Smartphone Pixel Fold vừa bán đã lỗi màn hình
Nhiều người dùng phản ánh Pixel Fold bị lỗi sọc màn hình, bong tróc miếng bảo vệ và xuất hiện vết nứt ở nếp gập.
"Miếng bảo vệ màn hình trên Pixel Fold mới mua bị bong tróc và có những vết xước lớn bên trong. Tôi mới dùng được 5 tiếng và mở máy tổng cộng ba lần", tài khoản Crazymojo83 phàn nàn trên Reddit. Anh sau đó được Google xác nhận màn hình máy bị lỗi do phần nếp gập có vết nứt mạng nhện.
Trong khi đó, một người dùng khác trên Reddit phàn nàn rằng chiếc Pixel Fold của anh ta đã xảy ra sự cố chỉ sau vài giờ sử dụng. Phần nếp gấp ở chính giữa màn hình đã bị vỡ thành nhiều mảnh nhỏ và làm hỏng màn hình hiển thị.
Trang The Verge cũng ghi nhận nhiều trường hợp chủ sở hữu Google Pixel Fold gặp lỗi màn hình. Điều này có thể đến từ chất lượng gia công màn hình trên các sản phẩm của công ty.
Pixel Fold ra mắt toàn cầu ngày 11/5 và bắt đầu bán ra tại Mỹ trong tháng 6 với giá 1.799 USD. Máy có màn hình gập bên trong kích thước 7,6 inch, độ phân giải 2.208 x 1.840 pixel như Galaxy Z Fold4, nhưng dài ngang và viền dày hơn đáng kể để đặt vừa camera. Màn hình ngoài 5,8 inch, tấm nền OLED, độ phân giải 1.080 x 2.092 pixel với tỷ lệ ngang gần giống Oppo Find N2.
Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 2/7/2023: Smartphone Pixel Fold vừa bán đã lỗi màn hình
Hà Lan hạn chế bán thiết bị sản xuất bán dẫn tiên tiến
Quy định mới được chính phủ Hà Lan công bố hôm 30/6 và dự kiến có hiệu lực từ tháng 9. Động thái được đưa ra vài tháng sau khi Hà Lan và Mỹ, Nhật Bản đạt thỏa thuận về kiểm soát xuất khẩu công nghệ bán dẫn.
"Biện pháp được thực hiện dựa trên cơ sở an ninh quốc gia, giải quyết những điểm yếu quan trọng mà không gây gián đoạn ngoài ý muốn với ngành sản xuất chip toàn cầu", Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher cho hay.
Quy định của Hà Lan tập trung vào những công nghệ được dùng trong quá trình nghiên cứu và sản xuất bán dẫn tiên tiến, có thể ứng dụng cho lĩnh vực quân sự. Giới chức nước này khẳng định biện pháp không nhằm đối phó Trung Quốc.
Trong khi đó, theo Reuters, Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng hành động trên có thể gây hại cho các doanh nghiệp của cả hai nước, đồng thời kêu gọi Hà Lan "lập tức sửa chữa sai lầm".
Mỹ cuối năm ngoái công bố loạt hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến của nước này đối với Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang xem xét các biện pháp kiểm soát bổ sung.
OpenAI đối mặt vụ kiện tập thể với cáo buộc đánh cắp dữ liệu người dùng
OpenAI đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể khi bị cho là đã đánh cắp và sử dụng trái phép một lượng lớn dữ liệu người dùng internet để huấn luyện các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) của mình.
Theo hãng tin CNN (Mỹ), trong đơn kiện được gửi đến tòa án liên bang California ngày 28/6 vừa qua, công ty khởi nghiệp do Microsoft hậu thuẫn bị cáo buộc đã âm thầm thu thập “lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ từ internet”.
“Những dữ liệu này, về cơ bản bao gồm mọi thông tin có thể lấy được trên không gian mạng, được OpenAI thu thập mà không có sự đồng ý hay bất kỳ thông báo cũng như bồi thường nào”, tập hồ sơ khởi kiện dày 160 trang nêu rõ.
Cũng theo đơn kiện, việc thu thập dữ liệu trái phép nói trên xảy ra với quy mô lớn “chưa từng có” trước đây.
Trong thông báo gửi tới CNN, ông Timothy K. Giordano, đối tác tại hãng luật Clarkson đứng sau vụ kiện, nhấn mạnh: Bằng cách thu thập và sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân của hàng triệu người để phát triển một công nghệ “bất ổn, chưa được kiểm nghiệm”, OpenAI đã đặt mọi người vào tình trạng rủi ro khôn lường, và điều này là “không thể chấp nhận được”.
Bên nguyên đơn cũng cáo buộc, các sản phẩm của OpenAI “sử dụng thông tin cá nhân bị đánh cắp, bao gồm cả thông tin nhận dạng cá nhân”, từ hàng trăm triệu người dùng internet, trong đó có trẻ em ở mọi lứa tuổi, mà không hề có sự đồng ý của các chủ thể dữ liệu.
XEM THÊM: YouTube có thể cấm xem video nếu người dùng chặn quảng cáo
Vụ kiện nhằm đạt được phán quyết mang tính cưỡng chế của tòa án yêu cầu đóng băng tạm thời việc thương mại hóa các sản phẩm của OpenAI; đồng thời, buộc công ty này phải trả các khoản “cổ tức dữ liệu” như một sự bồi thường tài chính đối với chủ sở hữu của dữ liệu đã được OpenAI sử dụng để phát triển và đào tạo các công cụ AI của hãng.
Hoàng Yên (T/h)