Không tăng học phí năm học 2022-2023
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Nghị quyết 165 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở GD&ĐT công lập năm học 2022-2023.
Để tiếp tục hỗ trợ học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở GD&ĐT thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022.
Đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do HĐND tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương. Trường hợp địa phương tăng học phí năm học 2022-2023 thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021-2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.
Cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình UBND để đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét phê duyệt.
Chính phủ khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục.
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1 trong 1 giờ học. (Ảnh: PLO)
Đối với học phí của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định số 81/2021 ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021-2022 đã quy định tại Nghị định số 81/2021 của Chính phủ.
Chính phủ khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022-2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch bệnh COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Chính phủ ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Dịp cao điểm, Tân Sơn Nhất cần 30-40 taxi phục vụ khách mỗi phút
Dịp cao điểm, sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến phục vụ 120.000-130.000 khách mỗi ngày, tương đương 3.000-4.000 lượt khách mỗi giờ. Nhu cầu taxi phục vụ người dân mỗi phút là 30-40 xe.
Ông Nguyễn Công Hoàn, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết trên Tri thức trực tuyến, với yêu cầu trên, sân bay rất cần có bãi đệm điều tiết taxi, xe buýt để quay vòng cho hai nhà ga.
Tại cuộc họp với Sở GTVT TP.HCM về kế hoạch phục vụ vận tải hành khách dịp Tết vào chiều 20/12, lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất cho biết dự án bãi đệm xe rộng 3.500 m2 ở góc đường Bạch Đằng - Trường Sơn - Hồng Hà, giáp ga quốc tế đã được Cảng hàng không kiến nghị UBND TP.HCM trước đó, tuy nhiên thủ tục đất đai còn nhiều vướng mắc nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
Lãnh đạo cảng hàng không cũng nhấn mạnh với nhu cầu đi lớn tại sân bay, việc chưa có bãi đệm khiến quá trình quay vòng taxi gặp khó khăn, dẫn đến thiếu taxi phục vụ khách hạ cánh.
Đồng quan điểm, đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam đề xuất Sở GTVT TP.HCM rà soát, bố trí thêm xe buýt hoạt động sau 20h đến 4h sáng, do nhu cầu hành khách vào khung giờ tối đến đêm đặc biệt tăng. Tuy nhiên hiện nay, Cảng vụ ghi nhận việc bắt xe vào khoảng giờ này của hành khách đến Tân Sơn Nhất gặp nhiều khó khăn do khan hiếm taxi, giá thành cao.
Tình trạng chen lấn đón taxi thường diễn ra tại Tân Sơn Nhất vào dịp cao điểm lễ, Tết. (Ảnh: Zing)
Phản hồi vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm nhìn nhận nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết rất lớn. Sở GTVT đề nghị các đơn vị phối hợp Cảng hàng không đảm bảo các kịch bản cụ thể điều tiết xe ra vào sân bay, tránh ách tắc.
Riêng với đề xuất khẩn trương bố trí bãi đệm tại sân bay, ông Lâm cho biết hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì tham mưu ý kiến UBND TP.HCM.
Ông Lâm cho dự kiến trong tuần sau, Sở GTVT mời Sở Tài Nguyên và Môi trường, Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các đơn vị liên quan khảo sát lại khu đất để đánh giá lại; từ đó có thể đề xuất bố trí tạm để phục vụ nhu cầu điều tiết xe trong dịp Tết.
Thi thể vô danh trôi dạt vào cảng biển ở Hà Tĩnh
Cơ quan CSĐT Công an thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết trên VTC News, đơn vị vừa nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân về việc phát hiện một thi thể nữ giới đang trong giai đoạn phân huỷ. Hiện vẫn chưa xác định được lai lịch của nạn nhân.
Cụ thể, hồi 7h30 ngày 19/12, tại khu vực bờ biển Cảng Hoành Sơn (thuộc địa phận thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh), người dân địa phương phát hiện một thi thể nữ giới đang trong quá trình phân huỷ với tư thế nằm sấp, trên người không có giấy tờ tuỳ thân.
Nạn nhân có độ tuổi từ 45 đến 55, mặc quần dài màu đen, có sọc đỏ ở hai bên, trên nền sọc đỏ có dòng chữ “COMELOW TOME” màu trắng.
Hiện, Công an thị xã Kỳ Anh đã thông báo đến Cục C02 - Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công an các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Công an các xã, phường, Đồn thuộc thị xã Kỳ Anh để phối hợp truy tìm tung tích nạn nhân.
Việt Hương (T/h)