Bé gái 5 tuần tuổi bị viêm màng não do vi khuẩn
Theo Tri Thức Trực Tuyến, ngày 18/3, các bác sĩ khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết, bé sơ sinh 5 tuần tuổi ở Vĩnh Long được mẹ đưa đi khám do sốt cao liên tục 2 ngày.
Ngoài sốt, bệnh nhi không có triệu chứng khác đi kèm (không ho, không ọc sữa, tiểu vàng trong, không tiêu lỏng). Sau khi thăm khám, các bác sĩ ghi nhận thóp của trẻ bị phồng. Các cơ quan khác chưa ghi nhận bất thường, không xuất huyết nên nghi ngờ trẻ bị viêm màng não.
Các bác sĩ lập tức chỉ định chọc dò dịch não tủy để xác định chẩn đoán. Kết quả ghi nhận bạch cầu trong dịch não tủy tăng (từ 81 lên 194 tế bào), đạm tăng, đường giảm, phù hợp với chẩn đoán viêm màng não do vi khuẩn như nhận định ban đầu.
Em bé hiện tỉnh táo, hồng hào, bú tốt và tăng cân. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Sau khi hội chẩn giữa các bác sĩ khoa Nhi và Dược lâm sàng, bệnh nhi được điều trị bằng kháng sinh theo phác đồ. Hiện tại, sau 12 ngày, bé gái tỉnh táo, hồng hào, bú tốt và tăng cân. Các kết quả xét nghiệm cũng ở ngưỡng cho phép.
Cô gái 26 tuổi bị áp xe sau phẫu thuật nâng mũi
Chiều ngày 18/3, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết vừa tiếp nhận điều trị nữ bệnh nhân B.D.N (26 tuổi; ngụ tỉnh Vĩnh Long) bị áp xe sau khi phẫu thuật nâng mũi làm đẹp, theo báo Người Lao Động.
Trước đó 6 tháng, bệnh nhân thực hiện nâng mũi bằng vật liệu độn nhân tạo (silicon) tại một cơ sở làm đẹp. Sau đó, phần mũi của bệnh nhân bị viêm đỏ, sưng, chảy dịch, đau nhức. Sau khi chị uống thuốc, tình trạng bệnh có giảm rồi tái đi tái lại nhiều lần nên chị vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long kiểm tra.
Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy mũi bệnh nhân bị lộ sống, bóng đỏ đầu mũi, ấn đau, chảy dịch ở tiền đình mũi. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng sau phẫu thuật nâng mũi. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật rút vật liệu độn nhân tạo, làm sạch khoang đặt sống mũi.
Phần mũi của bệnh nhân trước và sau khi phẫu thuật. Ảnh: Người Lao Động
Người bệnh được thiết kế tạo dáng sống mũi và đầu mũi bằng phương pháp ghép trung bì mỡ (trung bì mỡ lấy ở khe mông giúp giấu sẹo), độ an toàn và tương thích sinh học cao khi dùng chính các tế bào từ cơ thể để làm vật liệu cấy.
Ngoài ra, mảnh ghép trung bì mỡ giúp tạo lớp đệm chống co rút, bù đắp các mô mất đi trong quá trình viêm nhiễm và làm dày da sống mũi, giúp chuẩn bị tốt cho lần chỉnh sửa mũi tiếp theo.
Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 60 phút. Sau theo dõi điều trị 2 tuần ngoại trú, bệnh nhân đã ổn định, tránh được biến chứng nguy hiểm đó là nguy cơ hoại tử đầu mũi. Người bệnh rất hài lòng với hình dáng mũi hiện tại, da đầu mũi hồi phục tốt.
Rút thanh gỗ đang đâm vào bụng, người đàn ông sốc mất máu nguy kịch
Theo VTV News, gia đình nam bệnh nhân chia sẻ, người bệnh làm thợ mộc hơn 10 năm nay, trong khi đang làm việc tại một xưởng gỗ ở Quốc Oai (Hà Nội) thì gặp tai nạn lao động.
Cụ thể, khi người bệnh vừa cho thanh gỗ vào máy để vót nhọn, thanh gỗ bất ngờ bị máy bắn ngược trở lại đâm ngập sâu vào bụng bệnh nhân. Quá hoảng loạn, bệnh nhân đã rút luôn thanh gỗ ra (được xác định cắm sâu hơn 10cm).
Bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai cấp cứu trong tình trạng choáng, sốc. Tại đây, bệnh nhân đã được sơ cứu và chuyển lên Bệnh viện Đa Hà Đông trong tình trạng da xanh tái, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt, bụng chướng, chảy máu qua vết thương bụng.
Nhận định đây là trường hợp nặng, sốc mất máu do vết thương thấu bụng, nghi ngờ tổn thương mạch máu lớn và tổn thương ruột, các bác sĩ trực ngay lập tức kích hoạt báo động đỏ bệnh viện khẩn trương cứu chữa cho bệnh nhân.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: VTV News
Trong mổ, ê-kíp phẫu thuật ghi nhận ổ bụng bệnh nhân có đến 3 - 4 lít máu. Các bác sĩ đã chèn gạc cầm máu và nhanh chóng xác định tổn thương. Mặc dù vết thương bên ngoài thành bụng chỉ 1,5cm nhưng thanh gỗ sắc nhọn, xuyên qua mạc treo đại tràng ngang, xuyên mạc treo, đứt mạch mạc treo ruột non chảy máu thành tia, tới đoạn DIII tá tràng xuyên táo tá tràng và ở sau đó làm rách tĩnh mạch chủ bụng là tĩnh mạch lớn nhất cơ thể.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 tiếng với các phẫu thuật khâu vết thương tĩnh mạch chủ, cầm máu mạc treo ruột non, khâu vết thương tá tràng, thắt môn vị - nối vị tràng, dẫn lưu tá tràng, mở thông ruột non... Trong mổ và sau mổ, bệnh nhân phải truyền 14 đơn vị máu.
Sau mổ 7 ngày, tình trạng bệnh nhân đã ổn định tỉnh táo, không sốt, da niêm mạc hồng, không có dấu hiệu chảy máu, mất máu, tự ăn đường miệng, sonde dẫn lưu đã rút bớt. Vợ và mẹ bệnh nhân hết sức vui mừng vì bệnh đã được cứu sống. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Đinh Kim (T/h)