Sản phụ 27 tuổi mắc sốt xuất huyết nặng vượt cạn thành công
Tờ Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ cho hay, sản phụ T.H.H. (27 tuổi, trú tại Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng dọa sinh non và có sốt, mang thai con so 35 tuần 4 ngày.
Sản phụ được đưa vào đơn nguyên điều trị dọa sinh non với sự phối hợp của các bác sĩ sản khoa và nội khoa. Sau đó, sản phụ được chẩn đoán xác định sốt xuất huyết.
Trong quá trình theo dõi, tiểu cầu của sản phụ giảm dần. Sau 5 ngày, tình trạng sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo với các triệu chứng đau nhiều vùng gan, tiểu cầu giảm dần, sản phụ được theo dõi sát tại khu vực hồi sức tích cực để đảm bảo tình trạng sức khỏe của mẹ và bé.
Tuy nhiên, số lượng tiểu cầu tiếp tục giảm thấp báo động, kèm theo dấu hiệu chuyển dạ, các bác sĩ đã phối hợp với Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ và khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ để truyền tiểu cầu cho sản phụ.
Sản phụ được chăm sóc sau sinh. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Ngày 18/10, sản phụ được truyền tổng cộng 3 khối tiểu cầu gạn tách và 9 khối tiểu cầu đậm đặc, bên cạnh đó theo dõi sát sức khỏe của mẹ và thai nhi. Thai nhi nhẹ cân so với tuổi thai. Do đó, nhân viên y tế luôn theo dõi tim thai liên tục trong chuyển dạ. Bằng nghị lực phi thường của người mẹ, sản phụ đã sinh thường thành công một bé gái khỏe mạnh.
Ngay khi chào đời, em bé được bác sĩ thăm khám và đưa về khoa Nhi - Sơ sinh để chăm sóc do non tháng, nhẹ cân và sinh ra từ mẹ có bệnh sốt xuất huyết nặng. Trong khi đó, sản phụ nhanh chóng được các bác sĩ sản khoa và hồi sức dự phòng băng huyết sau sinh, cầm máu, ổn định hậu sản. Hiện tình trạng sức khỏe của cả sản phụ và em bé đều ổn định.
Cứu sống nam thanh niên bị ngừng tuần hoàn
Bác sĩ Nguyễn Hữu Nam – Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực, Bệnh viện HNĐK Nghệ An thông tin, ngày 8/10, khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân P.X.H (33 tuổi, ở xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) trong tình trạng hết sức nguy kịch. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân ý thức lơ mơ, da tím tái, thở nhanh, mạch nhanh nhỏ, huyết áp 70/50 mmHg, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống.
Người nhà kể, cách thời điểm nhập viện khoảng 30 phút, bệnh nhân bị người khác dùng vật nhọn (nghi là dao gọt hoa quả) đâm vào ngực. Sau khi bị đâm, bệnh nhân thấy đau ngực, khó thở, choáng váng, ngã xuống đường và được bạn đưa vào viện cấp cứu. Tại khoa Cấp cứu bệnh nhân được đặt nội khí quản, tạo đường truyền, dùng thuốc vận mạch,..., thực hiện siêu âm cấp cứu tại chỗ cho kết quả màng ngoài tim có rất nhiều dịch.
Báo động đỏ được kích hoạt, khoa Cấp cứu đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa liên quan. Bệnh nhân được chẩn đoán hôn mê, trụy tuần hoàn/vết thương thấu ngực, nghi vết thương tim có chèn ép tim cấp… Các bác sĩ đã chỉ định mổ cấp cứu tối cấp cho bệnh nhân. Khi lên bàn mổ, người bệnh xuất hiện tình trạng ngừng tuần hoàn, kíp phẫu thuật viên quyết định mở ngực tối cấp, mở màng tim, tiến hành xoa bóp tim trực tiếp để lấy lại nhịp tim. Lúc mở màng tim bệnh nhân, kíp phẫu thuật nhận thấy có máu và máu cục, tim xẹp, ngừng đập.
Ngày thứ 11 sau phẫu thuật, người bệnh tỉnh táo hoàn toàn, tự đi lại và ăn uống được, vết mổ đã khô. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Kíp phẫu thuật đã tiến hành xoa bóp tim để tim đập lại, khâu vết thương dài 1cm đang phun máu ở thành trước thất phải bằng chỉ prolene 2.0. Ngoài ra, kíp phẫu thuật còn phát hiện và khâu 1 vết thương dài 1cm ở nhu mô thùy dưới phổi trái có chảy máu và xì khí. Quá trình phẫu thuật, ekip gặp khá nhiều khó khăn trong việc xử lý khi vết thương tim ở vùng tâm thất có kích thước khá lớn, chảy máu nhiều, kèm tạo máu cục khoang màng tim, chèn ép tim nhiều làm tim bị xẹp và ngừng đập sớm.
Ca phẫu thuật kéo dài 90 phút, bệnh nhân sau đó được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực Ngoại khoa để tiếp tục điều trị. Huyết động và các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân dần ổn định, vết mổ khô, dẫn lưu ra ít dịch, siêu âm tim chức năng tim bình thường. Ngày thứ 3 sau phẫu thuật, bệnh nhân được rút nội khí quản. Ngày thứ 6 sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển đến khoa Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch để tiếp tục điều trị, theo dõi.
Hiện, ở ngày thứ 11 sau phẫu thuật, người bệnh đã tỉnh táo hoàn toàn, tự đi lại và ăn uống được, vết mổ đã khô. Siêu âm tim không thấy bất thường về giải phẫu và chức năng tim. Bệnh nhân được ra viện về nhà trong thời gian sớm nhất.
Răng mọc ngược trong hốc mũi nữ bệnh nhân
Ngày 19/10, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết các bác sĩ của đơn vị này vừa nội soi gắp dị vật là một chiếc răng dài khoảng 2cm mọc ngược trong hốc mũi nữ bệnh nhân K.N (24 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
Theo báo Đồng Nai, người bệnh nhập viện trong tình trạng đau đầu đã nhiều năm, đau từ vùng thái dương sang vùng trán. Bệnh nhân nghĩ bản thân bị đau đầu bình thường hoặc thiếu máu não nên chỉ ở nhà uống thuốc giảm đau và bổ não.
Sau nhiều năm sử dụng thuốc nhưng tình trạng đau đầu không thuyên giảm, bệnh nhân cho rằng mình bị viêm xoang nên đến khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai thăm khám. Tại đây, bác sĩ phát hiện có dị vật cản quang trong hốc mũi bên phải của người bệnh.
Chiếc răng dài khoảng 2cm mọc ngược trong hốc mũi nữ bệnh nhân. Ảnh: Báo Đồng Nai
Các bác sĩ đã tiến hành nội soi mũi, hút sạch rất nhiều mủ ở mũi bên phải và nhận thấy có khối cứng có thể lung lay được. Do đó, bác sĩ thực hiện kẹp gắp dị vật ra khỏi mũi, phát hiện đó là một chiếc răng thừa, dài khoảng 2cm. Hiện tại, sau 2 tuần được gắp dị vật ra khỏi hốc mũi, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, không còn đau đầu.
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Yến, khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ cho hay, đây là trường hợp hi hữu khi răng mọc ngược trong hốc mũi. Nếu không kịp thời lấy dị vật ra khỏi hốc mũi, bệnh nhân có nguy cơ hình thành nang xương hàm trên, dẫn đến tiêu xương hàm trên không thể hồi phục, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống.
Đinh Kim (T/h)