Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM thông tin trên Pháp luật TP.HCM, việc tổ chức bữa ăn bán trú xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh học sinh và không phải là chức năng chính của trường học. Chính vì vậy, kinh phí tổ chức thực hiện theo hình thức thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, đảm bảo nguyên tắc thu hộ chi hộ, tức thu bao nhiêu chi hết bấy nhiêu.
Các trường phải đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh đúng với mức đã thu theo thỏa thuận.
Sở GD&ĐT yêu cầu các trường tham khảo bộ thực đơn chuẩn và các quy định liên quan để đảm bảo dinh dưỡng học đường theo độ tuổi và chất lượng dinh dưỡng theo quy định của cơ quan chuyên môn.
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6. (Ảnh: PLO)
Với những cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú theo hình thức suất ăn công nghiệp, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất về ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn có giấy phép của các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh lựa chọn và giám sát đơn vị cung cấp suất ăn đảm bảo về an toàn thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng cho học sinh.
Ông Dũng cũng lưu ý về thu chi trong tổ chức bữa ăn bán trú. Ngoài các cơ quan chức năng, phòng GD&ĐT các quận, huyện, Sở GD&ĐT sẽ có các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để xử lý nghiêm những cơ sở giáo dục thực hiện sai quy định. Theo quy định, mức thu bán trú phải sử dụng phục vụ cho học sinh và nghiêm cấm các trường nhận tiền hoa hồng từ việc tổ chức bữa ăn bán trú dưới mọi hình thức.
Cháy lớn suốt 5 giờ tại công ty trong khu công nghiệp ở Long An
Theo VietnamNet, đến 13h chiều 10/12, lực lượng chức năng tỉnh Long An mới cơ bản khống chế vụ cháy lớn nhiều giờ liền tại công ty bên trong khu công nghiệp Hải Sơn, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa. Hiện nguyên nhân hỏa hoạn và thiệt hại đang được làm rõ.
Trước đó, vào 8h sáng cùng ngày, lửa, khói bùng lên dữ dội bên trong công ty nằm trên đường số 6 khu công nghiệp Hải Sơn. Thời điểm này, công nhân và bảo vệ phát hiện cháy đã hô hoán nhau tiếp cận dập lửa nhưng bất thành.
Do công ty này chuyên sản xuất plastic, silicon, composite nên chứa nhiều nguyên vật liệu, thành phẩm bắt lửa nhanh khiến đám cháy bùng phát mạnh và lan rộng.
Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh Long An có mặt để tiếp cận đám cháy. (Ảnh: VNN)
Lực lượng PCCC và CNCH tỉnh Long An đã điều nhiều xe cùng cán bộ chiến sĩ đến hiện trường tiến hành chữa cháy.
Tại hiện trường, lửa đỏ rực kèm cột khói đen bốc cao hàng trăm mét bao trùm nhà xưởng công ty rộng hàng nghìn mét vuông, có nguy cơ lan sang các khu vực xung quanh.
Các tuyến đường xung quanh vụ cháy hiện đang được lực lượng chức năng phong tỏa. Xe cứu hỏa liên tục tiếp nước.
Thừa Thiên Huế dành 45,5 tỷ đồng thu hút bác sĩ
Theo VOV, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua Nghị quyết Quy định chính sách thu hút bác sĩ cho ngành y tế địa phương giai đoạn 2023-2025 với kinh phí 45,5 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết này, tỉnh Thừa Thiên Huế thu hút nhân lực là bác sĩ đa khoa, chuyên khoa I, chuyên khoa II, nội trú, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Phó Giáo sư - Bác sĩ có nguyện vọng về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật. (Ảnh: VOV)
Người được thu hút phải còn thời gian công tác tối thiểu 10 năm đối với các trường hợp từ nơi khác về và tối thiểu 15 năm đối với các trường hợp được tuyển dụng mới.
Những người này sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần/năm trong vòng 5 năm. Mức trợ cấp đối với người có học hàm Giáo sư là 300 triệu đồng/năm; Phó Giáo sư là 200 triệu đồng/năm; Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II là 100 triệu đồng mỗi năm; Thạc sĩ - bác sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I được trợ cấp 60 triệu đồng/năm…
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay, hệ thống y tế cơ sở của tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạt 66,7 bác sĩ trên 1 vạn dân, đang thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Thu hút bác sĩ là một trong những biện pháp để nâng cao tỷ lệ bác sĩ ở hệ thống y tế cơ sở.
Việt Hương (T/h)