Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang phức tạp
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành văn bản số 2137 yêu cầu các địa phương rà soát, chấn chỉnh tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Theo bộ, trong 3 tháng đầu năm 2023, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, với 5 ổ dịch cúm gia cầm tại 4 tỉnh, 15 ổ dịch lở mồm long móng, 31 ổ dịch viêm da nổi cục tại 5 tỉnh, 81 ổ dịch tả heo châu Phi tại 26 tỉnh, thành phố.
Đáng lo ngại, dịch bệnh tai xanh sau nhiều năm đã được khống chế tốt gần đây đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố (Hà Nội, Lào Cai, Phú Thọ…).
Tiêm phòng phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm. (Ảnh: Đảng Cộng sản VN)
Nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt cần rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin cho gia súc gia cầm...
Chỉ số tia cực tím tại Trung Bộ và Nam Bộ có nguy cơ gây hại rất cao
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 9/4, các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam đều có chỉ số tia cực tím ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao (mức 8-10), các tỉnh, thành phố miền Bắc đều có nguy cơ gây hại trung bình (mức 3).
Cụ thể, từ 10h đến 13h ngày 9/4, chỉ số tia cực tím tại các thành phố ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao gồm: Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), thành phố Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội đều ở mức 3; thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) ở mức 9; thành phố Đà Nẵng và thành phố Hội An (Quảng Nam) cùng ở mức 8; thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và thành phố Cà Mau (Cà Mau) đều ở mức 10.
Dự báo từ ngày 10-12/4, chỉ số tia cực tím cực đại tại khu vực Trung Bộ và Nam Bộ đều có chỉ số tia cực tím ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao; khu vực Bắc Bộ đều có nguy cơ gây hại trung bình, riêng thành phố Hải Phòng ngày 10-11/4 và Thủ đô Hà Nội ngày 11/4 có nguy cơ gây hại cao.
Ảnh minh họa: TTXVN
Thang bảng đo chỉ số tia cực tím quy định, từ 2.5-5.4 là trung bình, từ 5.5-7.4 là cao, từ 7.5-10.4 là rất cao. Ở mức rất cao, tia cực tím có thể gây bỏng da nếu tiếp xúc trực tiếp liên tục trong 25 phút. Chỉ số từ 10.5 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, gây nguy cơ làm tổn thương da, bỏng mắt nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút nếu không được bảo vệ.
Ngày 9/4, chỉ số nóng bức (Heat - Index) tại thành phố Đà Nẵng, thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) ở mức đặc biệt cẩn trọng, người dân có khả năng say nắng, chuột rút hoặc kiệt sức khi tiếp xúc hoặc hoạt động thể chất kéo dài dưới nắng nóng.
Chỉ số nóng bức được xếp theo 5 cấp độ: dưới 27 là an toàn, 27-32 là cẩn trọng, 32-41 là đặc biệt cẩn trọng, 41-54 là mức nguy hiểm, trên 54 là cực kỳ nguy hiểm.
Để phòng tránh các tác hại của tia cực tím và đề phòng sốc nhiệt, người dân khi làm việc ngoài trời nắng cần trang bị đồ dùng chống nắng như: quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính…; luôn bảo đảm đủ nước uống cho cơ thể.
Phí đỗ xe trên đường ở Cần Thơ cao nhất 30.000 đồng/giờ
Thông tin trên Giao thông, ngày 9/4, Sở GTVT TP.Cần Thơ cho biết, đang xây dựng Đề án Thu phí đỗ xe tại một số tuyến đường trung tâm TP và các quận, huyện.
Đây là một trong số các đề án thu phí được UBND TP.Cần Thơ giao các đơn vị chuyên môn dự thảo thực hiện theo Nghị quyết 45 của Quốc hội (về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ).
Đề án này có phạm vi áp dụng ở một số tuyến đường trên địa bàn TP, được UBND TP.Cần Thơ cho phép sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe.
Trong đó, đối tượng chịu phí là tổ chức, cá nhân có nhu cầu đỗ xe dưới lòng đường tại một số tuyến đường có tổ chức thu phí. Cơ quan, đơn vị thu phí là UBND các quận, huyện được phân cấp quản lý các tuyến đường.
Theo dự thảo Đề án, mức thu phí được tính như sau: đối với ô tô 12 chỗ trở xuống, xe tải có tải trọng tải từ 2,5 tấn trở xuống là 15.000 đồng/giờ, áp dụng cho 2 giờ đầu tiên; 2 giờ tiếp theo phí là 20.000 đồng/giờ và từ giờ thứ 5 năm trở đi, mức phí là 25.000 đồng/giờ.
Đối với ô tô trên 12 chỗ và xe tải có tải trọng trên 2,5 tấn, mức thu đỗ xe lần lượt là 20.000 đồng, 25.000 đồng và 30.000 đồng cho 3 khung giờ như đã nêu trên.
Các mức phí trên được Sở GTVT Cần Thơ đưa ra sau khi so sánh mức phí đã được áp dụng tại TP.HCM và Đà Nẵng.
Một phần đường Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều đang được dùng làm bãi đỗ xe. (Ảnh: GT)
Mỗi lần xe vào, ra tại vị trí đỗ xe được tính là một lượt với thời gian tối đa 60 phút; quá thời gian 60 phút sẽ thêm các lượt tiếp theo. Thời gian thu phí là từ 5 - 24h.
Trong thời gian đầu áp dụng, thí điểm tổ chức thu phí đỗ xe tại một số tuyến đường trên địa bàn quận Ninh Kiều với 7 tuyến đường.
Theo đề xuất của UBND quận Ninh Kiều, đó là các tuyến: đại lộ Hòa Bình, đường 30 tháng 4, đường 3 tháng 2, đường Nguyễn Văn Cừ, đường Lý Tự Trọng, đường Trần Văn Khéo và đường Hai Bà Trưng.
Ước tính mức thu phí đỗ xe tại 7 tuyến đường thí điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều trên 2,3 tỷ đồng/năm, 100% sẽ được nộp ngân sách Nhà nước.
Trong đó, dự toán mức chi liên quan đến việc tổ chức thực hiện thu phí đỗ xe gồm: chi sơn, kẻ vẽ vạch giới hạn lòng đường; lắp đặt biển báo; chi tiền công cho người trực tiếp đi thu phí... gần 1,1 tỷ đồng/năm.
Việt Hương (T/h)