Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thời sự mới nóng nhất 3/5: Xử lý trên 7 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn

  • Việt Hương
(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 3/5/2023. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 3/5/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Xử lý trên 7 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Cục CSGT, Bộ Công an cho biết trên Công an nhân dân, ngày 2/5, toàn quốc xảy ra 21 vụ TNGT, làm chết 14 người, bị thương 17 người. So với ngày nghỉ lễ cùng kỳ năm 2022, giảm 4 vụ, giảm 1 người chết, giảm 1 người bị thương. Trong đó, trên đường bộ xảy ra 21 vụ, làm chết 14 người, bị thương 17 người. So với ngày nghỉ lễ cùng kỳ năm 2022 giảm 4 vụ, giảm 1 người chết, giảm 1 người bị thương.
 
Trong ngày 1/5 và sáng 2/5, tình hình giao thông tại khu vực nội thành TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và các tuyến cửa ngõ 2 thành phố ổn định, các phương tiện lưu thông tốt, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Trên các tuyến cao tốc không xảy ra TNGT, ùn tắc giao thông.
 
Ngày 2/5, CSGT Công an các địa phương đã tuần tra kiểm soát (TTKS), phát hiện xử lý 9.703 trường hợp vi phạm; phạt tiền 20 tỷ 877 triệu đồng; tạm giữ 168 xe ô tô, 4.426 xe mô tô, 18 phương tiện khác; tước 2.166 GPLX các loại.
 
Đáng chú ý, ngày 1/5, Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 3.576 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; ngày 2/5 có 3.428 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. (Ảnh: CAND)

Các Đội TTKS giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT kiểm tra, lập biên bản 51 trường hợp vi phạm, phạt tiền 215,5 triệu đồng, tước GPLX 29 trường hợp; tạm giữ 3 phương tiện. Hệ thống giám sát của các Đội TTKS giao thông đường bộ cao tốc đã phát hiện 225 trường hợp vi phạm.
 
Trên tuyến đường thủy, lực lượng Cảnh sát đường thủy toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 111 trường hợp vi phạm, phạt tiền 168 triệu đồng.
 
Trên tuyến đường sắt, CSGT Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 10 trường hợp vi phạm, phạt tiền 5 triệu đồng.
 
Mưa đá, dông lốc gây hỏng 167 nhà dân
 
Theo báo Lào Cai, từ đêm 28/4 đến hết ngày 30/4, tại một số địa phương trên đại bàn tỉnh đã xảy ra dông lốc, mưa đá và mưa to gây thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu và nhà cửa của nhân dân. Hai địa phương chịu thiệt hại nặng nhất là huyện Mường Khương và thị xã Sa Pa.
 
Tại huyện Mường Khương, tối 28/4, dông lốc kèm mưa đá đã xảy tại các xã: Lùng Vai, Thanh Bình, Nậm Chảy, Cao Sơn, La Pan Tẩn. Trong đó Thôn Sấn Pản, xã Nậm Chảy bị thiệt hại nặng nhất với hơn 50 ngôi nhà bị hỏng, nhiều diện tích ngô bị đổ.
 
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mường Khương, dông lốc, mưa đá khiến 105 nhà dân, 1 nhà văn hóa thôn bị thiệt hại, với khoảng trên 2.000 tấm lớp bị vỡ cần thay thế. Cùng với đó, có hàng chục ha ngô và cây hoa màu bị gãy đổ, nhiều diện tích chè chuẩn bị cho thu hoạch bị dập ngọn.

