Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 19/10: Người đàn ông 42 tuổi sốt cao nhiều ngày vì bị mò cắn

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 19/10/2022. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 19/10/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người đàn ông 42 tuổi sốt cao nhiều ngày vì bị mò cắn

Khoa Nội Hô hấp – Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết các bác sĩ mới tiếp nhận nam bệnh nhân 42 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, là nông dân vào viện do sốt cao ngày thứ 7, theo tờ Tri Thức Trực Tuyến.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, đau ngực khi hít vào. Khai thắc bệnh sử, người bệnh cho biết đã sốt cao 7 ngày liên tục, đau đầu, không nôn, mệt mỏi, ở nhà truyền dịch 3 ngày không đỡ.

Dựa vào dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ, đặc điểm của vết loét khô màu đen, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân sốt cao do mò cắn. Ảnh minh họa: Depensez

Sau khi vào viện, bệnh nhân được chỉ định các xét nghiệm cấp cứu, chụp CT ngực không tiêm thuốc cản quang. Bệnh nhân tỉnh, thể trạng trung bình, da niêm mạc hồng, vùng hố nách bên phải có một vết loét đáy khô sạch màu đen kích thước 1 x 0,5 cm, sốt cao 38,5 độ C.

Dựa vào dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ, đặc điểm của vết loét khô màu đen, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân sốt cao do mò cắn. Sau 3 ngày điều trị, người bệnh cắt sốt, được ra viện.

Can thiệp cứu bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thông tin, đơn vị này vừa cứu bệnh nhân N.C.H. (31 tuổi, ở Sóc Trăng) xuất huyết tiêu hóa do vỡ ổ giả phình kích thước lớn từ nhánh động mạch vị tá trằng bằng phương pháp can thiệp nội mạch.

Theo báo Giao Thông, người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào trưa ngày 14/10 với tình trạng đau nhiều thượng vị, mạch nhanh, huyết áp thấp, da niêm nhợt. Bệnh nhân được xử trí cấp cứu, truyền máu.

Khoảng 4 ngày trước, bệnh nhân đau âm ỉ thượng vị, tiêu phân đen được đưa đến bệnh viện địa phương. Sau khi truyền dịch, truyền máu, chụp cắt lớp vi tính… bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị tiếp.

Người bệnh hiện tỉnh, tiếp xúc tốt, niêm hồng, không xuất huyết tiêu hóa tái phát. Ảnh: Báo Giao Thông

Hội chẩn liên khoa đưa chẩn đoán: xuất huyết tiêu hóa do vỡ giả phình động mạch vị tá tràng, thống nhất xử trí chụp và nút động mạch điều trị cầm máu các tạng số hóa xóa nền (DSA). Ekip can thiệp do bác sĩ CKI Trần Công Khánh, Phó Khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện, ghi nhận ổ giả phình kích thước lớn khoảng 15x25mm được cấp máu từ nhánh động mạch vị tá tràng. Các bác sĩ tiến hành luồn chọn lọc vi ống thông vào ổ giả phình, xác định vị trí và thả 5 coil (vòng xoắn kim loại).

Kiểm tra thấy tắc hoàn toàn ổ giả phình, không ghi nhận dò động mạch tái diễn, kỹ thuật được thực hiện trong 45 phút. Sau can thiệp, dấu hiệu sinh tồn bệnh nhân ổn định, được chuyển khoa Nội Tiêu hóa - Huyết học theo dõi. Sáng ngày 18/10, bệnh nhân tỉnh tiếp xúc tốt, niêm hồng, không xuất huyết tiêu hóa tái phát.

Nổi ban đỏ toàn thân, ngất xỉu sau 15 phút ăn bánh mì

Báo An Ninh Thủ Đô dẫn thông tin từ Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch mai cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận một ca bệnh dị ứng khá hy hữu. Người bệnh là một cô gái trẻ 26 tuổi ở Hà Nội, bị dị ứng bột mỳ.

Người bệnh kể, trước khi vào phòng tập thể dục, cô ăn chiếc bánh mì lót dạ. Khi chạy bộ được khoảng 15 phút, bệnh nhân thấy mệt mỏi, xuất hiện ban đỏ toàn thân, ngứa, tăng nhịp tim, đau bụng, đi ngoài, xuất hiện kinh nguyệt bất thường và ngất tại phòng tập.

Sau khi được sơ cứu tại chỗ, bệnh nhân đã tỉnh lại. Người bệnh được đưa vào bệnh viện thăm khám và được chẩn đoán sơ bộ là theo dõi phản vệ độ 3 do bột mì sau hoạt động thể lực. Được biết, nhiều năm trước, bệnh nhân cũng thường xuất hiện các nốt ban, ngứa sau khi ăn bánh mì khoảng 1 giờ và có kèm theo hoạt động thể thao như đi bộ, chạy bộ.

Bệnh nhân được xét nghiệm test lẩy da dương tính với bánh mì. Ảnh: An Ninh Thủ Đô

Theo chia sẻ của bệnh nhân, có lần sau ăn bánh mì, cơ thể xuất hiện ban đỏ ngứa kèm theo đi ngoài nhưng cũng có lần hoàn toàn bình thường. Người bệnh đã đi khám tại một số bệnh viện nhưng không xác định được bệnh. Vì thế, dần dần cô không để ý đến điều này và tiếp tục ăn bánh mì lót dạ trước mỗi buổi tập thể thao.

Nói về ca bệnh, TS.BS Bùi Văn Khánh – Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai cho hay khi tiếp nhận bệnh nhân này, bác sĩ nghi ngờ có thể phản vệ với bột mì; phản vệ với bột mì sau hoạt động thể lực hoặc phản vệ với phụ gia trong bánh mì.

Bệnh nhân được xét nghiệm test lẩy da dương tính với bánh mì. Các bác sĩ tiếp tục phối hợp với xét nghiệm IgE đặc hiệu, cho kết quả dương tính mạnh với bột mì, từ đó kết luận bệnh nhân này có phản ứng quá mẫn cảm với bột mì và chẩn đoán bệnh nhân phản vệ với bột mì do hoạt động thể lực.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật