Hầm chui ở Đà Nẵng ngập do máy bơm không hoạt động
Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (Ban QLDA) cho biết trên PLO, nguyên nhân dẫn đến ngập hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương vào tối 7-9 là do hệ thống tự động của trạm bơm không hoạt động dẫn đến có nước trên mặt đường trong hầm.
Tại thời điểm đó, Ban QLDA đã cho vận hành bơm thủ công để hạ mức nước trong hầm.
Sau đó, Ban QLDA đã liên lạc, yêu cầu nhà thầu là Liên danh Thuận An – Thăng Long bố trí người đến Nhà điều hành và quanh khu vực hầm chui để vận hành máy bơm theo cách thủ công.
Hiện nhà thầu đã khắc phục xong, tiếp tục bố trí cán bộ theo dõi 24/24 trong mùa mưa sắp tới. Đồng thời khẩn trương thực hiện công tác sửa chữa và bàn giao công trình cho đơn vị quản lý vận hành.
Theo Ban QLDA, hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương đã đưa vào vận hành từ tháng 11/2017. Tuy nhiên, công trình vẫn đang được sửa chữa các tồn tại để bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành vào cuối năm 2022.
Nước ngập lênh láng trong hầm chui sau mưa lớn, do máy bơm không hoạt động. (Ảnh: PLO)
Từ năm 2017 đến nay, sau một thời gian hoạt động, có làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động tự động của hệ thống điều khiển trạm bơm.
Trước đó, sau trận mưa lớn trong đêm 7/9, hầm chui trên lại bị ngập nước. Sự cố này khiến việc lưu thông qua hầm trở nên khó khăn, một số trường hợp bị ngã xe và nhiều phương tiện bị chết máy. Một số người do quá sợ đã không dám qua hầm mà quay đầu ngay trong hầm để tìm lộ trình khác.
Hầm chui này có tổng chiều dài 432 m, trong đó hầm kín dài 80 m, hầm hở 180 m và chiều dài đường dẫn 172m.
Hà Nội tổng kiểm tra phương tiện đưa, đón học sinh
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4560/SGTVT-QLVT về việc quản lý phương tiện đưa đón học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó giao Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp các lực lượng chức năng tổng kiểm tra toàn bộ xe hợp đồng đưa đón học sinh trên địa bàn thành phố.
Để quản lý tốt hơn công tác đưa, đón, trả học sinh trên địa bàn thành phố, bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình đưa đón học sinh, Sở Giao thông vận tải đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường sử dụng xe đưa rước học sinh không ký hợp đồng đưa đón với các đơn vị vận tải không đủ điều kiện, chấm dứt hợp đồng vận chuyển đối với xe và người điều khiển xe không đủ điều kiện theo quy định.
Sở Giao thông vận tải yêu cầu các lái xe tuyệt đối không chở quá tải trọng, không sử dụng xe hết hạn đăng kiểm, không có phù hiệu “xe hợp đồng” hoặc phù hiệu hết hạn sử dụng, lái xe khi chưa có giấy phép lái xe, phù hợp với loại xe đang điều khiển..., chấm dứt hợp đồng và phối hợp các cơ quan liên quan; xử lý nghiêm những lái xe, chủ phương tiện không chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông và trách nhiệm, quy định trong hợp đồng đưa đón học sinh bằng ô-tô.
Sở Giáo dục chỉ đạo Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải kiểm tra, rà soát các trường sử dụng xe hợp đồng đưa đón học sinh.
Hà Nội yêu cầu siết chặt hoạt động đưa, đón học sinh. (Ảnh: Nhân dân)
Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự và chính quyền các địa phương tổ chức tổng kiểm tra toàn bộ xe hợp đồng đưa đón học sinh trên địa bàn thành phố; tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trong tổ chức và quản lý hoạt động vận tải, đặc biệt đưa đón học sinh bằng ô-tô.
Văn phòng Ban An toàn giao thông tăng cường phối hợp tuyên truyền tới các trường học lựa chọn các đơn vị vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải và đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kinh doanh vận tải để ký hợp đồng vận chuyển.
Cùng đó, yêu cầu các đơn vị vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng thường xuyên duy trì và thực hiện tốt chế độ bảo dưỡng, sửa chữa, bảo đảm các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.
Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thực hiện các quy định trong hoạt động vận tải: không chở quá tải, tuyệt đối không lái xe sau khi uống rượu, bia; không sử dụng điện thoại khi lái xe, không phóng nhanh vượt ẩu...
Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận an toàn hơn sau 30 ngày thu phí
Trong báo cáo gửi các cơ quan chức năng, ông Lê Châu Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý vận hành đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận cho biết trên VOV: Từ khi đưa vào khai thác, trên tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã xảy ra 68 vụ tai nạn, va chạm giao thông, chủ yếu xảy ra trong quãng thời gian trước khi đưa vào thu phí (63 vụ).
Còn sau 1 tháng thu phí (từ 9/8-8/9), trên tuyến chỉ xảy ra 05 vụ va chạm, tai nạn. Như vậy, các vụ tai nạn giao thông đã giảm rõ rệt nhờ kiểm soát được lưu lượng phương tiện và chất lượng công trình.
Trong thời gian thu phí, tình hình an toàn giao thông và an ninh trật tự trên tuyến diễn ra bình thường, đặc biệt trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 (từ 1 đến 4/9), trên tuyến không để xảy ra ùn tắc, xả trạm.
Thống kê trong 1 tháng đưa vào thu phí (từ 0 giờ ngày 9/8 đến 6h ngày 7/9), đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã đạt lưu lượng 510.627 lượt xe, bình quân 17.607 lượt xe/ngày; trong đó xe loại 1 đạt 359.746 lượt, chiếm 70,5% lưu lượng toàn tuyến; xe loại 2 đạt 48.497 lượt, chiếm 9,5 %; loại 3 đạt 73.267 lượt (14,3%)…
Lũy kế từ khi thông tuyến đến nay, lưu lượng xe đạt hơn 3,17 triệu lượt; trong đó, trước khi thu phí (từ ngày 30/4 đến 8/8) đạt 2.661.481 lượt xe, bình quân 26.351 lượt xe/ngày. Người dân tham gia giao thông đã gọi gần 1.500 cuộc đến số điện thoại hỗ trợ đường dây nóng trên tuyến; trong đó, trước khi đưa vào thu phí 1.335 cuộc gọi.
Việt Hương (T/h)