Một hộ dân ở xã Tả Van, thị xã Sa Pa bị đất đá trôi vào nhà gây hỏng nhiều tài sản. (Ảnh: Báo Lào Cai)

Tại thị xã Sa Pa, đêm 29/4, trên địa bàn phường Cầu Mây, Hàm Rồng; xã Bản Hồ, Tả Van… xảy ra mưa vừa, mưa to. Theo thống kê, mưa lũ đã làm hỏng 67 nhà dân (xã Tả Van 60 nhà, phường Cầu Mây 5 nhà và phường Hàm Rồng 2 nhà); làm hỏng 5 ha ngô, 50kg lúa giống mới gieo. Mưa lũ cũng làm ngập úng cục bộ một số tuyến phố, khiến 3 phương tiện giao thông bị ngập nước. Tổng thiệt hại ban đầu ước gần 150 triệu đồng.
 
Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, dông lốc, mưa đá, chính quyền các địa phương của huyện Mường Khương và thị xã Sa Pa đã chủ động tổ chức hỗ trợ người dân di chuyển đến địa điểm an toàn, khắc phục tạm thời thiệt hại để ổn định cuộc sống và thống kê đánh giá mức độ thiệt hại.
 
3 ngày nghỉ lễ ghi nhận 176.300 người bệnh khám, cấp cứu
 
Chiều 2/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết trên Sức khỏe & Đời sống, tổng hợp tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu từ các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế ngành cho thấy, sau ba ngày nghỉ lễ (từ 7 giờ ngày 29/4 đến 7 giờ ngày 2/5), tổng số có 4.574 trường hợp khám, kiểm tra do tai nạn giao thông, trong đó số trường hợp thăm khám từ 7h ngày 1/5- 7h ngày 2/5 là 1.541 trường hợp.
 
Số người bệnh tai nạn giao thông chuyển viện là 1.145 người bệnh. Số người bệnh tai nạn giao thông ra viện là 1.886 trường hợp. 
 
Số người bệnh tử vong do tai nạn giao thông bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh, tiên lượng tử vong xin về là 56 người bệnh. Trong đó, tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh là 14 người bệnh, tử vong trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh là 30 người bệnh, tiên lượng tử vong xin về là 12 người bệnh.
 
Cũng theo báo cáo này, tổng số người bệnh đang điều trị tại thời điểm báo cáo 7 giờ sáng ngày 2/5 là 191.601 người bệnh.
 
Tổng hợp sau 3 ngày nghỉ lễ, tổng số người bệnh khám, cấp cứu là 176.300 người bệnh. Số người bệnh nhập viện điều trị nội trú là 71.506 người bệnh. Số người bệnh ra viện là 54.938 người bệnh. Số người bệnh chuyển viện là 6.254 người bệnh. 
 
Số người bệnh tử vong bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh, và tiên lượng tử vong xin về là 1.026 người bệnh.
 
Về tình hình bệnh nhân COVID-19, theo thông tin của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, tổng số người bệnh COVID-19 đang điều trị tại thời điểm báo cáo 7 giờ sáng ngày 2/5 là 4.004 người bệnh.
 
Tổng hợp sau 3 ngày nghỉ lễ tổng số người bệnh khám COVID-19 là 3.295 người bệnh. Số người bệnh COVID-19 nhập viện điều trị nội trú là 1.785 người bệnh. Số người bệnh COVID-19 ra viện là 1.148 người bệnh. Số người bệnh COVID-19 chuyển viện là 122 người bệnh. Số người bệnh COVID-19 tử vong là 11 người bệnh.
 

3 ngày nghỉ lễ ghi nhận 176.300 người bệnh khám, cấp cứu. (Ảnh minh họa)

 
Trước đó, để tăng cường công tác khám chữa bệnh dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4-1/5, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã ban hành văn công văn số 448/KCB-QLCL&CĐT đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức thường trực 24/24 giờ; có phương án bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị để thường trực cấp cứu chung và cấp cứu do tai nạn giao thông, thu dung điều trị COVID-19; 
 
Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.
 
Cùng đó, các đơn vị phân công thường trực cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng và khẩn trương ứng phó trong trường hợp cấp cứu tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông nghiêm trọng, thảm họa liên quan các sự kiện tập trung đông người (nếu có) tại địa phương.
 
Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật