Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tìm hưng phấn tạm thời từ “bóng cười”, giới trẻ đang giết tương lai

(DS&PL) -

Thời gian gần đây, giới trẻ chuộng thú chơi “bóng cười” để giảm stress, tạo hưng phấn bằng những tiếng cười sảng khoái.

Thời gian gần đây, giới trẻ chuộng thú chơi “bóng cười” để giảm stress, tạo hưng phấn bằng những tiếng cười sảng khoái. Tuy nhiên, để đánh đổi những tiếng cười này, đằng sau đó lại là hậu quả khôn lường.

Không đi lại được sau 6 tháng hút “bóng cười”

Thông tin từ bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhân T.T.M. (20 tuổi, địa chỉ An Dương) trong tình trạng tê bì, yếu hai chân không thể đi lại. Được biết, M. đã hút “bóng cười” kéo dài trong vòng 6 tháng, mỗi tháng hút 4-5 lần.

“Bóng cười” là chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng gây tăng liều.

Trao đổi với báo chí, TS.BS Nguyễn Duy Mạnh - Chuyên khoa Thần kinh, bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã chỉ định người bệnh làm các xét nghiệm máu cơ bản, định lượng vitamin B12 và làm điện cơ. Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy nồng độ vitamin B12 giảm, điện cơ thấy tổn thương mất Myelin và tổn thương sợi trục chi dưới, hồng cầu giảm. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm đa dây thần kinh sau sử dụng “bóng cười”. Hiện, sau khi điều trị tại khoa Thần kinh, các triệu chứng của bệnh nhân đã được cải thiện, đỡ tê bì 2 chân và tự đứng lên được.

Theo các bác sĩ, trường hợp bệnh nhân này đã rất may mắn các tổn thương do “bóng cười” gây ra chưa ở mức nghiêm trọng và có thể hồi phục. Tuy nhiên, đây cũng là một trong nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị tại khoa Thần kinh do hút “bóng cười” trong thời gian gần đây.

Theo bác sĩ Mạnh, Dinito monoxid (N20) hay còn gọi là khí cười, được bơm vào những quả bóng bay mà giới trẻ gọi với cái tên bóng cười. Khí cười thường được sử dụng trong y học như là một loại thuốc gây mê, an thần, giảm đau, tuy nhiên liều lượng và cách thức sử dụng phải theo chỉ định. Người sử dụng “bóng cười” ban đầu sẽ cảm thấy hưng phấn tạm thời, cảm giác lâng lâng, gây tiếng cười sảng khoái nhưng sau sẽ nhanh chóng ức chế thần kinh.

Người bệnh nhập viện chủ yếu là giới trẻ, chỉ ở độ tuổi hai mươi, theo hai dạng một là ngộ độc cấp tính do dùng quá liều, hai là dùng nhiều lần gây tổn thương thần kinh não, tủy sống, trầm cảm, tê yếu cơ, thiếu máu... Nếu người sử dụng lệ thuộc “bóng cười” khiến mất khả năng lao động và học tập.

Hậu quả khôn lường từ thú chơi “bóng cười” của giới trẻ

Theo tìm hiểu của PV, trường hợp cô gái 20 tuổi ở Hải Phòng nói trên không phải là hi hữu. Gần đây, một bộ phận giới trẻ tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM... rộ lên thú chơi “bóng cười” tại các câu lạc bộ, quán bar, karaoke.

Cũng theo tìm hiểu của PV, “bóng cười” du nhập vào Việt Nam từ năm 2010 nhưng nó chỉ thực sự trở thành cơn sốt của giới trẻ trong một vài năm gần đây. “Bóng cười” không chỉ được bán và sử dụng rộng rãi ở các quán bar mà nhiều quán karaoke cũng đã bắt đầu xuất hiện kinh doanh mặt hàng này. Số tiền phải bỏ ra để mua 1 quả “bóng cười” chỉ từ 20 nghìn đến 50 nghìn đồng. Chính vì giá cả phải chăng nên rất nhiều bạn trẻ dù không phải là dân chơi cũng có thể mua và sử dụng trong khoảng thời gian dài.

Liên quan đến trào lưu hút “bóng cười” của giới trẻ, trao đổi với PV ĐS&PL, TS. Trần Hồng Côn (ĐH Khoa học Tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, “bóng cười” là những trái bóng được bơm khí N2O. Sở dĩ gọi N2O là khí cười bởi có giả thuyết cho rằng, nó tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười. Hiện nay, khí cười thường được sử dụng trong nha khoa như một chất gây tê, giảm đau yếu. Sử dụng khí cười với tần suất lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, nhất là hệ thần kinh. Nếu hít nhiều sẽ gây ra nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể, thậm chí tạo cảm giác hưng phấn ảo, rất giống với cảm giác phê ma túy, sử dụng nhiều có thể sẽ gây nghiện. Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp, khí gây cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác.

TS. Trần Hồng Côn chia sẻ thêm, sau khi hít khí này, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng. Chất này có thể dùng gây tê trong y tế nhưng khi dùng phải thêm ô-xy vì khí N2O thiếu ô xy. Bóng cười là chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng gây tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin.

Việc hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy... Nếu những người mắc bệnh về tim mạch hay hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp mà hít phải N2O lâu sẽ rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn tới ngừng thở.

Tiến sĩ Côn khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần tăng cường công tác quản lý giáo dục con em tránh xa các chất gây nghiện này. Bác sĩ cũng nhấn mạnh, bản thân các em trong lứa tuổi vị thành niên, nhất là học sinh, sinh viên nên tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về tác hại khôn lường của “bóng cười” để nâng cao ý thức phòng ngừa, không để bị lôi kéo.

N.Giang

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (14)

Tin nổi bật