Theo Dân trí, liên quan đến vụ rơi cánh quạt của Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 ở Bạc Liêu xảy ra hơn 3 tháng trước, ngày 10/6, một lãnh đạo UBND huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, huyện vừa có báo cáo bước đầu kết quả xử lý khiếu nại của ông Nguyễn Văn Kiên (người nuôi cá) và Nhà máy điện gió Hòa Bình 5.
Ông Kiên là người trước đó đã thống kê thiệt hại cá nuôi, mong muốn xem xét bồi thường hơn 160 tỷ đồng trong vụ rơi cánh quạt này.
Theo lãnh đạo UBND huyện Hòa Bình, ban, ngành huyện đã có buổi làm việc giữa các bên (phía ông Kiên và nhà máy điện gió), trong đó nêu rõ những quyền lợi, nghĩa vụ đôi bên để tự thỏa thuận mức hỗ trợ thiệt hại. Tuy nhiên, qua trao đổi, các bên không đi đến thỏa thuận chung.
Cụ thể, sau khi tính toán lại, thu thập hồ sơ, chứng từ, căn cứ vào số lượng, trọng lượng cá lớn, nhỏ và chi phí đầu tư thực tế tại thời điểm xảy ra sự cố gây thiệt hại, hộ ông Kiên yêu cầu chủ đầu tư Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 hỗ trợ, bồi thường gần 23 tỷ đồng.
Cá trong ao bị chết được người nuôi cho là do ảnh hưởng của sự cố rơi cánh quạt điện gió.
Đại diện Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 không thống nhất bồi thường, hỗ trợ số tiền trên.
Chiều 10/6, trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Kiên cho biết số tiền gần 23 tỷ đồng chỉ là chi phí đầu tư ban đầu, còn những chi phí từ khi xảy ra sự cố đến nay chưa được tính vào.
Theo lãnh đạo UBND huyện Hòa Bình, trước mắt các bên không thống nhất ý kiến với nhau, huyện sẽ hướng dẫn các bên nộp đơn khởi kiện ra tòa để được giải quyết theo quy định pháp luật.
Tin tức trên Công an nhân dân, ngày 10/6, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã đến Bệnh viện Đại học Y dược - Hoàng Anh Gia Lai thăm hỏi, động viên 2 cán bộ Công an bị thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ truy bắt đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy trên địa bàn.
Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã ân cần thăm hỏi, động viên 2 cán bộ Công an bị thương và chúc các đồng chí sớm khỏe mạnh, trở lại công tác. Đồng thời, đề nghị các y bác sĩ bệnh viện tận tình chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất cho các cán bộ Công an đang điều trị.
Về tình hình sức khỏe 2 cán bộ Công an, Bác sĩ Nguyễn Thành Công - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược - Hoàng Anh Gia Lai cho biết, 2 cán bộ Công an bị đâm vết thương chí mạng ở vùng cổ nên phải mổ cấp cứu theo quy trình báo động đỏ. Đến nay, 2 cán bộ Công an sức khỏe đã ổn định, có thể ăn uống được và dự kiến có thể xuất viện trong khoảng 5-7 ngày tới.
Trước đó, khoảng 14h ngày 7/6 tại khu vực thôn 2 (xã Chư Á, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), 2 cán bộ của Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Gia Lai gồm Trung tá Trương Công Cường và Thiếu tá Nguyễn Văn Hưng trong lúc truy bắt Hồ Văn Tình (SN 2002) có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy thì bất ngờ bị đối tượng dùng dao thủ sẵn trong người đâm khiến 2 cán bộ Công an trọng thương. Sau khi gây án, đối tượng Tình bỏ trốn khỏi hiện trường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch (đeo kính) thăm hỏi, động viên 2 cán bộ Công an bị thương. (Ảnh: CAND)
Đến khoảng 17h cùng ngày, lực lượng Công an đã bắt được Hồ Văn Tình khi đối tượng đang lẩn trốn tại khu vực rẫy cà phê của người dân cách hiện trường gây án không xa; đồng thời, thu giữ 2 gói nhỏ nilon bên trong có chứa chất rắn màu trắng (nghi là ma túy).
Được biết, Hồ Văn Tình từng có tiền án về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản và chống người thi hành công vụ.
Theo TTXVN, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, lực lượng Công an huyện Yên Lập đã phát hiện gần 20 tấn chân gà đông lạnh, chân gà rút xương không rõ nguồn gốc xuất xứ và đang xử lý theo quy định.
Theo đó, vào cuối tháng 5, Tổ công tác Công an huyện Yên Lập phối hợp cơ quan liên quan bất ngờ kiểm tra tại cơ sở kinh doanh của bà Hoàng Thị Thanh Nga, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập.
Quá trình kiểm tra, Tổ công tác phát hiện tại cơ sở của bà Nga đang lưu trữ gần 16 tấn chân gà đông lạnh và gần 4 tấn chân gà đã được rút xương cùng vật dụng chế biến thô sơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số chân gà trên và không xuất trình được Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngay sau đó, Công an huyện Yên Lập phối hợp với các lực lượng chức năng niêm phong, thu giữ toàn bộ số chân gà nói trên; đồng thời lấy mẫu gửi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an phân tích, giám định, kết luận làm cơ sở pháp lý để xử lý hành vi kinh doanh “thực phẩm bẩn”, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tiến hành tiêu hủy số chân gà. (Ảnh: CAND)
Chủ cơ sở kinh doanh Hoàng Thị Thanh Nga khai nhận, đã thu mua gần 20 tấn chân gà trên thị trường về chế biến để thu lợi bất chính, ước tính trên 600 triệu đồng. Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công cho thấy, số lượng thực phẩm trên không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.
Ngày 4/6, Công an huyện Yên Lập đã báo cáo Chủ tịch UBND huyện tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ cơ sở lỗi vi phạm: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, với số tiền 125 triệu đồng.
Công an huyện Yên Lập phối hợp các cơ quan liên quan thành lập Hội đồng tiêu hủy và tiến hành tiêu hủy đối với gần 20 tấn chân gà không rõ nguồn gốc trên theo quy định.