Bà nội hiến gan cứu cháu gái mắc ung thư
Theo thông tin trên VietNamNet, bé gái 15 tuổi (quê Quảng Bình) phát hiện xơ gan cách đây 6 năm không rõ căn nguyên. Gần đây đi khám, nữ sinh này phát hiện ung thư gan.
PGS.TS Lê Văn Thành, Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội), cho biết với bệnh nhi này, phẫu thuật cắt u không khả thi vì chức năng gan của bé kém do xơ gan, lách to. Ghép gan là phương án tốt nhất.
Đáng nói, bà nội và bé gái lại không cùng nhóm máu (bất đồng nhóm máu ABO), đòi hỏi cách điều trị khác với các trường hợp cùng nhóm máu. TS Thành chia sẻ trước ghép 3 tuần, bệnh nhân được đánh giá hiệu giá kháng thể nhóm máu của người hiến, sau đó điều chỉnh hiệu giá kháng thể, điều trị giải mẫn cảm. Khi nồng độ kháng thể nhóm máu của người hiến được đưa xuống 1/16, ca ghép có thể tiến hành.
Ngày 30/10, ca phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan phải của bà nội để ghép cho cháu gái được tiến hành. Ca mổ kéo dài 8 giờ đồng hồ. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản ngay tại phòng mổ.
Một tuần sau ca lấy - ghép, bà nội được ra viện trong tình trạng ổn định, còn cháu gái phục hồi tốt, chức năng gan ghép hoạt động bình thường, vận động nhanh nhẹn.
Ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ. Ảnh: VietNamNet
Chiều 24/11, tại cuộc gặp mặt báo chí Hội thảo khoa học thành tựu 200 ca ghép gan tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, các bác sĩ đánh giá việc lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép gan bất đồng nhóm máu cho trẻ lớn này là "thành tựu ấn tượng".
Tại Việt Nam, ghép tạng từ nguồn cho bất đồng nhóm máu ABO đã được thực hiện trên bệnh nhân ghép thận và trên nhóm ghép gan ở trẻ nhỏ, tuy nhiên chưa được thực hiện trong ghép gan ở người trưởng thành.
Việc triển khai ghép gan bất đồng nhóm máu giúp tăng cơ hội sống cho người cần được ghép gan, trong bối cảnh nhu cầu được ghép gan ngày càng tăng nhưng nguồn gan hiến hạn chế.
Mỗi năm, khoảng 50 ca ghép gan được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, thậm chí có những ngày có thể thực hiện 2 ca. Bệnh viện đặt mục tiêu tới đây nâng con số này lên 100-150 ca/mỗi năm.
Được biết, chi phí một ca ghép gan tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 hiện khoảng 1,3 tỷ đồng, so với mức khoảng 8 tỷ đồng tại Singapore, chi phí này được đánh giá là rẻ.
Người đàn ông đau ngực, sốt 39 độ C sau 1 ngày hóc xương cá
VTV News đưa tin, nam bệnh nhân 55 tuổi bị hóc xương khi ăn canh cá. Sau 1 ngày, bệnh nhân đau ngực, khó thở, sốt cao 39 độ. Tại Bệnh viện Bạch Mai, sau khi thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ đánh giá đây là 1 trường hợp hóc xương cá gây biến chứng thủng thực quản, gây áp xe trung thất, tràn mủ màng tim.
Bệnh nhân đã được tiến hành thủ thuật dẫn lưu màng ngoài tim ra nhiều dịch mủ trắng, nhịn ăn, đặt sonde dạ dày; phối hợp điều trị kháng sinh. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn sốt cao, đau ngực khó thở nhiều.
Nội soi thực quản dạ dày thấy tổn thương là xương cá gây thủng thực quản, chảy mủ vào lòng thực quản; nhưng không thể can thiệp gắp bỏ dị vật qua nội soi.
Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi ngực phải xác định tổn thương là dị vật - xương cá (mang cá) đâm thủng thực quản, màng tim, gây áp xe trung thất và tràn mủ màng ngoài tim.
Các bác sĩ đã làm sạch áp xe trung thất; lấy dị vật xương cá; mở màng tim; dẫn lưu màng phổi 2 bên, dẫn lưu màng tim; nội soi ổ bụng mở thông hỗng tràng để nuôi dưỡng.
XEM THÊM: Người bệnh sốt xuất huyết tím đen toàn thân nguy kịch, bác sĩ tuyến trung ương nói gì?
Sau mổ, bệnh nhân được bơm rửa màng tim; phối hợp điều trị kháng sinh, nuôi dưỡng qua mở thông hỗng tràng. Sau 2 tuần, bệnh nhân được rút dẫn lưu màng phổi và dẫn lưu màng tim.
Khám lại sau 1 tháng, bệnh nhân được nội soi thực quản dạ dày lỗ thủng thực quản đã liền, không còn thấy tổn thương. Bệnh nhân đã bắt đầu được ăn uống đường miệng và rút mở thông hỗng tràng sau 2 tuần.
Thay khớp háng thành công cho cụ bà 103 tuổi
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) cho hay, đơn vị vừa thực hiện thay khớp háng nhân tạo bán phần cho một bệnh nhân cao tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, từng mổ kết hợp xương đùi phải cách đây 6 năm.
Cụ thể, cụ bà Trần T. U (103 tuổi, trú tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị ngã dập mông trái xuống nền cứng, gây sưng nề bầm tím, hạn chế vận động đùi trái. Vào viện, qua khám và chụp Xquang cho thấy, cụ bà bị gãy nền cổ xương đùi trái.
Các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và gây mê hồi sức Bệnh viện Bãi Cháy đã hội chẩn, chỉ định phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo bán phần cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật 5 ngày phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, có thể tập đi lại nhẹ nhàng với khung trợ giúp.
Theo bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy, ở người cao tuổi, chất lượng xương kém hoặc có loãng xương kèm theo nên liền xương rất khó khăn. Việc kết hợp xương bằng các phương tiện như vít xốp, nẹp vít, đinh nẹp, nẹp vít nén ép... thường không mang kết quả như mong muốn với các nguy cơ như lỏng, trôi vít và nẹp, xương không liền, di lệch ổ gãy thứ phát, chăm sóc khó khăn, người bệnh không có khả năng đi lại, phải nằm tại chỗ... Vì vậy, phẫu thuật thay khớp háng là lựa chọn tối ưu hiện nay giúp người bệnh thoát khỏi đau đớn, phục hồi vận động nhanh chóng.
Sau phẫu thuật 5 ngày phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, có thể tập đi lại nhẹ nhàng với khung trợ giúp. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Tuy nhiên, phẫu thuật thay khớp háng đối với người cao tuổi vốn là thách thức đối với phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê, đòi hỏi độ an toàn về gây mê hồi sức, kiểm soát tốt các biến chứng tim mạch, hô hấp và các bệnh lý kèm theo.
Do đó, phẫu thuật này cần phải thực hiện ở cơ sở y tế có trang thiết bị, phòng mổ hiện đại, phẫu thuật viên phải giàu kinh nghiệm, lựa chọn khớp nhân tạo phù hợp với người bệnh, thao tác kỹ thuật chính xác, đảm bảo tư thế, độ vững của khớp, bệnh nhân có thể tập phục hồi chức năng sớm nhất sau phẫu thuật.
Ngoài ra, thời gian phẫu thuật phải rút ngắn để hạn chế các nguy cơ tai biến do gây mê, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Cần cầm máu kỹ hạn chế tối đa nguy cơ mất máu trong và sau phẫu thuật.
Đinh Kim (T/h)