Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn ở miền Bắc
Thông tin trên Kinh tế & Đô thị, tại miền Bắc, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như: Bệnh viện (BV) Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương hay tại BV Thanh Nhàn... đã ghi nhận các ca sốt xuất huyết diễn biến nặng (sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi...) có dịch tễ trở về từ các tỉnh phía Nam.
Nếu như những năm trước đây, sốt xuất huyết tại khu vực phía Bắc thường xuất hiện vào khoảng tháng 9, tháng 10 thì ngay trong tháng 6 vừa qua, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai đã điều trị hàng chục ca sốt xuất huyết nặng có biến chứng tại các huyện trên địa bàn Hà Nội.
Các bác sĩ cho biết, thời gian gần đây, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai đã tiếp nhận hàng chục ca mắc sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng nặng, có biểu hiện cô đặc máu kèm theo các hiện tượng thoát huyết tương, tràn dịch màng bụng, suy thận, men gan tăng cao. Nguyên nhân là do người bệnh nhầm lẫn với cúm, COVID-19 hoặc các bệnh nhiễm trùng khác nên tự điều trị tại nhà đến khi nặng mới nhập viện.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại BV Thanh Nhàn. (Ảnh: KT&ĐT)
Theo các bác sĩ, hiện nay miền Bắc đang vào giữa hè, thời tiết nắng nóng, kèm mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes egypti sinh sản phát triển, kết hợp với việc người dân đi du lịch, nghỉ hè, nhu cầu đi lại gia tăng.
Trước nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất gồm dịch truyền, thuốc men và tập huấn cho nhân viên y tế toàn bệnh viện chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh SXH, phát hiện các ca sớm, xử trí kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong. Đồng thời, nhân viên y tế và người dân khi thấy một số triệu chứng của SXH như: sốt, đau đầu, buồn nôn, cần đi viện, làm xét nghiệm khẳng định, tránh nhầm lẫn với một số bệnh khác như Covid-19 hay sốt virus, sốt phát ban và các bệnh nhiễm trùng khác...
TT-Huế có trường hợp tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết, số ca mắc tăng gấp 7 lần
Theo Sở Y tế TT-Huế, trong tổng số 269 ca mắc sốt xuất huyết trên toàn địa bàn tính từ đầu năm, có 37 ca ngoại lai. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tại TT-Huế đã tăng 7 lần (269 so với 39 ca của cùng kỳ năm ngoái) và hơn gần 2 lần so với tổng số ca của cả năm 2021 (142 ca).
Đánh giá của cơ quan chức năng, số ca mắc sốt xuất huyết tại TT-Huế có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày ghi nhận từ 7-10 ca trong vòng 10 ngày vừa qua.
Hiện nay, TP Huế là "điểm nóng" về số ca mắc sốt xuất huyết, với ghi nhận 124 trường hợp mắc tính từ đầu năm đến nay, hiện còn theo dõi 46 ca chưa qua 14 ngày.
TP Huế cũng là nơi ghi nhận có 1 ca tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên tính trên địa bàn toàn tỉnh kể từ đầu năm 2022, thuộc địa bàn phường Tây Lộc.
Hình minh họa.
Đáng chú ý, sau nhiều năm được khống chế, sốt xuất huyết tái xuất hiện và có chiều hướng gia tăng, lây lan diện rộng tại huyện miền núi Nam Đông.
Trong hơn 1 tháng lại đây, huyện Nam Đông ghi nhận 18 ca mắc, nâng tổng số trường hợp mắc sốt xuất huyết tại địa phương này tính từ đầu năm đến nay lên 23 ca, tăng 22 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Đến nay, tình hình dịch tại miền núi Nam Đông cơ bản đã được khống chế. Hầu hết các trường hợp mắc sốt xuất huyết tại Nam Đông đã được điều trị khỏi bệnh, còn 2 trường hợp tại xã Thượng Nhật được theo dõi chặt chẽ.
Ồ ạt đi tiêm vắc-xin chống biến thể mới
Sau thông tin có người nhiễm biến thể mới của Omicron, tỉ lệ người dân đăng ký tiêm vắc-xin ở TP.HCM gấp gần 10 lần so với gần một tháng trước.
Tính đến hết ngày 6/7, thành phố đã tiêm tổng cộng hơn 21,7 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19. Trong đó, mũi nhắc lần 1 là trên 4,4 triệu liều, mũi nhắc lần 2 là 567.013 liều.
Riêng trong ngày 6/7, toàn thành phố đã tiêm được 76.580 liều. Đặc biệt, số lượt người dân đến tiêm mũi nhắc lần 2 là 55.356 người, tăng gấp 3,8 lần so với ngày trước đó.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, nhận định thời gian qua, dù mỗi ngày chỉ ghi nhận dưới 1.000 ca mắc Covid-19 mới trên cả nước nhưng có nhiều F0 không thông báo hoặc không biết mình mắc Covid-19 nên việc đếm số ca bệnh hằng ngày chưa phản ánh thực tế. Nhiều nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ khiến người bệnh trở nặng, tử vong. Hiện nay, vắc-xin vẫn có tác dụng phòng bệnh, việc tiêm các mũi nhắc lại là rất cần thiết.
Việt Hương (T/h)