Người đàn ông tử vong sau khoảng 3 tháng bị chó nhà nuôi cắn
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin cuối giờ chiều 27/11, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhân tử vong nghi do dại.
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk thông tin, bệnh nhân là Y.L.B (nam, 32 tuổi, trú tại TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Theo người nhà bệnh nhân, khoảng 3 tháng trước, bệnh nhân bị chó nhà nuôi cắn vào cổ tay trái, có xử lý vết cắn và đi khâu 3 mũi nhưng không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Đắk Lắk vừa ghi nhận trường hợp tử vong thứ 4 nghi do bệnh dại. Ảnh minh họa: Shutterstock
Đến ngày 23/11, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ngày 25/11, người nhà đưa bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên khám và điều trị với chẩn đoán: Theo dõi bệnh dại lên cơn.
Ngày 26/11, gia đình xin cho bệnh nhân về nhà. Ngày 27/11, bệnh nhân tử vong tại nhà. Được biết, đây là trường hợp tử vong thứ 4 nghi do bệnh dại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2023.
Ngã xuống giếng sâu, người phụ nữ bị liệt hoàn toàn 2 chân
Báo Giao Thông dẫn thông tin từ bác sĩ Huỳnh Như Đồng - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, các bác sĩ vừa phẫu thuật cho nữ bệnh nhân L.T.H. (37 tuổi, ngụ xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) bị gãy cột sống, đứt tủy sống do bị ngã xuống giếng sâu khi đi hái cà phê.
Theo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tối 23/11, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân H. trong tình trạng bị đau toàn vùng lưng. Bệnh nhân được chẩn đoán gãy nát đốt sống, chèn ép tủy sống nặng và bị liệt hoàn toàn cả 2 chân.
Sức khỏe bệnh nhân hiện đã tạm ổn. Ảnh: Báo Giao Thông
Gia đình kể, bệnh nhân bị ngã xuống giếng nước trong lúc đi hái cà phê thuê cho người dân. Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu bắt ốc vít cố định xương sống. Hiện, sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn, tuy nhiên bệnh nhân không có bảo hiểm y tế nên chi phí điều trị tốn kém.
Theo bác sĩ Huỳnh Như Đồng, do hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn, chi phí điều trị không có nên khoa mổ cấp cứu để cứu bệnh nhân trước. Sau đó, đã báo cáo vụ việc lên lãnh đạo bệnh viện xin ý kiến, cũng như liên hệ với tổ công tác xã hội (thuộc Phòng Điều dưỡng) kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ cho bệnh nhân.
Bệnh nhân 40 tuổi nguy kịch sau khi uống rượu ngâm củ ấu tàu
VTV News đưa tin, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) vừa tiếp nhận người bệnh Đ.V.H. (40 tuổi, huyện Cẩm Khê) trong tình trạng nguy kịch sau khi uống 2 cốc rượu ngâm củ ấu tàu.
Theo người nhà bệnh nhân, khoảng 19h cùng ngày, sau khi uống 2 cốc rượu ngâm củ ấu tàu, người bệnh xuất hiện mệt lả, tê lưỡi, nôn nhiều, không đứng vững, được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê thăm khám.
Tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, người bệnh nhập viện trong tình trạng tỉnh, tê lưỡi, xuất tiết nhiều đờm dãi, điện tâm đồ có loạn nhịp ngoại tâm thu thất đa ổ. Ngay lập tức, các bác sĩ chỉ định truyền dịch, dùng thuốc chống loạn nhịp, rửa dạ dày và theo dõi 24/24h.
Củ ấu tàu có chứa độc tố Aconitin. Ảnh minh họa: VTV News
Một tiếng sau khi nhập viện, tình trạng người bệnh tiến triển nặng lên: lơ mơ, co cứng cơ toàn thân, kíp cấp cứu nhanh chóng tiến hành đặt nội khí quản, thở máy. Tuy nhiên chỉ 30 phút sau, người bệnh mất hoàn toàn ý thức, điện tâm đồ trên monitor nhịp nhanh thất sau đó chuyển rung thất, nguy cơ tử vong rất cao.
Các bác sĩ tập trung cấp cứu, sốc điện ngoài lồng ngực. Sau quá trình cấp cứu khẩn trương, liên tục, nhịp tim trở về nhịp xoang, 6 giờ sau người bệnh tỉnh lại, tự thở và được rút ống nội khí quản, các chỉ số sinh tồn trở về bình thường.
Theo bác sĩ CKI Hà Huy Mến - Phó Trưởng khoa, phụ trách khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, củ ấu tàu có chứa độc tố Aconitin, đây là chất rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng. Khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tàu phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm.
XEM THÊM: Ai không nên ăn ớt chuông? Những thực phẩm tránh kết hợp với ớt chuông “kẻo rước họa vào thân”
Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách chế biến để loại bỏ độc tố, không được uống rượu ngâm củ ấu tàu vì dễ bị ngộ độc dẫn đến nguy cơ tử vong. Các loại rượu ngâm ấu tàu dùng để xoa bóp phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.
Đinh Kim (T/h)