Phẫu thuật lấy khối u màng não ở vị trí hiểm cứu bé 2 tuổi
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, bệnh nhi V.L.Q.T (30 tháng tuổi, ở huyện Tương Dương, Nghệ An) được gia đình đưa vào viện Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, nôn nhiều, không ăn uống được, sưng đau tăng dần khối vùng chẩm, không liệt khu trú.
Gia đình cho biết, sau khi sinh được 4 tháng, bé xuất hiện 1 khối u vùng chẩm, to chậm, không có dịch, mủ. Sau khi thăm khám, làm xét nghiệm, chụp CT-Scanner, cộng hưởng từ não phát hiện có khối u màng não vùng chẩm có kích thước 34x32mm nằm ở vị trí hết sức nguy hiểm, bắt buộc phải mổ nếu không sẽ đe dọa đến tính mạng.
Qua hội chẩn chuyên khoa và giải thích tình trạng của bệnh nhi cho người nhà, kíp mổ đã tiến hành phẫu thuật lấy khối u cho bệnh nhi. Theo bác sĩ CKI Phan Văn Huy – Phó khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, người trực tiếp thực hiện ca mổ, khối u nằm ngay dưới các xoang tĩnh mạch lớn là xoang tĩnh mạch dọc trên và xoang ngang, nằm giữa 2 lớp của liềm đại não nên nguy cơ chảy máu trong mổ rất cao.
Bệnh nhi hiện đã được xuất viện. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Sau gần 5 tiếng phẫu thuật căng thẳng, dưới sự cố vấn chuyên môn của TS.BS Đặng Đỗ Thanh Cần - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng II và sự đồng hành của TS.BSCKII Thái Văn Bình, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng, khối u đã được ekip bóc tách lấy bỏ hoàn toàn.
Ca phẫu thuật diễn ra an toàn, không có tai biến. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhi tỉnh táo, ăn uống tốt, dấu hiệu nhiễm trùng giảm, kết quả chụp CT-Scanner sọ não kiểm sau mổ không còn khối u. Gần 2 tuần điều trị sau mổ, sức khỏe bệnh nhi tiến triển tốt, bé đã được xuất viện.
Nam bệnh nhân có 2 khối bướu tuyến thượng thận lớn
VietNamNet đưa tin, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) vừa tiếp nhận nam bệnh nhân H. (58 tuổi, trú tại TP.HCM) cấp cứu trong tình trạng đau hông lưng 2 bên, đau lan xuống vùng bụng, huyết áp cao, mệt lả và xanh xao. Các xét nghiệm cho thấy người bệnh thiếu máu nặng, có 2 khối bướu tuyến thượng thận lớn.
5 năm trước, bệnh nhân đau âm ỉ hông lưng nên đi khám và phát hiện có bướu 2 bên. Tuy nhiên, ông chỉ muốn uống thuốc vì sợ phẫu thuật và sợ phải dùng thuốc nội tiết suốt đời. Lần này, bác sĩ nhận định 2 khối bướu tuyến thượng thận có kích thước lên đến 15cm, viêm dính xung quanh, bướu đang chảy máu, cơ thể thiếu máu nặng. Bệnh nhân buộc phải phẫu thuật.
ThS.BS Nguyễn Hoàng Luông - Phó trưởng khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân chia sẻ, bướu đã dính vào tĩnh mạch chủ và các cơ quan lân cận, bướu chảy máu nhiều khoảng 2000 ml. Ca phẫu thuật diễn ra rất căng thẳng và cẩn trọng.
Theo bác sĩ, hormone tuyến thượng thận là một trong những hormone sinh mạng, giúp ổn định huyết áp. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được bù các hormone tuyến thượng thận qua đường tĩnh mạch để đảm bảo an toàn.
Sau 4 tiếng, hai khối bướu được lấy thành công. 2 ngày sau, diễn tiến sức khoẻ của người bệnh tốt, các chỉ số sinh hiệu ổn và có thể vận động nhẹ nhàng tại giường. Người bệnh được xuất viện sau 1 tuần và được bác sĩ chuyên khoa nội tiết theo dõi, điều trị bằng liệu pháp nội tiết thay thế.
