Liên tiếp xảy ra động đất tại Điện Biên, Lai Châu, Kon Tum
Ngày 9/2, Viện Vật lý địa cầu ghi nhận 5 trận động đất xảy ra liên tiếp trên khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến hơn 12 giờ trưa.
Kinh tế & Đô thị thông tin, theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), trận động đất đầu tiên trong ngày 9/2 xảy ra lúc 6 giờ 10 phút, có độ lớn 3,3 độ richter. Trận thứ hai vào 11 giờ 3 phút, có độ lớn 3,4 richter.
Trận động đất thứ ba trong ngày 9/2 xảy ra vào 11 giờ 29 phút, có độ lớn 2,8 richter.
Trận thứ tư vào lúc 12 giờ 12 phút, có độ lớn 3,2 richter. Trận gần nhất vào lúc 12 giờ 14 phút, có độ lớn 3 richter. Cả 5 trận đều có độ sâu chấn tiêu khoảng 8km.
Khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) liên tiếp xảy ra động đất những ngày gần đây.
Trước đó, trong ngày 7/2/2023, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cũng ghi nhận 3 trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông, lần lượt vào lúc 16 giờ 31 phút 42 giây, 17 giờ 11 phút 28 giây và 19 giờ 11 phút 24 giây, với độ lớn 3,6, 2,7 và 2,5 richter. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km.
Ngày 5/2/2023, 3 trận động đất cũng được cơ quan chức năng Viện Vật lý địa cầu ghi nhận. Trong đó có 1 trận động đất tại huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên), xảy ra lúc 19 giờ 31 phút, với độ lớn 2,7 richter; độ sâu chấn tiêu khoảng 12km.
Bên cạnh đó là 2 trận động đất tại huyện Kon Plông, xảy ra lúc 00 giờ 20 phút 46 giây và 8 giờ 29 phút 37 giây, với độ lớn 2,7 và 3,1 richter. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8km.
Ngày 4/2/2023 cũng đã xảy ra 2 trận động đất, trong đó có 1 trận động đất tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, xảy ra lúc 10 giờ 25 phút 32 giây, độ lớn 2,6, độ sâu chấn tiêu khoảng 12km; 1 trận động đất tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) xảy ra lúc 16 giờ 10 phút 1 giây, độ lớn 3,0 richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,8km.
Trong ngày 3/2/2023, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), cơ quan chức năng cũng đã ghi nhận 1 trận động đất lúc 22 giờ 44 phút 31 giây; độ lớn 3,0 richter. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km.
Tin mới vụ chìm đò, 1 người chết trên sông Đồng Nai
Theo Giao thông, ngày 9/2, Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) sẽ điều tra vụ tai nạn giữa sà lan và đò ngang làm một người chết trên sông Đồng Nai hôm 5/2.
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng TP.HCM và Đồng Nai đã đưa tài công và các nhân chứng đến hiện trường xảy ra vụ lật đò để đo đạc chính xác vị trí.
Qua các buổi làm việc và dựa trên tọa độ vị trí nơi xảy ra vụ tai nạn hai bên thống nhất hiện trường nằm ở địa phận tỉnh Đồng Nai nên giao vụ việc cho Công an TP.Biên Hòa thụ lý điều tra.
Trước đó vào lúc 8h50 sáng 5/2, đò chở khách ký hiệu ĐN1228 do thuyền trưởng Nguyễn Trường Chinh (28 tuổi), ngụ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa điều khiển, chở theo 12 người hướng từ chùa Châu Đốc 3, thuộc địa bàn cù lao Ba Sang TP.Thủ Đức, đến bến đò Xưa, phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa để trả khách.
Con đò bị lật sau khi được kéo vào bờ. (Ảnh: Giao thông)
Khi thuyền vừa rời bến cách chùa khoảng 200m tại Km 31+600 trên sông Đồng Nai thì xảy ra va chạm với sà lan do thuyền trưởng Trần Thanh Tâm (50 tuổi), ngụ huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ điều khiển, đi từ hạ nguồn lên cảng Đồng Nai giao hàng.
Cú va chạm mạnh khiến thuyền ĐN0288 lật úp xuống sông, toàn bộ người trên thuyền rơi xuống sông. Nạn nhân Nguyễn Thị Hương (32 tuổi), quê tỉnh Thanh Hóa, ngụ phường An Bình, TP. Biên Hòa tử vong do đuối nước.
Kon Tum: Tìm thấy thi thể công nhân mất tích dưới hồ nước thải
Trưa ngày 9/2, UBND huyện Sa Thầy cho biết trên Thanh niên, các đơn vị cứu nạn đã tìm thấy thi thể ông M.V.L (SN 1976), là công nhân Nhà máy tinh bột sắn Sa Bình, mất tích 5 ngày trước.
Theo báo cáo ban đầu của UBND xã Sa Bình, sáng 4/2, ông M.V.L đến nhà máy mì Sa Bình làm việc tại khu nước thải. Đến chiều cùng ngày, gia đình không thấy ông L. về nhà nên đã liên hệ với nhà máy để tìm người thân.
Nhận định ông L. có thể bị rơi xuống bể lọc nước thải của nhà máy, lãnh đạo nhà máy mì Sa Bình đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện công tác tìm kiếm nạn nhân.
Nhận được tin báo, UBND huyện Sa Thầy cũng đã chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức công tác tìm kiếm người bị nạn. Do khu vực hồ chứa chất thải (đất bùn) khá rộng nên việc tìm người bị nạn gặp không ít khó khăn.
Việt Hương (T/h)