Chip A17 Pro gây rắc rối cho iPhone 15
Nhiều người dùng iPhone 15 và iPhone 15 Pro Max phản ánh máy nóng nhanh hơn so với thế hệ trước rất nhiều. Một số chuyên gia nhận định nguyên nhân là Apple đã hạ tiêu chuẩn đối với chip A17 Pro.
Trước những phản ánh của người dùng, Apple chưa đưa ra bất cứ bình luận nào, tuy nhiên một số chuyên gian cho rằng pin iPhone 15 và iPhone 15 Pro nóng nhanh là do chip A17 Pro.
Được biết, A17 Pro được sản xuất trên công nghệ 3 nm của TSMC và là bước nhảy vọt về quy trình sản xuất kể từ tiến trình 5 nm năm 2020. Tuy nhiên, mức tăng hiệu suất của A17 Pro không ấn tượng khi CPU chỉ nhanh hơn 10% và GPU nhanh hơn 20%.
Theo các thông tin rò rỉ, chip A17 Pro sử dụng chung kiến trúc chip của A16 Bionic và các nâng cấp chủ yếu là tối ưu hóa bộ nhớ đệm, tăng xung nhịp và nhân GPU.
Chuyên gia Revegnus và Vadim Yuryev của Max Tech chia sẻ, TSMC đang gặp khó khăn với quy trình 3 nm, dẫn đến hiệu suất sản xuất thấp. Tỷ lệ chip bị lỗi, không đạt các bài kiểm tra của Apple cao hơn dự kiến. Do đó, Apple nhiều khả năng phải hạ tiêu chuẩn kiểm nghiệm của mình để có thể đạt đủ sản lượng chip thay vì loại bỏ.
Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 26/9/2023: Chip A17 Pro gây rắc rối cho iPhone 15
Yuryev dẫn nguồn tin cho biết Apple đã tăng công suất của A17 Pro để đạt hiệu năng mong muốn và đánh đổi việc tiết kiệm năng lượng. Việc này làm cho máy ngốn pin và nóng nhanh hơn. Khi đó, quy trình kiểm soát nhiệt độ iPhone 15 Pro sẽ diễn ra sớm hơn so với thế hệ trước, dẫn đến giảm hiệu suất. Quy trình kiểm soát nhiệt độ của iPhone được thực hiện để bảo vệ các linh kiện cũng như người dùng vì điện thoại có thể nóng tới gần 48 độ C.
Dù vậy, chip A17 Pro vẫn được coi là nâng cấp đáng giá về GPU như FX Metal giúp cải thiện đồ họa và tiêu thụ ít điện năng. Yuryev cho biết chip xử lý A18 Pro năm sau sẽ được sản xuất trên tiến trình 3 nm cải tiến của TSMC là N3E. Tiến trình này sẽ giúp A18 Pro có hiệu năng vượt trội cũng như tiết kiệm điện hơn hẳn.
Nvidia thành nhà thiết kế chip lớn nhất thế giới
Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường TrendForce, Nvidia đạt doanh thu 11,332 tỷ USD trong quý vừa qua, tăng 68,3% so với quý đầu năm. Trong cùng giai đoạn, doanh thu của Qualcomm giảm 9,7% xuống 7,174 tỷ USD. Nvidia cũng vượt nhiều đối thủ như Broadcom, AMD, MediaTek để trở thành công ty thiết kế chip có doanh thu cao nhất thế giới.
TrendForce đánh giá ngành chip đang hưởng lợi từ cơn sốt AI trên toàn cầu. Các công ty thiết kế chip đạt doanh thu tổng cộng 38,1 tỷ USD, tăng 12,5% so với quý trước. Nvidia có nhiều đột phá nhất khi doanh thu từ trung tâm dữ liệu tăng 105% nhờ lượng lớn lô hàng hệ thống HGX hiệu năng cao. Ngoài ra, mảng hỗ trợ game và hình ảnh của hãng cũng phát triển mạnh sau khi ra loạt sản phẩm mới. Hiện công ty chiếm 29,7% thị phần mảng thiết kế.
