Cứu sống bệnh nhân sốc mất máu nặng do vỡ u gan trái
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa TP Vinh cho biết đơn vị này vừa cứu sống bệnh nhân T.B.D (40 tuổi, trú tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Trước đó, bệnh nhân đến viện thăm khám với các triệu chứng đau bụng âm ỉ, kèm đau quặn hạ sườn phải đột ngột, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi…
Qua kiểm tra, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán sốc mất máu do u gan trái vỡ, tiên lượng tử vong nếu không được phẫu thuật kịp thời. Ngay lập tức, báo động đỏ của bệnh viện được kích hoạt, các chuyên khoa tiến hành hội chẩn và quyết định phẫu thuật để cứu sống người bệnh.
Ca phẫu thuật được các y bác sĩ thực hiện khẩn trương, chính xác. Ekip mổ đã thực hiện cắt gan trái, khối u nặng 800g, đồng thời tiến hành cầm máu, lấy mẫu bệnh phẩm làm sinh thiết. Ca phẫu thuật kéo dài 2 tiếng, bệnh nhân được cứu sống trong gang tấc.
Bệnh nhân hiện tỉnh táo, bắt đầu ăn cháo loãng, toàn trạng ổn định, bắt đầu tập đi lại. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Sau mổ, bệnh nhân được chăm sóc phục hồi tích cực với kháng sinh chống nhiễm khuẩn, truyền albumin, thuốc bổ gan… Kết quả giải phẫu bệnh cho kết quả ung thư biểu mô tế bào gan. Ngày thứ 3 sau ca phẫu thuật, bệnh nhân hiện tỉnh táo, bắt đầu ăn cháo loãng, toàn trạng ổn định, bắt đầu tập đi lại.
Mọc u sẹo phì đại sau khi bấm 6 lỗ tai
Ngày 30/4, báo Pháp Luật Việt Nam đưa tin về trường hợp của bệnh nhân L.N.K.M.T (25 tuổi, trú tại Tiền Giang). Người bệnh cho biết, khi học lớp 7 từng được bạn bè rủ rê đến tiệm vàng bấm 6 lỗ trên tai cho cá tính. Chủ tiệm dùng đồ bấm lỗ tai, trực tiếp bấm 6 lỗ liên tục khắp tai.
Đến năm lớp 9, lỗ tai bắt đầu có dấu hiệu ngứa ngáy khó chịu nên bệnh nhân quyết định tháo toàn bộ khuyên tai. Sang năm lớp 10, phát hiện vành tai bị lồi bằng đốt ngón tay, bệnh nhân tới một bệnh viện ở TP.HCM để phẫu thuật cắt bỏ.
Tuy nhiên, 2 năm sau, tình trạng vẫn tái phát nên người bệnh được gia đình đưa đến bệnh viện chuyên về tai mũi họng để điều trị. Dù vậy, sau phẫu thuật kết quả vẫn không khả quan. Gần đây, khối u lại bắt đầu tái phát. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khối u đã xơ cứng hoàn toàn, sưng to với kích thước khổng lồ.
Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết vành tai là một trong những vị trí đặc biệt nguy hiểm nếu chúng ta tác động lực vì dễ gây biến chứng do sụn vành tai rất nhạy cảm, da cũng rất mỏng. Vành tai bệnh nhân hiện bị u sẹo phì đại quá phát, nghiêm trọng hơn, khối u đã ăn dần xuống tay gây u sẹo lan tỏa.
Người bệnh cần được cắt khối u ngay để tránh di căn, gây tình trạng nghiêm trọng hơn, thậm chí gây hoại tử tai, ảnh hưởng đến thính giác. Ca phẫu thuật được thực hiện trong 3 tiếng, các bác sĩ đã cắt bỏ khối u và tạo hình vành tai cho người bệnh. Bệnh nhân hiện đã khỏe mạnh, được bác sĩ tiếp tục theo dõi điều trị, sử dụng thuốc chống quá trình tăng sinh sẹo trong tương lai để ức chế khả năng tái phát.
Mắc uốn ván do chủ quan với vết thương nhỏ
Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) cho biết đơn vị này mới tiếp nhận một nam bệnh nhân 27 tuổi, theo báo Giáo Dục và Thời Đại. Bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng hôn mê, cứng hàm, sốt nóng liên tục, bệnh nhân có cơn co giật toàn thân.
Người bệnh được các bác sĩ xử trí điều trị tích cực. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại
Qua khai thác tiền sử, thăm khám lâm sàng và hỏi người nhà, bệnh nhân có vết thương trên đỉnh đầu kích thước khoảng 1 x 0,5cm đã khô, không chảy dịch. Được biết, vết thương này do bệnh nhân bị đá rơi trúng trong quá trình lao động. Vì vết thương nhỏ, không chảy nhiều máu nên bệnh nhân và gia đình không để tâm.
Sau khi thăm khám và tiến hành hội chẩn toàn viện, các bác sĩ thống nhất chẩn đoán người bệnh mắc uốn ván giai đoạn toàn phát. Bệnh nhân sau đó đã được cho thở máy, truyền dịch, điều trị SAT, an thần, kháng sinh... và chăm sóc cấp I.
Xác định đây là ca bệnh rất nặng, các bác sĩ và điều dưỡng thường xuyên trao đổi, xin ý kiến của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang để có phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Gia đình xin cho bệnh nhân về nhà vì thấy tình trạng người bệnh diễn biến rất nặng nhưng sau đó đã đồng ý tiếp tục điều trị khi nghe bác sĩ điều trị giải thích, thuyết phục.
Qua 28 ngày điều trị tích cực, trong đó có 20 ngày phải thở máy, bệnh nhân đã tỉnh táo, giao tiếp tốt, tự vận động nhẹ nhàng, ăn uống được, các chỉ số sinh tồn bình thường. Người bệnh được các bác sĩ tư vấn chế độ tập vận động, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và cho ra viện, hẹn khám kiểm tra lại sau 3 tuần.
Đinh Kim (T/h)