Bé trai 3 tuổi bị điện giật khi cầm vào món đồ quen thuộc
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, Bệnh viện Đa khoa Quang Bình (tỉnh Hà Giang) cho biết bé trai 3 tuổi nhập viện hôm 1/9 trong tình trạng chấn thương, vết thương bàn tay phải.
Gia đình kể, 3 ngày trước khi vào viện, trong lúc ở nhà bệnh nhi trêu đùa cầm vào đầu sạc điện thoại vẫn được cắm vào nguồn điện. Khi phát hiện con bị điện giật, gia đình gạt tay, giải phóng bé khỏi nguồn điện.
Thời điểm nhập viện trẻ đau nhiều tại vị trí tổn thương, hoại tử khô ngón cái bàn tay phải, sưng nóng đỏ, lộ gân xương; hoại tử khô đốt xa ngón trỏ, kèm lộ xương đốt bàn ngón trỏ tay phải.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người tuyệt đối không dùng điện thoại khi đang cắm sạc cố định hoặc sạc dự phòng, phải rút dây sạc ra khỏi nguồn điện khi không sử dụng. Ảnh minh họa
Ngay lập tức, các bác sĩ sơ cứu, cắt lọc loại bỏ các tổ chức bị hoại tử và rửa vết thương. Hiện tại sức khỏe của trẻ ổn định, đang điều trị tại bệnh viện.
Trong một vụ việc trước đó, sạc dự phòng đang kết nối với điện thoại bỗng phát nổ khiến bé trai 7 tuổi (ở Sơn La) chấn thương nặng vùng bẹn bìu, chảy nhiều máu, phải đi viện cấp cứu.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không dùng điện thoại khi đang cắm sạc cố định hoặc sạc dự phòng, ngoài ra cần rút dây sạc ra khỏi nguồn điện khi không sử dụng.
Đi khám vì đau cột sống thắt lưng, phát hiện có khối u trung thất lớn
VTV News đưa tin, nữ bệnh nhân B.T.H (SN 1973, trú tại Phú Thọ) có tiền sử xẹp đốt sống thắt lưng nhưng chưa điều trị. Khoảng 1 tuần nay, người bệnh thấy đau cột sống thắt lưng, tê bì 2 chân, đi lại khó khăn nên tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ.
Người bệnh đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khám. Tại đây, qua thăm khám, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, người bệnh được chẩn đoán mắc u trung thất. Sau khi tiến hành khảo sát tổng thể các cơ quan khác, soi khí phế quản không phát hiện bất thường, người bệnh đã được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt u trung thất.
Ekip phẫu thuật của Khoa Phẫu thuật tim mạch - Lồng ngực đã phẫu thuật cắt hoàn toàn khối u trung thất qua đường mở ngực trái có nội soi hỗ trợ. Sau phẫu thuật 6 giờ, người bệnh có thể ngồi dậy, các thông số huyết động hoàn toàn ổn định. Sau phẫu thuật 2 ngày, người bệnh có thể đi lại, ăn ngủ bình thường.
BSNT Dương Xuân Phương - Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch - Lồng ngực cho biết, u trung thất là các khối u nguyên phát hoặc thứ phát, lành tính hay ác tính phát sinh ở vùng trung thất. Trong các bệnh lý trung thất thì u trung thất chiếm phần lớn (khoảng 90% các bệnh của trung thất).
XEM THÊM: Đau đầu chóng mặt kéo dài chàng trai 20 tuổi mất 2 năm rong ruổi tìm bệnh viện điều trị
Đa số các trường hợp bị u trung thất, giai đoạn đầu gần như không có triệu chứng vì khối u trung thất thường tiến triển chậm. Theo thời gian, khối u trung thất có thể lớn dần, chèn ép hoặc xâm lấn các cơ quan chủ chốt gần đó như tim, phổi, mạch máu lớn, khí phế quản, thực quản… làm cản trở quá trình tuần hoàn và hô hấp.
Nếu là khối u trung thất ác tính, nguy cơ di căn đến màng tim hoặc phổi đe dọa tính mạng của người bệnh là rất cao. Qua đây, bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ, khám tổng thể để phát hiện bệnh sớm và quá trình điều trị hiệu quả hơn.
Phẫu thuật cấp cứu bé gái 2 ngày tuổi bị tắc tá tràng bẩm sinh
Theo báo Giao Thông, các bác sĩ tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ vừa phẫu thuật thành công cho một bé gái 2 ngày tuổi bị tắc tá tràng bẩm sinh.
Trước đó, sau khi sinh một ngày, thấy con vẫn chưa ăn kèm triệu chứng nôn trớ ra dịch xanh và không đi được phân su, chị P.T.H (trú tại Sơn Dương, Tuyên Quang) lo lắng báo với bác sĩ. Sau thăm khám, bé được chẩn đoán tắc ruột sơ sinh nên ngay lập tức được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ.
Tại đây, bé gái đã được hội chẩn thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, kết quả chẩn đoán xác định tắc tá tràng bẩm sinh và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu lúc hai ngày tuổi.
Em bé dần hồi phục sau phẫu thuật. Ảnh: Báo Giao Thông
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện phần xuống của tá tràng của bệnh nhi bị tắc hoàn toàn, nguyên nhân do tụy bọc quanh tá tràng gây tắc. Các phẫu thuật viên đã tiến hành phẫu thuật nối tá tràng, lập lại lưu thông tiêu hóa cho bệnh nhi.
ThS.BS Nguyễn Đức Lân, Trưởng khoa Ngoại nhi tổng hợp chia sẻ, với trường hợp bệnh nhi bị tắc tá tràng bẩm sinh cần được chẩn đoán sớm, hồi sức trước mổ tích cực, được phẫu thuật bởi các bác sĩ chuyên khoa thì tỷ lệ sống của trẻ rất cao. Sau phẫu thuật, trẻ đã dần hồi phục và bú mẹ.
Đinh Kim (T/h)