màu sắc và hình dạng giống với nấm thường nên rất dễ gây nhầm lẫn.

Do đó, người dân cần nhận biết và phân biệt được các loại nấm, nếu chưa rõ nguồn gốc, không biết loại nấm đó có độc hay không, tốt nhất không nên ăn.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật