Cứu bé gái 11 tuổi bị viêm cơ tim tối cấp, sốc tim
Theo thông tin trên VTV News, khai thác bệnh sử ghi nhận bé gái 11 tuổi (ở tỉnh Vĩnh Long) bị bệnh 2 ngày, sốt nhẹ, than mệt, nôn ói, vã mồ hôi, tay chân lạnh, nhập Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long với chẩn đoán sốc tim, viêm cơ tim, xử trí đặt nội khí quản, vận mạch, chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bệnh nhi vào viện trong tình trạng lơ mơ, môi tái, chi mát, huyết kẹp 70/50 mmHg, mạch quay nhẹ khó bắt, nhịp tim nhanh dao động 180-220 lần/phút. Xét nghiệm men tim Troponin I, CK-MB tăng cao, siêu âm tim giảm phân suất tống máu EF còn 22-25%% (bình thường EF 60-80%).
Bệnh nhi được chẩn đoán: Viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, ngày 2. Các bác sĩ đã xử trí cho bệnh nhi thở máy, vận mạch. Tình trạng bệnh nhi diễn tiến nặng, được phối hợp dopamine, noradrenaline liều cao nhưng tình trạng huyết động không cải thiện, được hội chẩn ekip tim mạch, ngoại lồng ngực tim mạch, hồi sức tích cực thực hiện ECMO. Điều chỉnh rối loạn điện giải và toan kiềm, điều trị hỗ trợ cơ quan gan thận.
Sau 8 ngày chạy ECMO, tình trạng huyết động bệnh nhi ổn định, nhịp tim trở về nhịp xoang, được cai ECMO, sau đó được cai máy thở và chuyển khoa Tim mạch điều trị tiếp. Ảnh: VTV News
Kết quả sau 8 ngày chạy ECMO, tình trạng huyết động bệnh nhi ổn định, nhịp tim trở về nhịp xoang, được cai ECMO, sau đó được cai máy thở và được chuyển khoa Tim mạch điều trị tiếp.
Qua trường hợp này, bác sĩ lưu ý phụ huynh rằng, vào thời điểm gần Noel, dịp Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, thời tiết lạnh có thể xuất hiện các trường hợp nhiễm siêu vi biến chứng viêm cơ tim ở trẻ.
Do đó, khi trẻ đau đầu, ói, đau bụng, sắc mặt xanh tái, tay chân tái, móng chân tay tái, ngất, đau ngực…, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám, định bệnh chẩn đoán sớm viêm cơ tim và xử trí thích hợp.
Bộ Y tế thông tin về biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin chiều 22/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia ghi nhận thông tin biến thể JN.1 của virus SAR S-CoV-2 gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian gần đây. Biến thể JN.1 thuộc nhóm biến thể cần quan tâm (VOI), theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của Omicron.
Hiện tại, chưa có bằng chứng về sự tăng nặng so với các biến thể trước đó và nguy cơ sức khỏe cộng đồng vẫn được đánh giá ở mức độ thấp ở cấp độ toàn cầu. Tuy nhiên, số mắc SARS-CoV-2 nói riêng và các bệnh đường hô hấp khác nói chung được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là ở các quốc gia đang bước vào mùa đông, có thể làm gia tăng các trường hợp phải nhập viện tại các cơ sở y tế.
Trong thời gian qua, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi tạo ra các biến thể mới, gần nhất là biến thể JN.1. Trên cơ sở thay đổi về đặc tính của virus, mức độ lây lan, mức độ nghiêm trọng liên quan hoặc hiệu quả của vaccine, thuốc điều trị, chẩn đoán, các biện pháp xã hội…, WHO phân loại các biến thể của SARS-CoV-2 được phân thành 4 nhóm: Biến thể cần quan tâm, biến thể đáng lo ngại, biến thể được theo dõi và biến thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Tình hình COVID-19 ở Việt Nam vẫn đang được kiểm soát. Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống
Tại Việt Nam, tình hình COVID-19 vẫn đang được kiểm soát; số mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; số nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp. Theo số liệu thống kê, ở tuần 50 ghi nhận 59 ca mắc COVID-19, tuần 49 ghi nhận 52 ca. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh, hiện chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.
Ở nước ta, khu vực miền Bắc đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.
Trên phạm vi cả nước, đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.
XEM THÊM: Dùng bật lửa chơi cùng bóng bay hình ông già Noel, bé trai 4 tuổi bị bỏng mặt
Ngày 22/12/2023, Bộ Y tế đã có công văn số 8147/BYT-DP đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân năm 2023-2024.
Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp với các tổ chức quốc tế, các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các biến thể của virus SARS-CoV-2 cũng như các tác nhân gây bệnh đường hô hấp khác để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, phù hợp.
Gia Lai ghi nhận thêm một ca tử vong do bệnh dại
Theo báo Gia Lai, ngày 22/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết vừa ghi nhận thêm 1 ca tử vong do bệnh dại tại huyện Đức Cơ. Đây là ca tử vong thứ 4 do bệnh dại tại huyện Đức cơ và là ca tử vong thứ 14 trên toàn tỉnh tính từ đầu năm 2023 đến nay.
Cụ thể, trường hợp tử vong là em T.D.M.C (SN 2017, ở làng Al Gôn, xã Ia Din, huyện Đức Cơ). Theo lời của người nhà, cách đây khoảng 3 tháng, bệnh nhân bị chó nuôi trong nhà cào xước nhẹ nên không đi tiêm phòng vaccine và huyết thanh kháng dại. Con chó này sau đó cào thêm 3 người trong gia đình, tuy nhiên cả 3 người đều không tiêm vaccine phòng dại.
Cần tuyên truyền người nuôi chó cần xích, đeo mõm khi thả chó ra ngoài, tiêm vaccine phòng dại cho chó nuôi. Ảnh minh họa: Báo Gia Lai
Đến ngày 20/12, em T.D.M.C có biểu hiện sốt, người nhà đưa lên phòng khám tư nhân xét nghiệm và lấy thuốc về uống nhưng không hết sốt, có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sợ nước, sợ gió, có biểu hiện co giật nhẹ.
Sáng 21/12, em T.D.M.C được người nhà đưa đến Bệnh viện Đại học Y dược - Hoàng Anh Gia Lai. Được bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, người nhà đã đưa bệnh nhân về. Chiều 21/12, bệnh nhân tử vong tại nhà riêng.
Được biết, tại thời điểm cắn bệnh nhân, con chó chưa được tiêm vaccine. Sau khi cắn, bệnh nhân gia đình đã xích chó lại, một ngày sau con chó đã chết.
Sau khi ghi nhận ca tử vong do bệnh dại, Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ đã tuyên truyền cho gia đình và người dân lân cận nhà bệnh nhân về sự nguy hiểm của bệnh dại, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc tiêm phòng vaccine sau khi bị chó nghi dại cắn hoặc đến cơ sở y tế để được tư vấn.
Thống kê các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh để động viên đi tiêm phòng vắc xin dại; tuyên truyền người nuôi chó cần xích, đeo mõm khi thả chó ra ngoài, cần tiêm vaccine phòng dại cho chó nuôi.
Đinh Kim (T/h)