Từ vết xước nhỏ, người đàn ông phát hiện mắc đái tháo đường
Theo thông tin trên VietNamNet, ngày 23/9, bác sĩ Dương Minh Tuấn - Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ về biến chứng đái tháo đường của người đàn ông 55 tuổi. Trước đó, người này hoàn toàn không biết mình bị bệnh.
Trong quá trình làm việc tại hồ nuôi thủy sản, bệnh nhân bị vảy cá làm tổn thương mắt cá chân trái. Do chủ quan chỉ là vết xước nhỏ, bệnh nhân không điều trị. Một tuần sau, tổn thương đã nhiễm trùng và lan rộng lên cẳng chân. Khi nhập viện và làm các xét nghiệm, bệnh nhân phát hiện bị đái tháo đường tuýp 2.
Hiện tại, tổn thương ở bàn chân đã đi vào xương. Bệnh nhân đang được sử dụng kháng sinh để điều trị, giảm nguy cơ phải cắt cụt chi. Cùng với đó, ông cũng được kiểm soát đường huyết để tổn thương không lan rộng.
Hình ảnh tổn thương chân của người bệnh. Ảnh: VietNamNet
Những năm gần đây, tỷ lệ mắc đái tháo đường ngày càng tăng, được coi là “đại dịch không lây nhiễm”. Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) công bố năm 2021, có tới 53 triệu người mắc căn bệnh này trên toàn cầu, tương ứng với tỷ lệ trong 10 người từ 20-79 tuổi có 1 bệnh nhân; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường trong giai đoạn phát triển thai nhi. Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc bệnh mà không được chẩn đoán.
Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương gần 5 triệu bệnh nhân. Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. Theo dự báo, số ca mắc đái tháo đường của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.
Đái tháo đường ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh, làm tổn thương các mạch máu dẫn tới xơ vữa động mạch, huyết áp cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch, đột quỵ, mù mắt, suy thận…
Liên tục hít bóng cười, thanh niên bị tổn thương tủy cổ, tê yếu tay chân
Báo Người Lao Động đưa tin, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa tiếp nhận, điều trị cho nam bệnh nhân 25 tuổi (ở Hải Phòng) bị ngộ độc khí N2O sau thời gian dài hít bóng cười.
Nam bệnh nhân cho biết anh vốn là người cung cấp khí N2O (khí cười) cho nhiều cơ sở có nhu cầu, trong đó có quán bar, nhà hàng.... Bản thân bệnh nhân đã hít khí cười khoảng 3-4 năm nay. Trong quá trình hít khí cười, thi thoảng thanh niên này có cảm giác tê tay chân nhưng vẫn tiếp tục sử dụng.
Khoảng 2 tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân có sử dụng số lượng lớn bóng cười, thậm chí có ngày hít tới 5-10 bình khí N2O/ngày, tương đương với 100 - 200 quả bóng cười. Ba tuần gần đây thấy người có dấu hiệu tê bì nhiều hơn nên đã gọi người đến truyền dịch tại nhà gần 10 ngày nhưng tình trạng tê bì vẫn không đỡ. Sau đó thấy cơ thể nam thanh niên này yếu dần, đi không vững gia đình đã đưa đến bệnh viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân nhập viện trong tình trạng yếu các cơ, tê bì gần như toàn thân, đi lại khó khăn, đặc biệt kết quả chụp chiếu cho thấy bệnh nhân bị tổn thương vùng tủy cổ. "Đây là vùng dẫn truyền thần kinh từ não đến toàn bộ cơ thể nên khi tổn thưởng sẽ rất nguy hiểm cho sức khoẻ”, bác sĩ Nguyên nói.
Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định hơn nhưng vẫn bị yếu cơ, cần tiếp tục theo dõi tổn thương não và vùng tủy cổ.
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân có tổn thương tủy vùng cổ sau khi lạm dụng bóng cười. Ảnh: Người Lao Động
Bác sĩ Nguyên cho biết bóng cười bản chất là bóng bay được bơm đầy khí N2O. Khí này được sử dụng trong y khoa làm thuốc gây mê, nó có tác dụng giảm đau, an thần. Khi hít N2O, con người sẽ có tình trạng kích thích, phấn khích, ảo giác gây cười. Vì vậy, người ta lạm dụng nó cho mục đích giải trí.
