Cứu sống bé sinh non bị xuất huyết não, rối loạn đông máu
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, bệnh nhi D.T.M chào đời khi mới ở tuần thứ 29 với cân nặng 1,6kg. Sau sinh, bệnh nhi khóc yếu, tím, thở rên, sùi bọt cua, co kéo cơ hô hấp. Các bác sĩ khoa Nhi – Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã phối hợp với khoa Sản hồi sức cấp cứu cho bệnh nhi ngay ở phòng sinh.
Qua thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị suy hô hấp, bệnh màng trong giai đoạn II-III, rối loạn đông máu, nhiễm khuẩn sơ sinh trên nền sơ sinh non yếu 29 tuần, tiên lượng nguy cơ tử vong cao.
Bé sinh non ở trong phòng hồi sức tích cực. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Sau đó, bệnh nhi được điều trị nằm lồng ấp, an thần thở máy xâm nhập, bơm Surfactant, truyền kháng sinh phối hợp, huyết tương, nuôi dưỡng tĩnh mạch. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhi diễn biến nguy kịch trong quá trình điều trị, xuất hiện rối loạn đông máu, xuất huyết não. May mắn, các bác sĩ đã kiểm soát, xử trí thành công các tai biến ở trẻ sinh non.
Bệnh nhi được cai thở máy sau 5 ngày điều trị, thở oxy mask, môi hồng, chỉ số nhiễm khuẩn, suy hô hấp cải thiện, ăn tiêu, bụng mềm không chướng. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhi tỉnh, tự thở, phản xạ bú và ăn được sữa mẹ. Hiện, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định.
Cấp cứu bệnh nhân bị áp xe phần phụ kèm nhiều bệnh lý nặng
Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết đơn vị này vừa cấp cứu và điều trị thành công cho nữ bệnh nhân N.T.T. (58 tuổi, ngụ TPHCM) bị áp xe phần phụ kèm theo nhiều bệnh lý nội khoa nặng.
Trước đó, người bệnh được đưa đến viện trong tình trạng tiếp xúc chậm, lơ mơ, mạch huyết áp không ổn định. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực chống độc với hàng loạt các chẩn đoán gồm sốc nhiễm trùng, toan chuyển hóa nặng, tăng kali máu, tăng đường huyết, suy thận cấp - u buồng trứng phải- tăng huyết áp - đái tháo đường tuýp 2.
Tất cả các chỉ số xét nghiệm đều cho thấy đây là trường hợp rất nặng, có khả năng tử vong cao do có nhiều vấn đề bệnh lý mạn tính kèm theo trong tình trạng người bệnh nguy kịch. Bệnh nhân phải thở máy, sử dụng kháng sinh liều cao.
Bác sĩ trao giấy xuất viện cho người bệnh. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn cấp bệnh viện với 7 chuyên khoa Hồi sức tích cực, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Sản, Ngoại tổng quát, Ngoại niệu, Nội thận tiết niệu để tìm ra phác đồ điều trị phù hợp.
Theo nhận định của bác sĩ, người bệnh hiện đang trong tình trạng u buồng trứng khả năng áp xe, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, suy thận cấp… nên phương pháp điều trị tốt nhất là dẫn lưu áp xe ngả âm đạo. Do đó, bệnh nhân lập tức được tiến hành thủ thuật trong tình trạng suy đa cơ quan, các bác sĩ cũng chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng phải phẫu thuật nội soi trong trường hợp chuyển biến xấu trong quá trình dẫn lưu.
Người bệnh được dẫn lưu khối áp xe qua ngã âm đạo bằng sonde pigtail ra 500ml mủ. Một vài ngày sau khi được lưu khối áp xe ra khỏi cơ thể, phối hợp điều trị thuốc nội khoa hợp lý, người bệnh đã hồi phục nhanh chóng, không còn thở máy, ổn định các chỉ số. Bệnh nhân được xuất viện vào ngày 18/6.
Người đàn ông bị chấn thương nghiêm trọng khi chơi bóng đá
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), đơn vị này vừa phẫu thuật cho hai nam bệnh nhân bị chấn thương thể thao nghiêm trọng trong lúc chơi bóng đá. Một trong số đó là anh Đ.V.T (33 tuổi, ở Bắc Ninh).
VietNamNet thông tin, cách đây 2,5 tháng, bệnh nhân chơi bóng đá, trong lúc tiếp đất thì nghe tiếng "tách" ở chân phải kèm theo cảm giác đau buốt. Sau đó, người bệnh vẫn đi lại bình thường nhưng khi vận động mạnh thì cổ chân rất buốt, khó cử động khớp cổ chân linh hoạt.
Người bệnh được bác sĩ kiểm tra tình trạng chấn thương. Ảnh: VietNamNet
Bệnh nhân đã đến bệnh viện địa phương thăm khám, được bác sĩ tư vấn về tập phục hồi chức năng cho ổn định. Sau gần 2 tháng tập luyện, banahj nhân thấy tình trạng không đỡ nên đã đến Bệnh viện Việt Đức kiểm tra. Bác sĩ cho biết anh nhập viện khi đã khá muộn.
Người bệnh được chẩn đoán chấn thương khớp gối do đứt dây chằng chéo trước và rách sụn, buộc phải chỉ định phẫu thuật nội soi. Do bệnh nhân đến viện điều trị muộn nên dù đã được phẫu thuật, chân bên phải có dấu hiệu teo nhỏ hơn so với chân còn lại.
Bên cạnh đó, chân bị chấn thương cũng mất cơ và khó khăn khi gồng. Hiện, bệnh nhân đang được tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật.
Đinh Kim (T/h)