Áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy cứu bé sơ sinh bị ngạt
VTV News thông tin, khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa lần đầu tiên áp dụng phương pháp hạ nhiệt độ cơ thể xuống dưới mức bình thường để cứu một trẻ bị ngạt khi sinh.
Bệnh nhi sinh thường tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), với cân nặng 3.300gram. Sau sinh, bệnh nhi bị ngạt nặng, được hồi sức suy tuần hoàn hô hấp tại phòng sinh trong 30 phút với bóp bóng ambu có oxy, tiêm thuốc Adrenalin thì có nhịp tim bình thường, thở yếu và được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa điều trị tiếp.
Tại Phòng Hồi sức Sơ sinh thuộc khoa Nhi, bệnh nhi thở yếu, thở rên, li bì, tăng trương lực cơ chi trên, giảm trương lực cơ chi dưới, thỉnh thoảng có cơn co giật, không có phản xạ mút. Các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp với chẩn đoán bệnh: bệnh lý não thiếu máu cục bộ - thiếu oxy - nhiễm trùng huyết sơ sinh/sinh ngạt.
Bệnh nhi hiện đã có phản xạ bú mạnh, đang tập bú mẹ. Ảnh: VTV News
Nhận định bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch, nên ngoài các phương pháp điều trị hồi sức sơ sinh tích cực như thở máy không xâm lấn, điều trị kháng sinh, điều chỉnh rối loạn thăng bằng toan kiềm, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, khoa Nhi đã áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy.
Mục đích của phương pháp này là nhằm ngăn chặn tế bào não bị tổn thương, giúp bệnh nhi có nhiều cơ hội sống sót, phục hồi sự phát triển tinh thần và vận động sau này. Nhiệt độ cơ thể bệnh nhi đang ở khoảng 37 độ C được hạ xuống còn 33,5 độ C và giữ nguyên trong vòng 72 giờ.
XEM THÊM: Tác hại của việc đeo kính áp tròng không phải ai cũng biết
Qua sau 6 ngày điều trị, bệnh nhi hồng hào trở lại, tỉnh, không có cơn co giật, không tăng trương lực cơ, đã có phản xạ bú mạnh và đang tập bú mẹ, thở khí trời, dự đoán ra viện trong những ngày tới.
Nối lại bàn chân cho nam thanh niên gặp tai nạn giao thông
Theo báo Người Lao Động, Bệnh viện Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết đã nối thành công bàn chân phải gần như đứt lìa cho nam bệnh nhân N.V.H (27 tuổi).
Trước đó, chiều 1/8, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc sau khi bị tai nạn giao thông. Tình trạng bệnh nhân nguy hiểm và được chuyển lên Bệnh viện Bà Rịa.
Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị dập nát xương và mô mềm 1/3 dưới cẳng chân, phần bàn chân gần như đứt rời, chỉ còn dính với phần cẳng chân qua một phần da và ít gân. Cuộc mổ tiến hành lúc 21h ngày 1/8 và sau hơn 5 giờ, chi đứt lìa được nối lại.
Các bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa đã nối thành công bàn chân phải gần như đứt lìa cho nam bệnh nhân. Ảnh: Người Lao Động
Theo Bệnh viện Bà Rịa, kíp mổ đã ứng dụng kỹ thuật cao (kỹ thuật vi phẫu trong nối ghép mạch máu) là phẫu thuật đặc biệt, không những lấy lại cho người bệnh về chức năng vận động mà còn cả về thẩm mỹ.
Bệnh nhân đã tỉnh, bàn chân ấm hồng, sức khỏe đã ổn định. Được biết, đây là trường hợp hiếm gặp và được cấp cứu kịp thời, các bác sĩ đã tận dụng thời gian vàng để có kết quả phục hồi tốt nhất.
Cứu sống bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, tiên lượng tử vong cao
Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng vừa tiếp nhận cứu sống bệnh nhân P.T. (60 tuổi, trú tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) ngưng tim, ngưng thở, suy hô hấp do đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, theo VTV News. Đây là trường hợp vô cùng nguy kịch và đòi hỏi sự can thiệp ngay lập tức.
Bệnh nhân có tiền sử bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã lâu. Vào lúc 9h30 ngày 1/8, bệnh nhân đột ngột lên cơn khó thở, tím tái khi đang trên đường về nhà, gia đình lập tức đưa vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, tiên lượng tử vong cao. Khoa Cấp cứu đã tiến hành hồi sức tim phổi. Sau 10 phút hồi sức cấp cứu, nhịp tim đập trở lại, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu - cho thở máy và theo dõi di chứng thần kinh.
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh. Ảnh: VTV News
Sau 24 giờ theo dõi, bệnh nhân hồi tỉnh, các dấu hiệu thần kinh trung ương cải thiện tốt. Bệnh nhân tiếp tục được tập phục hồi chức năng để cải thiện.
Theo bác sĩ Dương Bảo Thạnh - Trưởng khoa Cấp cứu, qua trường hợp này, khuyến cáo bệnh nhân mắc các bệnh lý nền, mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, cũng như các bệnh lý nặng khác nên đến cơ sở y tế để thăm khám, tư vấn điều trị phù hợp và tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị được chỉ định cho mình.
Đinh Kim (T/h)