Tờ séc ký bởi Steve Jobs được bán giá 135.000 USD
Một trong những tấm séc đầu tiên của Apple, được ký bởi nhà sáng lập Steve Jobs và Steve Wozniak, có giá vượt xa dự kiến 50.000 USD ban đầu.
Một số tấm séc của Apple từng được bán đấu giá, nhưng phiên bản mới rao bán trên nền tảng RR Aution (Mỹ) được đánh giá là hiếm có. Nó có số thứ tự 2 và ký ngày 19/3/1976, trước khi Apple Computer chính thức thành lập 13 ngày và địa chỉ là nhà của Steve Jobs tại Los Altos.
Theo hệ thống đấu giá RR Aution, séc có kích thước 7,5 x 3 inch, vẫn trong tình trạng tốt với đầy đủ thông tin và chữ ký của Steve Jobs và Steve Wozniak. Tấm séc của ngân hàng Wells Fargo, trên đó ghi chi trả cho công ty Ramlor số tiền 116,97 USD để mua các bảng mạch PCB cho sản xuất máy tính Apple-1.
Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 28/8/2023: Tờ séc ký bởi Steve Jobs được bán giá 135.000 USD
RR Aution kỳ vọng bán tài sản với giá 50.00 USD nhưng số tiền cuối cùng thu về là 135.000 USD (3,2 tỷ đồng) khi phiên đấu giá kết thúc vào 24/8. Cùng đợt này, máy tính Apple-1 cũng được mua lại ở mức 175.759 USD.
Trước đó, hồi tháng 5, một tờ séc khác có chữ ký của cố CEO Apple Steve Jobs cũng được bán thành công với khoản tiền 106.985 USD (2,4 tỷ đồng). Các vật phẩm liên quan đến Jobs thường được bán với giá cao, như đơn xin việc của ông được mua giá 175.000 USD, hay thư viết tay gửi cho người bạn thời thơ ấu Tim Brown cũng thu về 300.000 USD.
Meta khai tử Messenger Lite
XEM THÊM: Tin vui cho những ai đang dùng Smart TV cũ của Samsung
Xuất phát từ nhu cầu phục vụ những người dùng có dung lượng hạn chế hoặc những người chỉ đơn giản là tìm kiếm một phương thức liên lạc tối giản, Messenger Lite đã được ra đời. Ứng dụng này rất tối giản, cả về kích thước lẫn chức năng, cung cấp cho những người dùng muốn duy trì kết nối mà không cần quá nhiều tính năng rườm rà. Tuy nhiên, do xu hướng của thế giới kỹ thuật số thường không thể đoán trước được nên giờ đây chúng ta nhận thấy ứng dụng được yêu thích này đang dần biến mất.
Giờ đây, ghi nhận từ Reddit cho thấy phiên bản thu nhỏ của ứng dụng Messenger đã không còn trên Play Store, đồng thời những người đã cài đặt Messenger Lite nhận được thông báo thúc đẩy họ chuyển sang Facebook Lite - một ứng dụng bị đánh giá thiếu tính năng gọi điện và thậm chí cơ chế nhắn tin khá cồng kềnh.
Đây không phải là thay đổi đáng kể duy nhất mà Meta thực hiện đối với dịch vụ nhắn tin của mình. Gần đây, Meta đã công bố kế hoạch ngừng hỗ trợ SMS trong Messenger trước ngày 28 tháng 9 năm 2023. Việc tích hợp hỗ trợ SMS ban đầu vào năm 2012, thu hồi vào năm 2013 và giới thiệu lại vào năm 2016, quyết định này đánh dấu một bước ngoặt khác trong lịch sử phức tạp của ứng dụng Messenger.
Mặc dù có nhiều sức hấp dẫn nhưng Messenger Lite vẫn có nhiều hạn chế cho người dùng. Nhiều người đã bày tỏ lo ngại về thông báo kết thúc ứng dụng vì đây là loại thông báo cố định và không thể loại bỏ. Nỗ lực tắt cảnh báo dai dẳng này sẽ tác động đến tất cả các thông báo Messenger Lite tiếp theo, khiến một số người dùng chọn cách gỡ cài đặt ứng dụng.
Chiến lược đằng sau những hạn chế như vậy đối với Messenger Lite được cho là nhằm mục đích tăng cường sức hấp dẫn cho Messenger chính và giảm sự hiện diện của Facebook trong tính năng nhắn tin.
Hàng loạt người dùng gặp lỗi màn hình xanh khi cập nhật Windows 11 mới
MSI vừa xác nhận hiện tượng màn hình xanh (BSOD) mà hàng loạt người dùng Windows trên toàn cầu gặp phải gần đây có liên quan tới một số mẫu bo mạch chủ của hãng và bản cập nhật Windows 11 mới.
Động thái mới diễn ra chỉ 1 ngày sau khi hàng loạt người dùng trên toàn cầu thông báo về lỗi màn hình xanh mà họ vấp phải trên máy tính, sau khi cài đặt bản cập nhật Windows 11 mang số hiệu KB5029351.
Hãng công nghệ Đài Loan (Trung Quốc) cho biết: "MSI đã nhận được một số báo cáo về việc người dùng gặp phải màn hình xanh chết chóc với thông báo lỗi "UNSUPPORTED_PROCESSOR" (bộ xử lý không tương thích" trên các hệ thống với bo mạch chủ sử dụng chipset đời 600/700 của MSI. Hiện tượng này phát sinh sau khi cài đặt bản cập nhật KB5029351 của Windows 11. MSI và Microsoft đều đã ghi nhận lỗi "UNSUPPORTED_PROCESSOR" và đã bắt đầu điều tra nguyên nhân".
Trong khi đó, Microsoft cho biết thêm, các máy tính sẽ bị ảnh hưởng trên cả Windows 10 phiên bản 21H2 và 22H2, cùng Windows 11 22H2.
Theo các hãng công nghệ, những người đã cập nhật hệ thống và bị ảnh hưởng bởi màn hình xanh nên yêu cầu sự trợ giúp của các kỹ thuật viên, nhằm khôi phục BIOS về phiên bản trước và gỡ cài đặt các bản cập nhật Windows gây lỗi. Hai hãng này cũng đã khuyến cáo tất cả người dùng không cài đặt các bản cập nhật trên các hệ thống Windows với bo mạch chủ MSI cho tới khi có thông báo mới.
Để ứng phó rủi ro tương tự trong tương lai, Microsoft đã giới thiệu cơ chế quản lý cập nhật Windows 11 mới, trong đó cho phép quản trị viên có thêm quyền kiểm soát việc cung cấp các bản cập nhật xem trước không liên quan đến bảo mật hằng tháng trên các thiết bị doanh nghiệp.
Về phần mình, người dùng có thể chọn giữa cài đặt tự động các bản cập nhật tùy chọn hoặc chế độ cài các bản cập nhật bằng tay theo ý muốn.
Hoàng Yên (T/h)