Bé 3 tuổi bị thủng ruột do món đồ chơi quen thuộc
VTC News thông tin, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vừa phẫu thuật và lấy thành công 3 viên bi nam châm xếp hình (kích thước 3 ly) trong ruột bé gái 3 tuổi. Được biết, ekip mổ phải mở rộng chỗ lỗ thủng để lấy các viên bi nam châm này ra ngoài và khâu lại chỗ đoạn ruột vừa bị thủng.
Theo lời kể của người nhà, đây là đồ chơi được gia đình đặt mua. Các viên bi nhiều màu sắc hấp dẫn, có thể xếp thành các khối vật theo ý muốn như vòng tay, vương miện…. Trong lúc đang chơi, bệnh nhi nuốt 3 viên bi nam châm nhưng gia đình không hay biết.
Sau đó, bệnh nhi bị đau bụng và gò từng cơn, nôn ói nhiều lần, được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ chỉ định chụp X-quang, phát hiện dị vật. Sau khi dị vật được lấy ra thành công, sức khỏe của bệnh nhi đã dần ổn định.
Các viên bi nam châm xếp hình được các bác sĩ lấy ra. Ảnh: VTC News
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn Vũ – khoa Ngoại Tổng hợp của bệnh viện, cho hay khi bé nuốt, các viên bi hút dính nhau, khó theo phân ra ngoài. Nếu không kịp thời phát hiện thì có thể gây nhiễm trùng và nguy hiểm tính mạng. Trung bình hàng năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 2-3 trường hợp trẻ nuốt bi nam châm xếp hình tương tự.
Méo miệng, liệt nửa người sau khi đi làm đồng về
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa phẫu thuật mở sọ não giải áp, lấy máu tụ cho bệnh nhân H.T.H (Phú Thọ) bị xuất huyết não do biến chứng cao huyết áp, theo VietNamNet. Người nhà kể, sau khi đi làm đồng về, bệnh nhân xuất hiện tình trạng liệt 1/2 người trái, đại tiểu tiện không tự chủ, méo miệng nói khó, nôn nhiều. Phát hiện sự việc, người nhà lập tức đưa bệnh nhân tới bệnh viện cấp cứu.
Qua kiểm tra, các bác sĩ xác định nguyên nhân ban đầu là xuất huyết não, có nguy cơ biến chứng phức tạp, thậm chí là tử vong. Sau hội chẩn cấp, bệnh nhân được thực hiện chụp cắt lớp vi tính (chụp CT 128 dãy) có tiêm thuốc cản quang xác định chính xác nguyên nhân, từ đó có phương án mổ tối ưu.
“Sau chụp CT sọ não có tiêm thuốc, tình trạng xuất huyết não của người bệnh được đánh giá toàn diện, loại trừ nguyên nhân dị dạng mạch máu. Ekip bác sĩ đã quyết định tiến hành phẫu thuật loại bỏ một lượng lớn máu tụ từ vỡ mạch máu não do tăng huyết áp", TS.BS Nguyễn Văn Sơn – Trưởng khoa Ngoại thần kinh cho biết.
Phim chụp trước mổ của bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não. Ảnh: VietNamNet
Trước phẫu thuật, người bệnh ở trong tình trạng xuất huyết não nghiêm trọng, phù não với lượng máu tụ lớn. Ca mổ với mục tiêu giải phóng áp lực cho não yêu cầu đường mổ đủ lớn, đồng nghĩa với nguy cơ biến chứng sau mổ khá phức tạp.
Điều khó khăn của ca mổ này là phải tiên lượng được cuộc mổ và những khả năng có thể xảy ra, cần chuẩn bị để chủ động bù vào, độ rộng mở sọ hợp lý để giải phóng chèn ép não và lấy hoàn toàn khối máu tụ gây chèn ép não, đồng thời xử lý cầm máu các thương tổn đang chảy máu trong sọ. Ca mổ diễn ra thành công tốt đẹp sau hơn 3 tiếng. Bệnh nhân hiện đã qua cơn nguy kịch và hồi phục ổn định di chứng yếu nửa người trái.
Điều trị thành công cho bé gái bị liệt bàn tay
Theo báo Cần Thơ, bệnh nhi Q. (14 tuổi, ở Hậu Giang) bất ngờ bị đau khuỷu tay phải, bàn tay rủ ra, không duỗi được các ngón. Người nhà đã đưa bệnh nhi đến nhiều nơi điều trị nhưng không khỏi. Tuy nhiên, khi đến Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, các bác sĩ đã chẩn đoán đúng bệnh và điều trị thành công.
Dựa trên kết quả thăm khám và cận lâm sàng, ekip bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi có khối u vùng khuỷu tay phải chèn ép thần kinh quay gây liệt. Sau hội chẩn, ekip phẫu thuật bóc tách mô, bóc u giải áp thần kinh quay, bóc tách lấy hoàn toàn u hoạt dịch. Bệnh nhi được hướng dẫn luyện tập phục hồi chức năng sau ca mổ, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Bệnh nhi dự kiến được ra viện trong vài ngày tới. Ảnh: Báo Cần Thơ
ThS.BS Lê Dũng, Phó Trưởng khoa Ngoại thần kinh - Cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long chia sẻ, u hoạt dịch là khối u lành tính, từ khớp thoát ra, thường gặp nhất ở khớp gối, khuỷu tay, cổ tay, chân, khớp bàn ngón, liên đốt ngón tay và khoeo chân.
Triệu chứng của bệnh thay đổi tùy thuộc kích thước của u và mức độ chèn ép các cấu trúc lân cận; có thể sờ được khối u hoặc cảm giác đau, nhức, tê, liệt nếu chèn ép vào đường đi của thần kinh.
Phẫu thuật là phương pháp phổ biến trong các trường hợp bị u bao hoạt dịch nói chung và u bao hoạt dịch khuỷu tay nói riêng. Khối u sẽ được loại bỏ hoàn toàn và giảm nhẹ được các triệu chứng khó chịu, giúp lấy lại chức năng vận động của khớp và tỷ lệ tái phát thấp.
Đinh Kim (T/h)