Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thời sự mới nóng nhất 26/7: 10 cơ quan cùng cam kết giảm 20% tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước

  • Việt Hương
(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 26/7/2022. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 26/7/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

10 cơ quan cùng cam kết giảm 20% tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước

Ngày 25/7, tại Hà Nội, 10 bộ, ngành và cơ quan gồm: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải; Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam đã cùng ký kết kế hoạch liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030.
 
Kế hoạch liên ngành được ký kết nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp cụ thể trong triển khai các giải pháp, mô hình phòng chống đuối nước trẻ em, hướng tới mục tiêu giảm 20% tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước vào năm 2030. Lễ ký kết là hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước 25/7 năm nay với chủ đề “Hãy hành động để phòng chống đuối nước.”
 
Tại Việt Nam, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tình hình đuối nước trẻ em đã giảm trong những năm vừa qua, mỗi năm giảm từ 3-5%, tương đương với trung bình mỗi năm giảm 100 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tuy nhiên mỗi năm, vẫn còn gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Do đó, phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.
 
Ngay từ đầu mùa hè năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện đôn đốc, chỉ đạo các bộ ngành, chính quyền địa phương tích cực hành động, triển khai các giải pháp cụ thể để giảm thiểu đuối nước cho trẻ em.
 
TTXVN thông tin, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết mục tiêu cụ thể của kế hoạch liên ngành tập trung vào 5 chỉ tiêu và chỉ số sau: Giảm số trẻ em bị tử vong do đuối nước; tăng số cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và giám sát của trẻ em; tăng số trẻ em từ 6-16 tuổi được tiếp cận các dịch vụ và được biết các kỹ năng kiến thức phòng tránh đuối nước và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; mở rộng và có thêm nhiều môi trường an toàn tại gia đình tại trường học tại cộng đồng để phòng chống đuối nước trẻ em; tăng các cơ sở các thiết chế tổ chức dạy bơi, vui chơi, giải trí dưới nước thực hiện các quy định để bảo đảm an toàn cho trẻ em.
 

10 bộ ngành, cơ quan cùng ký kết kế hoạch liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030. (Ảnh: Vietnam+)

 
Tại lễ ký kết, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế đánh giá cao nỗ lực hợp tác liên ngành về phòng chống đuối nước cho trẻ em ở Việt Nam dưới sự điều phối của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
 
Trong 3 năm qua, Quỹ Bloomberg đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện Dự án phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam. Dự án đã lựa chọn can thiệp tại 12 tỉnh, thành có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao trên cả nước và ưu tiên các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, có nhiều người dân tộc thiểu số. Dự án đã dạy bơi an toàn cho trên 14.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi đã được dạy bơi an toàn, gần 33.000 trẻ em dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Dự án hỗ trợ lắp đặt mới 14 bể bơi và huy động hơn 55 bể bơi địa phương để tổ chức dạy bơi an toàn cho trẻ em.
 
Hơn 170 người chết do sét đánh từ năm 2017 đến nay
 
Ngày 25/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã đưa ra thống kê số người tử vong do sét đánh, từ năm 2017 đến nay, với tổng số 175 trường hợp tử vong.
 
Tính theo năm, số người tử vong do sét đánh có chiều hướng gia tăng. Năm 2017 có 16 trường hợp thì năm 2018 là 25 người, năm 2019 có 26 người, và 2020 và 2021, mỗi năm có 32 người tử vong do sét đánh.
 
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2022, số trường hợp tử vong do "trời đánh" đã lên tới 44, rải đều từ Bắc vào Nam, trong đó khu vực miền núi phía Bắc ghi nhận 10 trường hợp, đồng bằng Bắc bộ 12, miền Trung 9, Tây Nguyên 3 và Nam bộ 10 trường hợp.
 
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, dự báo viên Phòng Dự báo Số trị Viễn thám -Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, Việt Nam nằm ở khu vực tâm giông của châu Á, đây cũng là một trong ba tâm giông lớn nhất thế giới.
 
Mỗi năm, trung bình Việt Nam có 2 triệu cú sét đánh xuống, tập trung vào tháng 4, 5, qua mùa hè đến giai đoạn chuyển tiếp mùa hè sang mùa thu.
 
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, miền Bắc mưa nhiều hơn mọi năm. Mưa xuất phát từ các đám mây, và các đám mây gây mưa mùa hè hầu hết là mây đối lưu, ngoài khả năng gây ra mưa rào còn có khả năng gây ra giông, sét, tố lốc.
 
Ngoài nguyên nhân về tự nhiên, người dân còn tâm lý chủ quan, không chủ động các biện pháp phòng tránh giông sét, dẫn đến thiệt hại về người và tài sản.
 

 
Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, khuyến cáo người dân khi có giông sét không nên đứng dưới gốc cây, ống khói, đụn rơm, anten truyền hình, gần các vật kim loại, không chạm tay vào các vật ẩm ướt, vật dẫn điện.
 
Ngoài ra, người dân cũng không nên đi dọc các bờ sông, bờ suối, không trú mưa ở những công trình, nhà cửa trơ trọi giữa cánh đồng. Người dân cần bỏ ra các vật dụng mang bên mình như cuốc xẻng, cần câu, gậy.
 
Đặc biệt, người dân không sử dụng điện thoại khi có giông sét xảy ra. Không dùng dây thép phơi quần áo buộc vào cột thu lôi, cây cao. Khi có giông sét, tháo bỏ dây anten ra khỏi ti vi, radio, không để quần áo bị ướt.
 
Bắt đầu thu phí tự động cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây
 
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, giai đoạn đầu, sẽ có 25 làn thu phí tự động tại 3 trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây chính thức đưa vào vận hành.
 
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là tuyến cửa ngõ trọng điểm của TP.HCM kết nối với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Hiện tuyến cao tốc này phục vụ bình quân khoảng 50.000 lượng xe/ngày đêm.
 
Tuyến cao tốc này từng được lắp đặt và vận hành hệ thống thu phí từ nguồn tài trợ từ vốn ODA Nhật Bản, theo VEC, sau khi lắp đặt hệ thống mới, toàn bộ hạ tầng thu phí cũ vẫn được khai thác kết nối với hệ thống mới.
 

Từ 26/7, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây chính thức vận hành thu phí tự động. (Ảnh: Tiền phong)

 
Trước đó, từ ngày 21/7, VEC cũng đưa vào triển khai thu phí tự động toàn bộ trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình. Dự kiến, ngày 28/7 tới, VEC sẽ tiếp tục vận hành thu phí tự động trên tuyến Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đảm bảo tất cả các tuyến cao tốc của VEC quản lý khai thác đều thu phí tự động trước ngày 30/7, theo hạn Chính phủ giao, và không phải dừng thu phí vì thiếu thu phí tự động. Qua đó cũng đảm bảo từ ngày 1/8, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc chỉ phục vụ phương tiện trả phí tự động.
 
 Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật