Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 16/6: Cô gái 29 tuổi nuốt phải răng giả trong lúc súc miệng

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 16/6/2022. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 16/6/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Cô gái 29 tuổi nuốt phải răng giả trong lúc súc miệng

TS.BS Lê Trần Quang Minh - Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa nội soi gắp dị vật đường thở hiếm gặp, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống. Cụ thể, bệnh nhân là chị H.T.T.H (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM).

2 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân đang súc miệng thì bị sặc, ho nhiều. Phát hiện hàm trên mất một chiếc răng cửa, người bệnh đã dùng tay móc họng để nôn ra nhưng càng khó thở hơn, khi thở vào thấy đau ở họng.

Thấy bị ho khan kèm đau ngực, đau tăng khi hít vào, bệnh nhân đến phòng khám bên ngoài nội soi thực quản, dạ dày nhưng không phát hiện dị vật. Sau khi về nhà vẫn thấy tiếp tục đau và khó chịu, bệnh nhân tiếp tục đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng

Dị vật là chiếc răng giả được các bác sĩ gắp ra. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy người bệnh ran rít phổi. Sau đó, bệnh nhân được chỉ định chụp CT-Scan ngực, kết quả ghi nhận trong phế quản có dị vật kim loại kích thước 12mm. Các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm tiền phẫu, giải thích tình trạng bệnh cho người nhà bệnh nhân, rồi chuyển người bệnh qua phòng mổ nội soi kiểm tra dị vật.

Trong quá trình phẫu thuật, khi soi vào phế quản phải tới gần thùy dưới, các bác sĩ phát hiện dị vật là răng có 3 đầu bằng sắt, kích thước 12mm, đầu trên là móc sắt. Các bác sĩ đã gắp ra được dị vật là chiếc răng giả bọc sứ, vùng dị vật nề nhẹ, rướm máu.

Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân hiện tỉnh táo, sinh hiệu ổn, không còn đau tức ngực khi hít vào, dự kiến có thể xuất viện về nhà vào ngày 16/6.

Cụ bà nhập viện vì sử dụng thuốc an thần quá liều

Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết đơn vị này vừa cấp cứu hồi sức thành công trường hợp cụ bà N.T.Đ (81 tuổi; ngụ TP Cần Thơ) dùng thuốc an thần quá liều.

Người thân kể khoảng 22h trước ngày nhập viện, bệnh nhân uống thuốc không rõ loại. Tới khoảng 5h hôm sau, người nhà phát hiện bệnh nhân bất tỉnh nên gọi ngay "Biệt đội cấp cứu 916" của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Sau khi tư vấn, bác sĩ chỉ định người bệnh nhập viện khẩn cấp.

Bệnh nhân tỉnh táo sau  2 ngày điều trị tích cực, hạn chế hấp thu, hỗ trợ hô hấp, nuôi dưỡng, chăm sóc và chống loét. Ảnh: Người Lao Động

Tại khoa Cấp cứu, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân ở trong tình trạng hôn mê Glasgow 9 điểm, thở phì phò, tụt huyết áp. Được biết, bệnh nhân có biểu hiện lú lẫn tuổi già lúc nhớ lúc quên và gần đây mất ngủ thường xuyên nên phải dùng thuốc an thần.

Sau khi thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, ekip bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp quá liều thuốc an thần mức độ nặng, nguy cơ tụt lưỡi suy hô hấp và tử vong cao. Sau khi hội chẩn, người bệnh được tiến hành đặt ống thở máy bảo vệ đường thở.

Qua 2 ngày điều trị tích cực, hạn chế hấp thu, hỗ trợ hô hấp, nuôi dưỡng, chăm sóc và chống loét, bệnh nhân tỉnh táo, được rút ống nội khí quản, chuyển nội trú theo dõi.

Điều trị thành công cho bệnh nhi bị động kinh 8 năm

Bệnh viện Việt Đức thông tin đơn vị này vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cho bệnh nhi N.T.D. (14 tuổi, trú tại Nghệ An) có tiền sử động kinh 8 năm. Báo Phụ Nữ Việt Nam dẫn lời gia đình bệnh nhi cho biế bé xuất hiện cơn động kinh đầu tiên cách đây 8 năm. Đến nay, hàng tuần có khoảng 3-5 cơn, mỗi cơn kéo dài trung bình 1 phút.

Những cơn động kinh kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và việc học tập của bệnh nhi. Gia đình từng cho bệnh nhi sử dụng rất nhiều loại thuốc chống động kinh với liều cao tối đa trong cân nặng của bé nhưng không khỏi.

Bệnh nhi không còn xuất hiện cơn động kinh sau 1 tuần phẫu thuật. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam

Tại Bệnh viện Việt Đức, các chuyên gia Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh tiến hành thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng. Bên cạnh đó, bệnh nhi còn được làm điện não video giúp phát hiện tổn thương kín đáo tại vùng vận động.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật bằng các phương pháp như: Cảnh báo sớm vùng vận động, phương pháp định vị thần kinh, phương pháp xây dựng bản đồ vỏ não trước mổ và phẫu thuật vi phẫu cắt vùng tổn thương.

Theo ThS.BS Trần Đình Văn, Khoa Phẫu thuật Thần kinh 1, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi, vùng tổn thương của bé nằm ở hồi sau trung tâm, cách vùng vận động chỉ vài mm. Trong phẫu thuật nếu không cẩn thận chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây tổn thương vận động.

Rất may, ca phẫu thuật được thực hiện thành công, tổn thương được cắt bỏ hoàn toàn. Sau ca mổ, tình trạng của bệnh nhi hiện ổn định, không liệt, không có rối loạn cảm giác, không xuất hiện cơn động kinh sau 1 tuần phẫu thuật.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật