Thanh niên 24 tuổi nhập viện cấp cứu do uống nhầm xăng
VietNamNet thông tin, ngày 18/7, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (Sơn La) tiếp nhận bệnh nhân B.V.Đ (24 tuổi, Sơn La) trong tình trạng đau bụng, chóng mặt... Theo lời lể của người nhà, trước đó bệnh nhân đã uống nhầm chai có chứa xăng. Sau khi vào viện, người bệnh nhanh chóng được các bác sĩ cấp cứu, điều trị theo phác đồ. Hiện, tình trạng bệnh nhân đã ổn định.
Được biết, uống phải xăng dầu sẽ gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Các triệu chứng ngộ độc thường gặp khi nuốt phải xăng là khó thở, đau rát cổ họng, bỏng thực quản, đau bụng, nôn mửa, phân có máu, mất thị lực, chóng mặt, đau đầu dữ dội, mệt mỏi, co giật, suy nhược cơ thể và mất ý thức.
Nam bệnh nhân nhập viện do uống nhầm xăng. Ảnh minh họa: Công Lý
Các bác sĩ khuyên nếu không may uống nhầm xăng, thuốc trừ sâu hoặc bất cứ một loại hóa chất nào, người bệnh nên bình tĩnh và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám.
Bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người không dùng các loại chai nhựa đựng nước uống để chứa xăng dầu. Không ít người có thói quen sử dụng lại các chai nước khoáng, chai nước ngọt, trà xanh… để chứa các loại hóa chất, trong đó có xăng dầu. Việc này rất nguy hiểm vì khá khó để phân biệt chúng với các loại đồ uống khác.
Mọi người tốt nhất nên chứa xăng dầu, thuốc trừ sâu trong các bình chứa riêng với nhãn dán hoặc ghi chú thích bên ngoài để phân biệt, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Cứu sống nam bệnh nhân bị thủng tim, thủng phổi
Bác sĩ Phan Văn Huyên – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết đơn vị này vừa kịp thời thực hiện ca phẫu thuật cứu sống nam bệnh nhân H.V.T (33 tuổi, ngụ xã Bảo Quang, TP Long Khánh) bị thủng tim, thủng phổi.
Theo báo Đồng Nai, n.gười bệnh nhập viện vào ngày 16/7 trong tình trạng mạch, huyết áp không đo được. Trước đó, bệnh nhân leo lên cây để chặt cây, không may ngã xuống đất và bị nhánh cây to bằng ngón chân cái đâm thẳng vào ngực.
Do không biết cách sơ cấp cứu, bệnh nhân đã rút nhánh cây ra khỏi ngực khiến máu chảy nhiều và bất tỉnh tại chỗ. Tiếp nhận bệnh nhân, bệnh viện nhanh chóng tiến hành mổ khẩn cấp. Khi mở ngực bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện tâm nhĩ trái của bệnh nhân bị rách một đường dài khoảng 4cm, máu chảy gần hết (khoảng 4 lít), thủng phổi, ngưng tim.
Bệnh nhân bình phục tốt, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới. Ảnh: Báo Đồng Nai
Trong vòng 1 giờ, ekip phẫu thuật đã truyền 6 đơn vị máu, khâu vết thương tim, phổi cho bệnh nhân. Hiện, người bệnh đã bình phục tốt, đang tiếp tục được theo dõi, chăm sóc, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ Huyên, cành cây đâm vào tim, phổi gây vết thương nham nhở khiến việc phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không thực hiện cẩn trọng, khéo léo thì sẽ dẫn đến việc bệnh nhân bị hoại tử tim sau khi khâu. Đây là ca tổn thương phức tạp hơn rất nhiều so với các ca bị tổn thương tim do dao hay vật nhọn mà bệnh viện đã thực hiện trước đó.
Suy tuyến thượng thận vì lạm dụng thuốc xịt mũi chứa corticoid
Theo báo Công Lý, bệnh nhi N.T.H. (10 tuổi, ở Sơn Động, Bắc Giang) đến khám tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) do bị viêm mũi, ngạt mũi, dùng thuốc xịt tai mũi họng lâu ngày không đỡ. Khai thác bệnh sử, gia đình kể bệnh nhi đã sử dụng thuốc xịt mũi chứa thành phần corticoid liên tục trong 1 năm.
Dựa trên các biểu hiện lâm sàng như bộ mặt cushing, chân tay rậm lông, xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy chỉ số cortisol thấp (3,43 nmol/l), các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy tuyến thượng thận do dùng thuốc có corticoid, viêm mũi xoang cấp. Bệnh nhi được điều trị bù canxi, sử dụng thuốc hydrocotisol.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng của bệnh nhi. Ảnh: Công Lý
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Sơn - Phó trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết sử dụng thuốc có thành phần coticorid dài ngày không theo hướng dẫn của bác sĩ là một trong những nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận đối với bệnh nhi.
Để tránh tình trạng lạm dụng corticoid và tránh nguy cơ suy tuyến thượng thận, bác sĩ khuyến cáo các cha mẹ cần hiểu về thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng để biết thuốc có chứa thành phần corticoid hay không.
Nếu trẻ mắc các bệnh lý như dị ứng, xương khớp, tai mũi họng… thì cần đến khám tại bệnh viện để được bác sĩ tư vấn, kê đơn. Trong trường hợp phải dùng corticoid để điều trị bệnh, cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ trong liệu trình sử dụng thuốc, tránh lạm dụng thuốc.
Đinh Kim (T/h)