Cắt bỏ khối u sợi thần kinh “khổng lồ” cho bệnh nhân 21 tuổi
Bệnh nhân P.Đ.X (21 tuổi) mang trên mình khối u sợi thần kinh kích thước khổng lồ, chiếm gần toàn bộ nửa thân dưới và vùng mông 2 bên, gây giới hạn hoạt động và biến dạng hình thể nghiêm trọng, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống. Được biết, khối u này xuất hiện từ sau sinh, ban đầu u chỉ là một mảng da tăng sắc tố vùng lưng dưới, sau khối u tăng dần kích thước cùng với sự phát triển của cơ thể, tăng nhanh trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Bệnh nhân là người duy nhất trong gia đình có các biểu hiện của bệnh. Khối u kích thước lớn khiến người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Các hoạt động thường ngày như đi lại, cúi hay nghiêng người, thậm chí là vệ sinh cá nhân trở nên vô cùng nặng nề và khó khăn. Người bệnh không thể tìm được một tư thế nằm thoải mái. Các vị trí tỳ đè vùng lưng thường xuyên bị loét và chảy máu tái đi tái lại. Sự biến dạng hình thể nghiêm trọng cũng gây nên tâm lý mặc cảm, tự ti. Bệnh nhân luôn phải mặc quần áo rất rộng để che khuyết điểm, né tránh các hoạt động tập thể.
Khối u kích thước lớn khiến người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Theo TS.BS Phạm Thị Việt Dung – Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân, X. có đầy đủ các tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh lý u sợi thần kinh loại I, một bệnh di truyền hiếm gặp gây nên sự phát triển bất thường của mô thần kinh.
Khối u của X. chiếm gần toàn bộ phần lưng dưới và 2 mông, xóa các mốc giải phẫu bình thường như rãnh giữa lưng, ranh giới lưng - mông và khe liên mông. Khối u to theo cả 2 chiều, trước - sau và trái - phải. Kích thước lớn nhất đo được trên lâm sàng lên tới 97x56cm.
Bác sĩ Dung chia sẻ, khối u gần như không có ranh giới rõ ràng với tổ chức xung quanh khiến cho quá trình phẫu tích cắt bỏ gặp khó khăn, các bác sĩ phải tiến hành từng bước rất tỉ mỉ nhằm lấy bỏ tối đa tổ chức u, đồng thời tránh gây tổn hại đến các cấu trúc xung quanh như thần kinh, cơ…
Tổ chức u rất giàu mạch máu, cả ekip gồm 6 phẫu thuật viên phải vừa mổ vừa cầm máu kỹ lưỡng, tránh mất máu nghiêm trọng cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài 3,5 tiếng, khối u sau cắt bỏ có trọng lượng lên tới 9kg.
Về mô học, các khối u sợi thần kinh, đặc biệt với u có kích thước lớn thường tăng sinh mạch máu, hơn nữa, cấu trúc của các mạch máu này cũng thường bị biến đổi như bị giãn rộng, cấu trúc thành mạch yếu dễ bị vỡ thứ phát. Do đó, mất máu nghiêm trọng là biến chứng lớn nhất của phẫu thuật cắt u.
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được làm xét nghiệm tổng thể đánh giá tình trạng sức khỏe chung, được dự trù đơn vị máu cùng nhóm, hội chẩn chuyên khoa Gây mê hồi sức về kế hoạch phẫu thuật. Sau mổ làm lại xét nghiệm, X. bị thiếu máu nhẹ, cần truyền 1 đơn vị máu, sau đó cơ thể dần bình phục trở lại.
Về mặt tạo hình, khối u có kích thước không đều, phát triển theo cả 2 chiều nên việc tính toán đường rạch da, kích thước u cần cắt bỏ mỗi phía của cơ thể cần phải được lên kế hoạch chi tiết, lấy bỏ khối u nhưng giữ lại lượng tổ chức lành đủ để che phủ thỏa đáng, lấy lại hình thái cơ thể bình thường. Bên cạnh đó, đường mổ sau cùng hợp lý nhất nên trùng với các đường viền, các ranh giới cơ thể tự nhiên nhằm đạt hiệu quả thẩm mỹ.
Đinh Kim (T/h)