Dùng pin giá rẻ, Apple khiến tuổi thọ pin iPhone 15 sụt giảm
Dòng iPhone 15 được cho là sử dụng loại pin giá rẻ khiến tuổi thọ sụt giảm với chu kỳ sạc/xả không bị giảm dung lượng đạt khoảng 600 giống như dòng iPhone 14. Đó là lý do giải thích tại sao nhiều người dùng phàn nàn rằng dòng iPhone 14 của họ đột nhiên hết dung lượng pin sau vài tháng sử dụng.
Việc iPhone 15 sử dụng pin giá rẻ được chuyên gia nghiên cứu RGcloudS xác minh khi cho biết: “Bạn có biết tại sao pin iPhone 14 và 15 lại bị sụt dung lượng nhanh hơn so với thế hệ tiền nhiệm không? Đó là bởi vì họ sử dụng các thành phần rẻ hơn”.
Để so sánh, nhiều thương hiệu sử dụng pin có tuổi thọ ít nhất 800 chu kỳ sạc/xả, trong khi OnePlus sử dụng pin tự phục hồi tiên tiến hơn hỗ trợ 1.600 chu kỳ sạc. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu, Apple phải đưa ra những lựa chọn khó khăn để tối đa hóa lợi nhuận trong khi vẫn duy trì giá sản phẩm, và điều này chỉ có thể đạt được bằng cách cắt giảm chi phí.
Trước khi iPhone 15 ra mắt, đã có báo cáo cho thấy người dùng iPhone 14 Pro thông báo rằng dung lượng pin của họ sụt 10-15% trong vòng chưa đầy một năm.
Được biết, RGcloudS là người đã từng đưa ra các dự đoán chính xác về sự xuất hiện hàng loạt của các mẫu điện thoại cao cấp có bộ nhớ LPDDR5X và UFS 4.0, việc sử dụng chip bổ sung trong smartphone để xử lý dữ liệu từ máy ảnh và màn hình với tần số PWM tăng lên, cũng như thông tin chi tiết chính xác về camera của Galaxy S23 Ultra.
Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 8/10/2023: Dùng pin giá rẻ, Apple khiến tuổi thọ pin iPhone 15 sụt giảm
Nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn tập trung ở khâu thiết kế vi mạch
Theo thống kê, Việt Nam có 168 đại học và 520 trường cao đẳng, trung cấp có đào tạo CNTT và điện tử viễn thông. Mỗi năm, các trường này tuyển sinh khoảng 76.000 sinh viên CNTT, điện tử viễn thông. Đây là ngành kỹ thuật có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh lớn nhất cả nước.
“Nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn của Việt Nam chủ yếu tập trung trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Hiện nay, Việt Nam đã dần hình thành cộng đồng doanh nghiệp thiết kế vi mạch, với hơn 30 doanh nghiệp và hơn 5.000 kỹ sư thiết kế, được đánh giá là một trong các cộng đồng lớn của khu vực”, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Cục phó Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông cho biết.
Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này có Viettel và FPT Semiconductor với khoảng 200 nhân viên. Còn lại, khoảng 50 công ty nước ngoài đến từ Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam với đội ngũ nhân lực ước tính hơn 5.000 kỹ sư, có thể đảm nhận công việc hầu hết các mảng trong khâu thiết kế. Trong đó, phân bổ nhân lực tập trung nhiều nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh (85%), sau đó là Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%).
Mới đây, hợp tác vi mạch bán dẫn là điểm nhấn trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Mỹ. Theo đó, từ ngày 17/9/2023 đến ngày 23/9/2023, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công tác tại Mỹ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng cùng một số tập đoàn công nghệ trong nước đã làm việc và ký các biên bản ghi nhớ hợp tác cùng với một số tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn như Synopsys, Marvell, Qualcomm,... nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên cho biết, trong giai đoạn tới, chiến lược vi mạch bán dẫn sẽ đề ra các giải pháp nhằm nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này.
XEM THÊM: Apple bị tố sử dụng pin giá rẻ nhanh xuống cấp cho iPhone 14 và 15
Trung Quốc khó đột phá chip sau bước tiến của Huawei
Việc Huawei bất ngờ trình làng Mate 60 Pro với chip được cho là do họ thiết kế và SMIC sản xuất trên tiến trình 7 nm, đã làm dấy lên nhiều kỳ vọng về tự chủ ngành chip của Trung Quốc. Cả Huawei và SMIC đều giữ im lặng về bộ xử lý Kirin 9000s. Tuy nhiên tuần này, công ty nghiên cứu điện tử Fomalhaut Techno Solutions cho rằng Kirin 9000s thực chất là chip 14 nm được sửa đổi gần hơn với tiến trình 7 nm.
Ngày 4/10, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết thông tin về sự xuất hiện mẫu chip có tính đột phá từ Huawei "rất đáng lo ngại", cho thấy cần có thêm biện pháp để siết xuất khẩu. "Chúng tôi cần những công cụ khác. Cần thêm nguồn lực cho việc thực thi kiểm soát xuất khẩu", Bloomberg dẫn lời bà Raimondo.
Không chi đối mặt với những quy định sắp tới, các công ty Trung Quốc, theo nhận định của giới chuyên gia, vẫn còn chậm nhiều năm trong sản xuất hệ thống in thạch bản.
Dù Trung Quốc luôn theo đuổi mục tiêu tự lực bán dẫn, các máy in thạch bản cần thiết để sản xuất chip tiên tiến hiện vẫn chỉ đến từ một công ty là ASML của Hà Lan. Những người trong ngành cho biết việc tự sản xuất loại máy móc phức tạp này khó có thể xảy ra trong tương lai gần ở Trung Quốc.
SMIC hiện sử dụng máy in thạch bản tia cực tím sâu (DUV) của ASML, trong khi Mỹ đã ngăn Hà Lan xuất khẩu máy quang khắc bằng tia siêu cực tím (EUV) tiên tiến hơn sang Trung Quốc. Do đó, quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ khó có thể tiến xa hơn những gì đã đạt được với thiết bị hiện có của SMIC.
Hồi tháng 8, Li Jinxiang, Phó tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Thiết bị sản xuất điện tử Trung Quốc, nhận định trong một diễn đàn về bán dẫn ở nước này: "Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong lĩnh vực in thạch bản. Không một dây chuyền sản xuất chip nào ở Trung Quốc trang bị hệ thống in thạch bản do trong nước sản xuất, hầu hết chúng chỉ được dùng trong nghiên cứu học thuật".
Các chuyên gia nhận định, việc hạn chế Trung Quốc tiếp cận công cụ sản xuất tiên tiến là đòn đánh quan trọng của Mỹ. Họ có thể gia tăng áp lực, buộc Hà Lan và Nhật Bản siết hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ tháng 1/2024, Trung Quốc sẽ không thể mua hệ thống in thạch bản DUV nhúng dòng 2000 của ASML.
Hoàng Yên (T/h)