Tin tức đời sống mới nhất ngày 23/7/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 23/7/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Thai nhi chết trong bụng mẹ, gia đình tố bác sĩ Bệnh viện Bưu điện tắc trách
Sáng 22/7, người nhà sản phụ N.T.R (SN 1986, ở Hoàng Mai, Hà Nội) có đơn trình báo Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) phản ánh về việc kíp bác sĩ Bệnh viện Bưu điện tắc trách khiến thai nhi trong bụng chị R. chết lưu.
Theo phản ánh từ gia đình bệnh nhân, chị R. mang thai 41 tuần, ngày 19/7, chị đến Bệnh viện Bưu điện để khám theo lịch hẹn. Tại đây, kết quả khám thai bình thường, bác sĩ hẹn 2 ngày sau đến để làm thủ tục đẻ chỉ huy (mổ đẻ).
Bệnh viện Bưu Điện - nơi xảy ra sự việc. Ảnh: VTC |
Ngày 21/7, gia đình đưa thai phụ đến Bệnh viện theo lịch hẹn trước. Tuy nhiên, các bác sĩ chưa cho nhập viện vì thấy chị chưa chuyển dạ, chưa có biểu hiện bất thường, hẹn ngày 23/7 quay lại. Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân bày tỏ nguyện vọng được nằm viện theo dõi do thai già tháng. Chiều 21/7, chị R. được cho nhập viện.
Đến tối cùng ngày, sản phụ R. có biểu hiện sốt cao, được cho uống thuốc hạ sốt, lấy máu xét nghiệm. Gia đình yêu cầu nếu cần thì mổ đẻ ngay, y tá trực của bệnh viện nói phải chờ có kết quả xét nghiệm, hội chẩn của bác sĩ.
Đến sáng 22/7, bác sĩ thông báo thai nhi không có tim thai, chị R. được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương để tiếp tục chăm sóc.
Cô bé sinh non chỉ nặng 363 gram và 'hành trình sống còn'
Một bé gái sinh non với trọng lượng chỉ 363 gram đã may mắn sống sót sau 4 tháng điều trị ở bệnh viện. Em đã trở thành đứa trẻ sinh non có trọng lượng nhỏ nhất từng sống sót ở Ấn Độ.
Cô bé có tên là Ridhima Ajmani, tên thuờng gọi ở nhà là Cherry, chào đời cách đây 4 tháng và chỉ có trọng lượng 363 gram. Lúc ấy, tỷ lệ sống của Ridhima là rất thấp, theo Daily Mail.
Các chuyên gia y khoa cho biết những đứa trẻ chào đời có trọng lượng dưới 500 gram thì tỷ lệ sống lúc nào cũng dưới 50%. Ridhima chào đời ở Bệnh viện Nhi đồng Rainbow tại thành phố Hyderabad, Ấn Độ.
Năm nay tôi 32 tuổi, chồng tôi hơn tôi 18 tuổi, là bộ đội xuất ngũ. Chúng tôi lấy nhau được 10 năm, cuộc sống khá êm ấm, tuy không dư dả nhưng cũng không đến nỗi túng thiếu.
Ngày lấy chồng, ai cũng nghĩ tôi trẻ trung, lấy chồng già chắc sẽ được chồng chiều lắm. Nhưng thực tế, cuộc sống làm dâu của tôi trăm bề khổ cực. Sống chung với gia đình chồng, mẹ chồng và em chồng hay để ý nhất cử nhất động của tôi và nói những lời mỉa mai rất khó nghe.
Ảnh minh họa. Ảnh: VOV |
Ở nhà chồng được 3 năm, chồng tôi thương vợ vất vả nên xin ra ở riêng. Thời gian đầu vợ chồng chăm chỉ làm ăn, nuôi hai con gái khôn lớn, cuộc sống khá hạnh phúc.
Khi có điều khi kinh tế khá lên, thì ông ấy bắt đầu thay đổi. Ông ấy tụ tập bạn bè nhiều hơn, dần nảy sinh quan hệ bất chính với một cô làm nghề cắt tóc gội đầu, hiện đã được 2 năm.
Tôi để ý thấy chồng có nhiều thay đổi về ăn mặc, ngoại hình, lúc nào cũng kè kè cái điện thoại để nhắn tin, gọi điện, trước đó, ông ấy không hề biết nhắn tin.
Tôi gặng hỏi thì ông ấy thú nhận là muốn kiếm một cậu con trai để sau này có người hương khói, tôi không đẻ con trai được thì phải chịu.
Công việc trong nhà do mình tôi gánh vác nhưng chồng tôi lại quản về kinh tế. Mà dường như, càng ngày ông ấy càng ghét tôi. Cứ ở nhà là ông ấy lại bực dọc, la mắng tôi, thậm chí còn túm tóc, vặn tay tôi mà đánh trước mặt các con.
Tôi không biết mình có nên cắn răng chịu đựng ông chồng trăng hoa, vũ phu để con cái có đầy đủ bố mẹ hay đâm đơn xin li dị?
Hoại tử bàn chân sau 4 ngày đắp thuốc nam chữa rắn cắn
Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng tổn thương mu chân phải lan rộng, sưng nề đỏ, có dịch mủ màu vàng, hôi, hoại tử. Sưng nề lan lên hết cẳng chân phải.
4 ngày trước, người đàn ông này bất ngờ bị rắn cắn. Sau 4 ngày đắp lá và uống thuốc nam, vết thương không thuyên giảm mà càng nghiêm trọng hơn. Khi quá đau và đi lại khó khăn, bệnh nhân mới đến bệnh viện.
Tại viện, bệnh nhân được sơ cứu, sát khuẩn vết thương và được chỉ định các cận lâm sàng cần thiết. Bác sĩ chẩn đoán vết thương bàn chân bị nhiễm trùng, cần được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị nhiễm trùng.
Bệnh nhân bị hoại tử chân sau khi đắp thuốc trị rắn cắn. Ảnh: VnExpress |
Theo các bác sĩ, nhiều người sai lầm trong cách sơ cứu khi bị rắn cắn. Do sơ cứu không đúng cách, nhiều người nhập viện trong tình trạng rất nặng bị hoại tử một phần tay chân vì nhiễm trùng máu. Lỗi thường gặp là garo (cột dây) không đúng cách dẫn đến hoại tử các bộ phận cơ thể hoặc nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng huyết do đắp các loại lá và uống thuốc nam…
Khi bị rắn cắn, cần giúp nạn nhân nằm yên, trấn an họ. Đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc. Rửa sạch vết thương bằng xà bông hoặc dung dịch thuốc sát khuẩn da, phủ lên vết cắn bằng gạc sạch, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Kiều Trang (T/h)