Chim cú cá quý hiếm xuất hiện ở rừng Cà Mau
Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, cho biết trên VnExpress, đàn cú cá (còn gọi là chim dù dì hung) với ít nhất 4 con, gồm chim bố, mẹ và hai chim con, xuất hiện tại đây vài ngày qua, sau nhiều năm vắng bóng.
Chim cú cá nguồn gốc từ vùng Tây Á, con trưởng thành cao khoảng 60 cm, được liệt vào danh sách bị đo dọa. Chim mái thường chỉ đẻ 1-2 trứng mỗi lần. 10 năm trước chúng từng được ghi nhận ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, nhưng từ đó đến nay không còn được nhìn thấy.
Theo ông Dũng, trong 4 con chim cú cá được phát hiện, ông nhận ra một con mình từng nhặt được khi đi kiểm tra rừng và đem về chăm sóc gần một năm trước. Quá trình nuôi dưỡng nó tại khu hành chính cơ quan, chim bố và mẹ hàng đêm vẫn đem mồi đến cho chim con ăn. Sau khoảng 3 tuần, chim con biết bay, ông đã thả nó về rừng cùng bố mẹ.
Ông Lê Văn Dũng cho chim cú cá ăn khi nó quay trở lại. (Ảnh: VNE)
Gần đây, con chim cú cá này trở lại cùng ba con khác gần khu nhà hành chính của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, nơi từng được nuôi dưỡng. "Nó đáp xuống kêu réo và đợi tôi lấy cá cho ăn", ông Dũng nói và cho biết loài chim này rất thông minh, luôn sống gắn liền với nơi sinh ra và chỉ khi nào rừng bị tàn phá mới bỏ đi. Chim con trưởng thành, sinh sản sau khoảng một năm tuổi.
Hai nữ sinh ăn nhầm lá ngón, một em tử vong
Trao đổi với VietNamNet chiều 9/12, ông Trần Văn Chiến, hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Nà Khoang (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La), cho biết đây là học sinh lớp 8A và 8B của trường.
Theo ông Chiến, sáng 7/12, hai nữ sinh này vẫn học bình thường, sau bữa cơm trưa đến thời gian tự quản chiều, em D. (lớp 8A) và em Đ. (lớp 8B) tự lên khu đồi ở đằng sau trường chơi, vặt lá ăn.
"Khoảng 15h, hai em được phát hiện ăn nhầm lá ngón và vẫn tỉnh táo, nhà trường đưa hai nữ sinh đến cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp. Sau đó, tình trạng của em D. (lớp 8A) nặng lên, sắc mặt tái nhợt dần. Đến khoảng 20h, dù đã được các y, bác sĩ nỗ lực cấp cứu, em đã không qua khỏi" - ông Chiến cho hay.
Hình minh họa.
Chiều 8/12, hiệu trưởng và 4 giáo viên của nhà trường đã đến thăm hỏi, động viên gia đình nữ sinh này.
Đối với trường hợp học sinh Đ., giáo viên chủ nhiệm cho biết sau khi ăn lá ngón, em không có biểu hiện ngộ độc. Hiện sức khỏe của Đ. bình thường, sắp được xuất viện.
Hơn 100 doanh nghiệp ở Bắc Ninh bị xử phạt vi phạm về PCCC
Theo Tiền phong, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa xử phạt 105 doanh nghiệp và 4 cá nhân vì không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về PCCC; đưa hạng mục công trình, công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Các trường hợp này vi phạm không mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định; không tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo quy định; không kiểm tra định kỳ hệ thống chống sét theo quy định; không gửi báo cáo kết quả kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định…Tổng số tiền xử phạt gần 10 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy.
Các trường hợp vi phạm buộc thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Nếu quá thời hạn mà không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Việt Hương (T/h)