Tuy nhiên, trên thực tế việc sử dụng NO2 kéo dài, hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, huyết áp, ức chế não, thậm chí gây tử vong do ngộ độc cấp.
"N2O cũng gây tổn thương não, dây thần kinh khiến bệnh nhân rối loạn cảm giác, bị tê bì, liệt tất cả các cơ. Đó là lý do mà nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng hạn chế hoặc không đi lại được, ảnh hưởng chức năng sống. Kết quả chụp chẩn đoán với các bệnh nhân này cho thấy, hình ảnh tủy sống bị tổn thương rất nặng. Khi chụp cắt ngang thấy hình ảnh tổn thương có thể lên đến 1/3 tủy sống, rất nặng nề"- bác sĩ Nguyên cảnh báo.
XEM THÊM: Gần 100 vết ong đốt toàn thân, bé trai 10 tuổi tử vong do suy đa dạng
Ngoài ra, N2O còn ảnh hưởng đến tâm thần, gây rối loạn tâm thần do tổn thương não. Với máu, khí này còn gây thiếu máu do ức chế tủy xương gây suy tủy xương. Với cơ quan sinh dục, N2O làm giảm khả năng sinh dục nam và nữ.
Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm khí N2O, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích như bóng cười.
Người phụ nữ thủng dạ dày chỉ vì thói quen ngậm tăm
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) mới thông tin về trường hợp bệnh nhân thủng dạ dày 2 tháng mà không biết để đi chữa trị. Nguyên nhân chỉ vì 1 chiếc tăm.
Đó là trường hợp của bà C.L.H (48 tuổi, Hà Nội). Bà H. bình thường khỏe mạnh, có thói quen xỉa răng bằng tăm tre sau mỗi bữa ăn. Cách đây 2 tháng, bà H. bị đau âm ỉ vùng thượng vị, có lúc quặn cơn kèm khó thở.
Bà tự điều trị thuốc viêm dạ dày tại nhà, sau 2 tuần không đỡ nên đi khám tại một bệnh viện đa khoa. Nội soi chỉ thấy khối đẩy lồi vào lòng dạ dày, chụp phim không phát hiện bất thường.
Bà tiếp tục chuyển Bệnh viện Lão khoa Trung ương để chụp phim, nghi có dị vật xuyên thành môn vị đâm vào gan trái. Sau đó, bà được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức.
Bác sĩ CKII Nguyễn Đắc Thao, Trung tâm Phẫu thuật đại trực tràng, tầng sinh môn (Bệnh viện Việt Đức), cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh, không sốt, bụng mềm, ấn đau tức thượng vị và hạ sườn trái. Không có phản ứng hay cảm ứng phúc mạc, không nôn, đại tiện bình thường.
Chụp CT thấy 2 dị vật gồm 1 dị vật dài 22 mm xuyên thành môn vị và 1 dị vật 21 mm dưới gan trái. Nội soi thấy thâm nhiễm viêm ở hành tá tràng, dễ chảy máu, hút áp lực âm không thấy chảy mủ hay dị vật.
Sau khi lấy bệnh phẩm khỏi ổ bụng, ghép lại thấy rất giống 1 que tăm tre. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Sau 1 tuần điều trị kháng sinh, theo dõi, tình trạng đau bụng của bệnh nhân vẫn còn, chụp CT dị vật vẫn ở vị trí cũ. Các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật nội soi lấy dị vật. Trong khi mổ thăm dò thấy ổ bụng sạch, không có dịch, mặt trên môn vị dính với mặt dưới gan trái, thâm nhiễm viêm nhiều, gỡ ra kiểm tra thấy 3 mảnh dị vật giống tăm tre bị gãy, đâm xuyên từ môn vị lên mặt dưới gan.
Các bác sĩ đã lấy bỏ dị vật, kiểm tra kĩ môn vị không thấy rõ lỗ thủng, đặt 1 dẫn lưu theo dõi. Sau khi lấy bệnh phẩm khỏi ổ bụng, ghép lại thấy rất giống 1 que tăm tre.
Đinh Kim (T/h)