Trong khi đó, Qualcomm, đối thủ lớn của Nvidia, giảm doanh thu vì nhu cầu smartphone Android đi xuống. Việc Apple ký hợp đồng mua chip mạng là thông tin tích cực, nhưng không giúp cải thiện tình hình kinh doanh của Qualcomm. Kết quả, thị phần của hãng giảm từ 23,5% xuống 18,8% trong quý II/2023.
Broadcom kết thúc quý với doanh thu gần 6,9 tỷ USD, biến động không nhiều so với trước. Dù cũng hưởng lợi từ xu hướng AI, đặc biệt là bộ chuyển mạch và bộ định tuyến cao cấp, công ty vẫn gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực lưu trữ máy chủ và băng thông rộng.
Musk tiêu một triệu USD đầu tiên vào việc gì?
Năm 1995, bằng khoản vay 28.000 USD từ cha mình, Elon Musk cùng em trai Kimbal khởi nghiệp với Zip2 - dự án cung cấp dịch vụ bản đồ và danh bạ điện thoại cho các trang báo mạng. Đến 1999, cả hai bán công ty với giá 307 triệu USD và Elon Musk nhận được 22 triệu USD.
XEM THÊM: iPhone 15 Pro có thể dựng phim?
Theo CNN, ông trích 815.000 USD từ số tiền trên để tự thưởng cho mình chiếc McLaren F1. Ông tỏ ra hào hứng vào ngày nhận xe và đi cùng là vợ sắp cưới Justine Wilson.
"Ba năm trước đó, tôi phải tắm ở trung tâm thể dục và ngủ trên sàn văn phòng. Vậy mà bây giờ, tôi đã sở hữu siêu xe", ông nói với Time năm 2021. Còn theo Justine, McLaren F1 xứng đáng là "chiếc xe triệu USD".
"Xế cưng" của Musk được bộ đôi huyền thoại Peter Stevens và Gordon Murray thiết kế và chỉ có 106 chiếc trên thế giới. Trong đó, động cơ V12 do BMW sản xuất cùng nhiều bộ phận làm bằng vàng 24K. Đúng như tên gọi, McLaren F1 có các chi tiết lấy cảm hứng từ xe đua Công thức 1, như vị trí người lái ở giữa xe.
Musk cho biết ông dùng siêu xe như phương tiện di chuyển hàng ngày, chủ yếu quanh San Francisco và tới Los Angeles. Trong năm đầu, ông cùng MacLaren F1 thực hiện quãng đường 17.700 km. Trong buổi phỏng vấn với PandoDaily năm 2012, Musk thừa nhận tự làm hỏng xe khi chở Peter Theil, nhà đồng sáng lập PayPal, khi đến một cuộc hẹn quan trọng hồi năm 2000.
Lúc hai người đi trên đường Sand Hill ở Palo Alto, Thiel hỏi xe có thể làm được những gì, Musk đáp: "Hãy xem này" rồi nhấn ga, tăng tốc và chuyển làn. Chiếc xe với 627 mã lực, nặng khoảng một tấn, tông vào bờ kè và bay lên không trung.
"Nó quay thêm vài vòng trước khi rơi xuống đất. Hệ thống treo bị hỏng, kính vỡ và phần đầu bị hư hại, nhưng khung gầm và động cơ vẫn ổn", Musk kể. Trong khi Thiel sốc vì tai nạn, Musk vẫn cười và cho biết chưa mua bảo hiểm siêu xe.
Musk giữ lại xe cho đến năm 2007. Khi đó, ông giữ vị trí CEO công ty xe điện Tesla, nên việc thường xuyên sử dụng mẫu siêu xe tốn xăng không còn phù hợp. Chiếc McLaren F1 đã được sửa lại và bán cho chủ mới sống tại bang California.
Dù đã bán, Musk vẫn coi chiếc xe như chuẩn mực về hiệu suất vận hành cho các sản phẩm của Tesla. Năm 2014, ông tuyên bố Tesla Model S P85D có thể tăng tốc 0-100 km/h trong 3,2 giây tương tự McLaren F1. Đến năm 2016, Model S P100D giảm thời gian tăng tốc xuống còn 2,7 giây.
Hoàng Yên (T/h)