Tin tức đời sống mới nhất ngày 17/1/2019. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 17/1/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Gia đình tan nát khi bố nhận ra hai con không giống mình
Năm 2009, anh Li và chị Chen quen biết và yêu nhau. Tháng 1/2011 họ kết hôn. Chị Chen sinh con trai đầu vào tháng 12/2011 và con trai thứ hai vào 11/2014.
Mặc dù tình cảm vợ chồng vẫn rất tốt nhưng các con càng lớn càng không giống mình, khiến mối nghi ngờ trong anh Li ngày một tăng. Đầu năm 2017, Li bí mật gửi móng tay con trai lớn đến cơ quan giám định ADN. Kết quả cho thấy con cả không chung huyết thống với Li. Gia đình hạnh phúc tan cửa từ đây.
Người đàn ông đau khổ khi hai con trai anh nuôi bấy lâu lại là con người khác. Ảnh minh họa: Sina. |
Hè 2017, anh Li đâm đơn kiện lên toà án thành phố Vô Tích (Giang Tô). Người vợ ban đầu đồng ý làm xét nghiệm ADN cả hai con, nhưng sau đó chỉ cho phép làm với con cả. Kết quả của Đại học Tô Châu một lần nữa cho thấy không có mối quan hệ huyết thống giữa anh Li và con cả, Sina đưa tin.
Mới đây toà án đã đưa ra phán quyết sơ thẩm. Toà án cho rằng, mặc dù con thứ hai chưa được xác định nhưng dựa trên mối quan hệ ngoài luồng của người vợ và việc cô từ chối làm xét nghiệm, nên toà xác định anh Li cũng không có quan hệ với con thứ. Do đó, anh không phải trả khoản trợ cấp cho hai con sau ly hôn. Hai đứa trẻ sẽ do cô Chen nuôi nấng.
Đồng thời, cô Chen phải bồi thường 135.000 tệ (khoảng 460 triệu đồng) cho chồng cũ.
Bé gái mắc hai bệnh về da hiếm gặp
Người nhà cho biết, lúc 6 tháng tuổi bé đã xuất hiện các mảng đỏ da rải rác toàn thân và dần chuyển sang màu nâu đen. Môi và niêm mạc miệng có nhiều vết loét, teo dần. Gần đây do đau nhức dữ dội nên đã đưa bé đến Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM thăm khám thì phát hiện bệnh lạ.
Bé gái 12 tuổi (quê An Giang) nhập viện trong tình trạng có nhiều mảng da màu nâu dạng xoắn ốc khắp thân mình và các chi, ngoại trừ mặt, đầu, lòng bàn tay bàn chân. Nhiều vết loét hình tròn có bờ đỏ, đường kính khoảng một cm trong khoang miệng và xung quanh vùng sinh dục.
Da có sắc tố biểu hiện bệnh hiếm gặp của bệnh nhân. Ảnh: Vietnamnet |
Bác sĩ Hoàng Văn Minh, Trưởng Trung tâm U máu Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết trường hợp của bé không phát hiện bất thường nào liên quan đến hệ thần kinh trung ương, hệ cơ xương khớp và tim. Ê-kíp bệnh viện Đại học y dược đã lấy mẫu sinh thiết gửi qua Mỹ.
Kết quả xét nghiệm cho thấy vết loét trong miệng bé là do bệnh Lichen phẳng, còn các mảng da nâu đen là bệnh Nevus tăng sắc tố dạng xoáy và theo đường.
Hai chứng bệnh da di truyền hiếm gặp xuất hiện cùng lúc trên một người bệnh chưa được y ghi nhận trong y văn thế giới.
Qua 4 tháng điều trị, hiện tình trạng lở loét của bệnh nhi biến mất. Bác sĩ tiếp tục bắn tia laser để điều trị bệnh Nevus cho bé. Dự kiến 2 năm sau, các sắc tố sậm màu trên người bệnh nhi sẽ khỏi hẳn.
Bác sĩ Minh cho biế thêm, 2 bệnh lý trên không gây nguy hiểm đến tính mạng, song Lichen gây ra nhiều đau đớn, bất tiện cho người bệnh. Còn bệnh Nevus tạo sang thương đặc trưng, khiến người bệnh mặc cảm về ngoại hình.
Theo y văn, Nevus tăng sắc tố dạng xoáy và đường là bệnh sắc tố dạng hiếm đặc trưng mà trước đây không có hiện tượng viêm. Sang thương được phân bố chủ yếu trên thân mình và các chi, thường xuất hiện trong 2 năm đầu đời.
Lichen phẳng ở miệng là tình trạng viêm mạn tính, có các dát trắng như lớp ren trong khoang miệng. Sự liên quan giữa Nevus tăng sắc tố dạng xoáy hay theo đường và Lichen phẳng trong miệng chưa được báo cáo trong y văn thế giới.
Bị bỏng nặng vì chế pháo theo hướng dẫn trên mạng
Mới đây, khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh viện Bỏng Quốc vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn P. (17 tuổi ở Nghệ An) bị bỏng nặng do trộn bột lưu huỳnh và KClO3 sau đó cho vào máy xay sinh tố để nghiền và trộn.
Thuốc nổ bùng lên gây bỏng và phải nhập viện điều trị với chẩn đoán: Bỏng lửa thuốc pháo 12% độ II, III mặt, hai tay.
Nam thanh niên bị bỏng nặng khắp người do tự chế pháo nổ |
Việc tự chế tạo thuốc pháo theo hướng dẫn trên các trang mạng đã có từ nhiều năm nay, đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra cho các học sinh và sinh viên, nhiều trường hợp để lại các di chứng bỏng rất nặng nề.
Mặc dù đã có lệnh cấm tàng trữ và sử dụng pháo từ nhiều năm, nhưng đến nay loại tai nạn này vẫn không hề giảm mà vẫn xảy ra nhiều và để lại hậu quả thương tâm cho các bạn trẻ tuổi học đường, hiếu kỳ, thiếu hiểu biết, thiếu sự quan tâm giám sát của nhà trường, gia đình và xã hội.
Để được đón chào năm mới trong an toàn và hạnh phúc, toàn xã hội cũng như gia đình, nhà trường và bản thân các học sinh ở lứa tuổi học đường nên nhận thức được mối nguy hiểm của việc tự chế thuốc gây nổ gây ra cho bản thân và xã hội, để cùng nhau có những hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng tự chế tạo các loại thuốc nổ nguy hại.
Gắp xương ếch trong thực quản cháu bé 10 tháng tuổi
Ngày 16/1, bác sĩ Nguyễn Thanh Tiên, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa nội soi gắp thành công xương ếch trong thực quản của cháu bé 10 tháng tuổi.
Trước đó, chiều 15/1, cháu H.T.L.N. (10 tháng tuổi, trú xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) được mẹ cho ăn cháo ếch. Trong lúc ăn, không may cháu N. nuốt xương ếch mắc trong thực quản gây đau, khó thở.
Ngay sau đó, gia đình đã đưa cháu N. vào Bệnh viện Nhi Quảng Nam cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ đã thăm khám, chụp phim x-quang thì thấy 1 di vật nằm trong thực quản. Với tiên lượng rất khó, cháu N. được chuyển qua BVĐK tỉnh Quảng Nam.
Sau đó, các y, bác sĩ của khoa Tai mũi họng của bệnh viện này đã tiến hành nội soi gắp thành công dị vật xương ếch (có hình dạng chữ T khá lớn) trong thực quản của cháu N. ra ngoài.
Hiện, sức khỏe cháu N. đã dần dần ổn định.
Thu Hằng (T/h)