Người đàn ông bị tăm tre đâm thủng thành ruột non
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ vừa phẫu thuật lấy chiếc tăm tre nhọn đâm thủng thành ruột non bệnh nhân M. (59 tuổi, ngụ TP Cần Thơ).
Trước đó, người bệnh nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau vùng bụng bên phải khoảng nửa tháng, ho nhiều. Khoảng 20 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân đau bụng kéo dài, ăn uống kém.
Khai thác bệnh sử cho thấy bệnh nhân có thói quen ngậm tăm sau khi ăn, thậm chí khi đi ngủ thỉnh thoảng vẫn ngậm tăm. Kết quả chụp cắt lớp ghi nhận dị vật đâm xuyên tĩnh mạch chủ dưới và cơ thắt lưng chậu phải, khối choán chỗ dạng dịch vùng cơ thắt lưng chậu phải; nghi áp xe cơ thắt lưng chậu và huyết khối tĩnh mạch chủ dưới; viêm phổi, tràn dịch màng phổi 2 bên.
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh sau phẫu thuật. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Người bệnh có tình trạng suy kiệt, nhiễm trùng toàn thân nặng nên được hồi sức nội khoa tích cực, nâng đỡ thể trạng. Sau khi hội chẩn, các chuyên khoa thống nhất chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân.
Các bác sĩ đã xẻ ổ áp xe lấy ra khoảng 50 ml mủ xanh đục và đoạn huyết khối dài khoảng 4cm, bên trong ổ áp xe có một dị vật là chiếc tăm tre nhọn dài khoảng 6,5 cm. Sau phẫu thuật, bệnh nhân hiện tỉnh, không sốt, hết đau bụng, bụng mềm, thể trạng khá, tiếp tục được theo dõi tại khoa Ngoại lồng ngực mạch máu.
Cứu người đàn ông xuất huyết tiêu hóa do lạm dụng rượu
Theo Bệnh viện Đa khoa Quang Thành (Nghệ An), nam bệnh nhân 48 tuổi nhập viện sáng ngày 18/1 trong tình trạng nguy kịch, có dấu hiệu kích thích, da nhợt nhạt, mạch yếu, huyết áp giảm sâu về 80/40mmHg, sốc mất máu.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do lạm dụng rượu. Nếu không cấp cứu, người bệnh có nguy cơ cao ngừng tim, ngừng thở, tử vong do mất máu. Người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu lâu năm, liên tục uống rượu. Ở nhà, ông nôn ra máu 3 lần nên mới đi khám.
Khi vào viện, bệnh nhân nôn thêm 500ml máu thẫm lẫn máu đông. Sau hội chẩn, bác sĩ can thiệp nội soi cấp cứu cầm máu thắt 6 điểm cho người bệnh. Trưa ngày 18/1, bệnh nhân tỉnh táo, huyết áp được nâng lên 120/80mmHg. Bác sĩ đánh giá bệnh nhân đã thoát sốc, qua cơn nguy kịch, tiếp tục theo dõi tại phòng cấp cứu, VietNamNet thông tin.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quang Thành chia sẻ, gần Tết lượng bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nhập viện nhiều hơn. Bệnh nhân chủ yếu từ 30-50 tuổi, hầu hết đến viện khi đã quá nặng, hơn 50% ca giảm chức năng gan.
Nguyên nhân chính do người bệnh uống nhiều rượu bia, say rượu, nôn nhiều làm rách niêm mạc thực quản. Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa đều phải truyền máu ít nhất từ 3 tới 10 đơn vị máu mỗi đợt. Ngoài ra, hầu hết các bệnh nhân này đều có tiền sử viêm gan B, kèm theo nghiện rượu nặng.
Nam bệnh nhân 61 tuổi ngã quỵ sau bữa cơm trưa
VietNamNet dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, nam bệnh nhân N.K.L (61 tuổi, trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) được cấp cứu tại Trung tâm Tim mạch và Trung tâm Đột quỵ do bị lóc tách động mạch chủ ngực vỡ, nhồi máu não. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường.
Theo chia sẻ của người nhà, sức khỏe bệnh nhân bình thường, có tiền sử phình động mạch chủ ngực trước đó 6 tháng không điều trị. Ngày 3/1, sau khi ăn bữa trưa với gia đình, bệnh nhân đang đi thì bị ngã quỵ và yếu dần. Gia đình nhanh chóng đưa người bệnh đến viện cấp cứu.
Thời điểm này, bệnh nhân lơ mơ, kích thích nhiều, yếu tứ chi, tim nhịp nhanh, phổi có ral ẩm 2 bên, ý thức suy giảm. Qua thăm khám, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực và MRI sọ não, người bệnh được chẩn đoán lóc tách động mạch chủ ngực vỡ vào màng tim, nhồi máu não, viêm phổi trên nền tăng huyết áp, đái tháo đường.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet
Bác sĩ nội trú Dương Xuân Phương, Trưởng đơn vị Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, cho biết vấn đề nguy cấp nhất của bệnh nhân là lóc tách động mạch chủ ngực vỡ, mạch nhanh, huyết áp tụt. Người bệnh được xử trí đặt dẫn lưu màng tim, đặt ống nội khí quản để kiểm soát tuần hoàn và hô hấp.
Bác sĩ Phương đánh giá trường hợp nói trên là ca bệnh đặc biệt, nặng và khó. Trong tình thế không đủ điều kiện chuyển tuyến trên, nếu không mổ, bệnh nhân sẽ tử vong, ekip phẫu thuật của Bệnh viện tỉnh Phú Thọ với sự hỗ trợ của Bệnh viện Tim Hà Nội đã phẫu thuật thay động mạch chủ ngực bằng mạch nhân tạo dưới tuần hoàn ngoài cơ thể cho bệnh nhân.
Mặc dù tiên lượng tỷ lệ thất bại của cuộc mổ khá cao nhưng rất may, 3 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định về tim mạch, được chuyển sang Trung tâm Đột quỵ tiếp tục điều trị. Khi này, bệnh nhân vẫn trong tình trạng rối loạn ý thức, thở máy qua ống nội khí quản, rối loạn ý thức, yếu tứ chi, tim nhịp nhiều, phổi có ran ẩm 2 bên. Qua 4 ngày điều trị, người bệnh được rút ống nội khí quản. 10 ngày sau, người bệnh tỉnh táo, vết mổ ổn định. Đến ngày 18/1, bệnh nhân đã được xuất viện.
Đinh Kim (T/h)