Bé gái 16 tuổi co giật liên tục vì bị viêm não tự miễn
VOV đưa tin, ngày 30/11, bé gái N.T.G.H (16 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng lơ mơ, co giật vùng cổ - mặt. Bác sĩ chẩn đoán trạng thái động kinh và theo dõi viêm não tự miễn.
Trước đó 1 tháng, bệnh nhân có các triệu chứng rối loạn về tâm thần như ảo thanh (nghe tiếng nhạc bên tai), nói nhảm, kích động, được điều trị tại chuyên khoa tâm thần. Sau đó, bệnh nhân lại xuất hiện các cơn co giật, điều trị thuốc chống động kinh vẫn không cải thiện.
Qua xét nghiệm công thức máu, chụp cộng hưởng từ não, chọc dò dịch não tủy, xét nghiệm miễn dịch, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm não tự miễn do kháng thể kháng neuron thần kinh.
Bệnh nhân có thể xuất viện trong một vài ngày tới. Ảnh: VOV
Sau 2 tuần điều trị tích cực với 10 chu kỳ thay huyết tương, bệnh nhân tỉnh táo, trả lời và nói chuyện được với người thân qua điện thoại. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, trẻ có thể xuất viện trong một vài ngày tới.
2 bệnh nhân có phổi đông đặc, nhiều ổ cặn xơ hóa hậu COVID-19
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, nữ bệnh nhân N.T.C (67 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong đau nhức sườn phải, tức ngực, khó thở. Kết quả chụp X-quang cho thấy bệnh nhân có nhiều dịch màng phổi.
Sau đó, bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa kết hợp chọc hút màng phổi nhưng các triệu chứng không thuyên giảm. Bác sĩ chỉ định tiếp tục chụp CT phổi, cho thấy trong phổi tồn tại nhiều ổ cặn xơ hóa khiến phổi đông đặc. Các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định mổ hút ổ cặn màng phổi cho bệnh nhân.
Ngoài bà C., Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận điều trị cho nam bệnh nhân N.V.T (63 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội). Trước đó, bệnh nhân này xuất hiện tình trạng khó thở, đau tức ngực trái và đã điều trị tại một số cơ sở y tế nhưng không hiệu quả.
Khi tình trạng suy hô hấp, đau quặn bên ngực phải ngày càng gia tăng, bệnh nhân mới được người nhà đưa tới Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu. Chụp CT màng phổi thấy tình trạng đông đặc, viêm dính rất nhiều ở nhu mô phổi. Bệnh nhân được chuyển khoa Truyền nhiễm nằm điều trị.
Sức khỏe 2 bệnh nhân đều tốt trở lại sau phẫu thuât. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân được chụp CT ngực kiểm tra, cho thấy phần phổi xẹp có phục hồi tương đối nhưng ổ áp xe chưa được dẫn lưu hoàn toàn, còn nhiều mủ đọng nơi lá tạng. Bên cạnh đó, sau giai đoạn viêm mủ, 2 màng phổi có những chỗ dày lên và dính lại với nhau khiến cho chức năng hô hấp bị ảnh hưởng và tạo thành các khoang bên trong khiến cho việc dẫn lưu dịch và khí trong khoang màng phổi không còn hiệu quả.
Khoa Truyền nhiễm đã hội chẩn với khoa Ngoại tổng hợp để lên phương án điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Ths.Bs Nguyễn Văn Lâm – khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang quyết định phẫu thuật bằng phương pháp nội soi để giải quyết triệt để áp xe phổi. Trong mổ, các bác sĩ kiểm tra lá phổi trái hoạt động tốt, còn phổi bên phải tổn thương, phù nề, nhiều ổ áp xe.
Bệnh nhân được bóc sạch mô hoại tử, làm sạch khoang màng phổi, đặt ống dẫn lưu. Với ca bệnh này, do nhiều tổn thương và triệu chứng nặng hơn nên ca phẫu thuật phức tạp và kéo dài hơn so với bệnh nhân C. Sau phẫu thuật, người bệnh tỉnh táo, tiếp tục điều trị kháng sinh chống nhiễm trùng, cần thời gian dài để hồi phục.
Khai thác tiền sử bệnh được biết, cả 2 bệnh nhân đều từng mắc COVID-19. Trước khi có tình trạng đau tức ngực, 2 người đều không có biểu hiện gì mà vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường, cho tới lúc có cơn đau quặn thắt bên ngực trái và tình trạng khó thở tăng dần lên.
Cấp cứu người phụ nữ bị biến chứng sau khi phá thai tại phòng khám tư
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, đơn vị vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân N.T.T (35 tuổi, trú tại Hải Dương) biến chứng sau khi phá thai tại phòng khám tư, theo báo Phụ Nữ Việt Nam.
Bệnh nhân hiện đã ổn định. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam
Trước đó, người bệnh được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng đã gắp thai một phần và chảy máu nhiều. Ngay sau khi tiếp nhận, kíp trực khám cấp cứu cho bệnh nhân và nhận thấy âm đạo chảy máu nhiều, cổ tử cung hé, tử cung to tương đương thai 3 tháng.
Các bác sĩ nhận định tổn thương tử cung do phá thai nên quyết định nhanh chóng mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Trong quá trình thực hiện, các bác sĩ phát hiện tử cung đã vỡ, có khối máu tụ 4x5cm lan xuống bàng quang; mặt sau tử cung có 2 đường rách từ thân xuống ống cổ.
Bác sĩ đã tiến hành xử trí chuyên môn, khâu cầm máu thắt động mạch tử cung hai bên. Hiện tại, người bệnh đã ổn định.
Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó, co mang thai ngoài ý muốn nên chị đã bỏ thai. Tuy nhiên, bệnh nhân lại đến một phòng khám tư trên địa bàn thay vì tới bệnh viện. rong quá trình thực hiện, bệnh nhân bị biến chứng nên phòng khám và gia đình chuyển lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cấp cứu.
Đinh Kim (T/h)