Ngày 24/5, ông Lê Lưu Dũng, Giám đốc công ty TNHH Jungle Boss, một đơn vị khai thác du lịch tại Quảng Bình, cho biết trên Dân trí, đội thám hiểm của đơn vị vừa khảo sát thêm về hồ nước bí ẩn trong nhánh phụ của hang Thung, thuộc hệ thống hang động Hung Thoòng (Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng).
Hồ nước này có diện tích bề mặt khoảng 100m2, bao quanh là các cột thạch nhũ, nằm cách cửa hang khoảng 1km.
Điều đặc biệt, hồ nước nằm cao hơn sông ngầm trong hang khoảng 15m nên nhìn như đang "treo" lơ lửng trên vách hang đá. Cũng vì điều này, nhóm khảo sát tạm thời đặt tên cho hồ nước là hồ Lơ Lửng.
Theo ông Dũng, trong lần trở lại này, đoàn khảo sát bất ngờ phát hiện mực nước trong hồ đã tụt xuống khoảng 2m, mặc dù những ngày qua, quanh khu vực hang Thung có mưa lớn.
Hồ nước trong hang Thung có diện tích bề mặt khoảng 100m2, bao quanh là các cột thạch nhũ, nằm cách cửa hang khoảng 1km. (Ảnh: Jungle Boss)
Hiện đội thám hiểm vẫn chưa tìm được nguồn nước vào và ra của hồ. Theo khảo sát ban đầu, hồ có thể sâu hơn 10m. Khi nước rút, đội thám hiểm phát hiện một khối thạch nhũ như được thả từ trần hang xuống, nổi trên mặt hồ.
Hàng chục tấn tôm hùm nuôi ở thị xã Sông Cầu bị chết do mật độ nuôi quá dày, thiếu oxy, theo kết quả khảo sát Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản.
Theo VnExpress, thông tin được nêu trong báo cáo khảo sát của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 trước việc cá, tôm chết với số lượng lớn ở vùng biển xã Xuân Thịnh.
Qua khảo sát, viện thủy sản nhận thấy khu vực tôm, cá chết có khoảng 11.000 lồng nằm ở thôn Vịnh Hòa và Phú Dương, xã Xuân Thịnh. Lồng được đặt ở độ sâu 3-5 m, khoảng cách các lồng từ 0,8-1,5 m, mỗi lồng nuôi 100-200 con...
Mật độ nuôi như trên được viện cho là quá dày, làm cho khả năng lưu thông nước kém, lượng oxy chưa phù hợp với nuôi tôm, cá, nền đáy bùn ở khu vực nuôi có mùi hôi thối...
Tôm hùm xanh nuôi chết hàng loạt. (Ảnh: VNE)
Từ đó viện khuyến cáo người nuôi cần giảm số lượng lồng, chủ động cung cấp oxy, thu hoạch sản phẩm đúng kích cỡ, khi vận chuyển tránh làm sốc tôm, cá. Ngoài ra, người nuôi thường xuyên thu gom tôm, cá chết và rác thải, theo dõi sát tình hình thời tiết để có giải pháp xử lý kịp thời.
Trước đó trong vòng một tuần, hơn 67 tấn tôm hùm, 62 tấn cá biển của 281 hộ nuôi của một số địa bàn tại thị xã Sông Cầu bị chết, ước thiệt hại hơn 38,4 tỷ đồng. Kết quả kiểm tra ban đầu, địa phương cho biết tình trạng này không phải do dịch bệnh mà vì môi trường vùng nuôi thiếu oxy.
Theo VOV, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xảy ra 4 đợt giông lốc kèm theo mưa đá, làm 1 người chết, 3 người bị thương; hư hỏng hơn 6.100 nhà ở, 27 điểm trường, 2 cơ sở y tế; thiệt hại gần 2.800 ha cây trồng... tổng giá trị thiệt hại hơn 106 tỷ đồng.
Theo đánh giá, năm nay, các đợt thiên tai diễn ra trái quy luật với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Vì vậy, để chủ động ứng phó, tỉnh Sơn La đã vận dụng phương châm “4 tại chỗ” và nâng cao năng lực cảnh báo sớm; các địa phương cũng chủ động rà soát các điểm dân cư, các khu vực trọng điểm thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, có phương án di dời nhân dân đến nơi an toàn. Rà soát, kiện toàn 204/204 đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã với hàng chục nghìn người tham gia...
Đối với sản xuất nông nghiệp, các ngành chức năng cũng tích cực vận động, tuyên truyền nông dân chủ động ứng phó, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, nhất là tại các vùng sản xuất đang vào vụ thu hoạch.