Trong lúc đào sắn trong vườn để nuôi dúi, ông Trần Thanh Hải (trú xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã vô tình đào được củ sắn có kích thước "khủng" với trọng lượng nặng 25kg, dài hơn 1m.
Chị Trần Thu Hương (con gái ông Hải) cho biết trên Dân Việt: "Khi thấy bố khiêng củ sắn về, các thành viên trong gia đình ai cũng bất ngờ. Củ sắn nặng 25kg, dài hơn 1m. Nghe tin, bà con trong xóm kéo nhau đến xem. Tôi đã chụp hình bố đang ôm củ sắn này đăng lên mạng, ai cũng trầm trồ nên để lại nhiều bình luận rất vui".
Ông Trần Thanh Hải đào được củ sắn "khổng lồ" nặng 25kg, dài hơn 1m.
Ông Nguyễn Kiên Quyết - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú cũng thông tin: "Củ sắn mà ông Hải đào được là củ to nhất tại địa phương từ trước đến nay. Sắn không phải là cây trồng chủ lực tại địa phương chúng tôi. Loài cây này được một số hộ dân như ông Hải trồng để làm thức ăn cho dúi".
Tính đến ngày 19/9, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 136 trường hợp mắc bệnh sởi ở 14/15 huyện, thị xã, thành phố. Đáng chú ý bệnh tăng nhanh trong vòng 1 tháng qua với hơn 100 ca. Hầu hết các trường hợp mắc sởi là trẻ từ 1- 4 tuổi, và 2/3 số ca bệnh chưa được tiêm vaccine.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk nhận định trên VOV, nguyên nhân khiến bệnh sởi gia tăng nhanh là tình trạng gián đoạn cung ứng vaccine của Chương trình tiêm chủng mở rộng, dẫn đến giảm miễn dịch trong cộng đồng.
“Chúng tôi cho rằng tiêm chủng mở rộng là quan trọng và để làm sao đó tất cả các vùng hiện có ca bệnh thì đề nghị các Trạm y tế, Trung tâm y tế rà soát lại số trẻ chưa được tiêm thì tiến hành tiêm bù, tiêm vét để làm sao nâng tỷ lệ tiêm chủng ở cộng đồng lên. Ngoài ra thì chúng tôi tập trung phân tích dịch tễ các ca bệnh sởi để xác định, tăng cường dự báo nguy cơ để có biện pháp xử lý phù hợp”, bác sĩ Lê Phúc nói.
Chỉ trong 1 tháng, Đắk Lắk ghi nhận hơn 100 trẻ bị bệnh sởi.
Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây suy giảm miễn dịch, khiến trẻ dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác và gặp nhiều biến chứng như: Viêm tai giữa cấp; viêm phổi nặng; viêm não; tiêu chảy; loét giác mạc; suy dinh dưỡng...
Do đó, để chủ động phòng chống bệnh sởi, bên cạnh nỗ lực của ngành y tế, người dân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi đầy đủ và đúng lịch. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh.
Ngày 21/9, lãnh đạo UBND xã Gio Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết trên Dân trí, vào sáng cùng ngày, người dân ở thôn Xuân Ngọc khi đánh bắt thủy sản đã phát hiện một thi thể nổi trên sông Hiếu. Người dân sau đó trình báo cơ quan chức năng.
Lãnh đạo xã Gio Việt cùng lực lượng chức năng đã có mặt kiểm tra hiện trường, trục vớt thi thể nạn nhân và tổ chức khám nghiệm để làm rõ nguyên nhân, xác định nhân thân.
Khu vực phát hiện thi thể người phụ nữ. (Ảnh: Dân trí)
Theo lãnh đạo UBND xã Gio Việt, thi thể được phát hiện là một người phụ nữ khoảng 50 tuổi, đang trong quá trình phân hủy. Trên người nạn nhân mặc áo sơ mi ngắn tay màu đen sọc đỏ, quần dài và đeo găng tay chống nắng.