Khối u hốc mắt khiến bé trai 9 tuổi biến dạng khuôn mặt
Ngày 29/4, báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin về trường hợp của bé L.M.Q (9 tuổi, quê Sơn La). Bệnh nhi được phát hiện có khối u hốc mắt từ nhỏ nhưng vì gia đình nghèo nên không có điều kiện chữa trị. Khối u to dần che lấp toàn bộ mắt bên trái gây lồi mắt, xâm lấn da vùng mi trên, cung mày và trán trái. Bệnh nhi thường bị bạn bè trêu đùa khi đi học. Có lúc, khối u còn chảy máu tại nhà.
Gần đây, được sự giúp đỡ của một số tổ chức, cá nhân hảo tâm, bệnh nhi được đưa xuống khám tại Hà Nội. Vì đây là ca bệnh phức tạp nên khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Việt Đức đã mời bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật Thần kinh, Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện này và các chuyên gia Bệnh viện Mắt Trung ương hội chẩn, cùng phẫu thuật.
Bác sĩ kiểm tra cho bệnh nhi sau phẫu thuật. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Các bác sĩ xác định đây là khối u lớn, xâm lấn toàn bộ da, tổ chức dưới da, nhãn cầu và tổ chức trong hốc mắt như thần kinh thị, hệ thống cơ vận nhãn… nên không còn khả năng bảo tồn mắt và tổ chức xung quanh, việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Bệnh nhi được nút các mạch máu vào u và được phẫu thuật hai lần.
Lần 1 cắt toàn bộ khối u và che phủ tạm thời. Lần 2 xoay vạt trán tạo hình mi trên và ghép niêm mạc miệng tạo hình ổ mắt. Bệnh nhi hiện đã được lắp mắt giả, có thể quay trở lại trường học và sinh hoạt bình thường.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi bị khối dị dạng mạch máu có tính chất lành tính. Đây là loại bệnh lý khá thường gặp và có thể kiểm soát được nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Rất tiếc, bệnh nhi được đưa đến các cơ sở điều trị quá muộn nên không thể bảo tồn mắt cho người bệnh.
Kịp thời cứu người đàn ông xuất huyết não nguy kịch
Theo báo Người Lao Động, các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh vừa phẫu thuật cấp cứu thành công một trường hợp xuất huyết não nguy kịch do vỡ dị dạng mạch máu não.
Theo bác sĩ Hồ Hoài Hưng, Phó khoa Ngoại thần kinh, nam bệnh nhân 55 tuổi ở Tây Ninh được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng chảy máu trong não do vỡ dị dạng mạch máu não vùng thái dương bên phải. Khối dị dạng nhỏ, xuất huyết não lượng nhiều. Tình trạng chảy máu này diễn tiến dần khiến bệnh nhân rơi vào hôn mê và nguy kịch.
Hình ảnh khối dị dạng và túi phình trên phim dựng hình. Ảnh: Người Lao Động
Sau khi hội chẩn gấp rút, các bác sĩ quyết định chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy máu tụ, xử lý dị dạng động tĩnh mạch, kẹp túi phình động mạch não đi kèm bằng phương án phẫu thuật vi phẫu. Quá trình phẫu thuật, sau khi đã hút khối máu tụ trong não, từng phần của khối dị dạng mạch máu được bóc tách ra khỏi nhu mô não lành để tránh nguy cơ chảy máu tái phát.
Sau 5 tiếng phẫu thuật tập trung cao độ dưới kính vi phẫu, êkip y bác sĩ đã lấy hết được hoàn toàn khối máu tụ, khối dị dạng mạch máu não, cầm máu và tái tạo lại hoàn toàn hộp sọ cho bệnh nhân.
2 ngày sau ca phẫu thuật, bệnh nhân dần hồi tỉnh, mở mắt, nhận biết xung quanh. Bệnh nhân được về nhà sau 12 ngày nằm viện, tình trạng tỉnh táo hoàn toàn, chỉ yếu nhẹ nửa người bên trái do di chứng khối xuất huyết.
Ngộ độc nặng sau khi ăn ruốc lỗ
Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy cho biết các bác sĩ vừa kịp thời cấp cứu bệnh nhân D.V.T (52 tuổi, trú tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) bị ngộ độc nặng sau khi ăn ruốc lỗ.
Gia đình người bệnh kể, sau khi ăn cơm với ruốc lỗ, bệnh nhân tê yếu tứ chi, tê miệng, cơ lực chi giảm còn 3/5 nên lập tức được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ngay khi xác nhận tình trạng bệnh nhân bị ngộ độc hải sản, các bác sĩ nhanh chóng thực hiện các biện pháp tăng cường thải độc, bài niệu tích cực. Sau 24 tiếng, bệnh nhân tỉnh táo, cơ lực tay chân cải thiện.
Bệnh nhân tỉnh táo, cơ lực tay chân cải thiện sau 24 tiếng. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Bác sĩ Nguyễn Sỹ Mạnh – Khoa Hồi sức tích cực & chống độc cho biết, bệnh nhân rất có thể đã trúng độc tố Tetrodotoxin có trong nhiều loại hải sản như so biển, mực đốm xanh, bạch tuộc vòng xanh… Độc tính này tác động trên thần kinh trung ương rất mạnh làm liệt các trung khu thần kinh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngừng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp.
Chỉ trong vài phút sau khi ăn, người bị ngộ độc có thể bị rối loạn cảm giác như tê môi, lưỡi, mặt, tay, chân, đau đầu, vã mồ hôi, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn, tăng tiết nước bọt… Các dấu hiệu nặng biểu hiện như liệt các cơ vận động, cơ hô hấp, giãn đồng tử, suy hô hấp, trụy tim mạch, ngừng thở, hôn mê, thậm chí tử vong.
Được biết, tình trạng ngộ độc hải sản xuất hiện và chuyển nặng rất nhanh, nguy cơ tử vong cao nếu không được chuyển đến bệnh viện xử trí cấp cứu kịp thời. Các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên cẩn trọng khi chế biến và sử dụng các thực phẩm.
Nếu phát hiện người bị ngộ độc thức ăn với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, trạng thái thần kinh li bì, toàn thân biểu hiện mệt mỏi…, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Đinh Kim (T/h)