Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tiết lộ về cuộc đời cựu đặc công 20 năm tìm hài cốt đồng đội

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Rất nhiều phần mộ liệt sỹ được ông và người con trai tìm thấy, cất bốc và đưa về an táng tại nghĩa trang, là minh chứng cụ thể nhất cho việc làm mang nặng nghĩa

(ĐSPL) - Rất nhiều phần mộ liệt sỹ được ông và người con trai tìm thấy, cất bốc và đưa về an táng tại nghĩa trang, là minh chứng cụ thể nhất cho việc làm mang nặng nghĩa tình đối với những người đã khuất.

Hai cha con cùng một tấm lòng nhân

Gần 20 năm qua, khắp các vùng rừng núi Quảng Nam, Huế,... nơi đâu cũng in dấu bước chân của ông Lê Thanh Yêm (SN 1930, trú tại xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cùng với con trai là anh Lê Mạnh Hùng. Những địa danh chiến đấu trên các vùng miền gắn liền với những cuộc hành trình đầy gian khổ, phải băng rừng, lội suối hàng tháng trời trong rừng. Nhưng cũng chính nơi đây, hai cha con ông đã phát hiện hàng ngàn ngôi mộ liệt sỹ, mang niềm vui đến cho nhiều gia đình đang mòn mỏi chờ đợi ngày được đón người thân về với quê hương.

Ông Lê Thanh Yêm trò chuyện cùng PV.

Là người con sinh ra trong một gia đình đông con, lớn lên, chứng kiến cảnh đất nước lầm than. Chàng trai Lê Thanh Yêm hăng hái xung phong lên đường tòng quân cứu nước. Lên 15 tuổi, ông tham gia du kích và làm liên lạc tại xã Bình Triệu (xã Bình Phục bây giờ). Được một thời gian, từ một chàng trai trẻ, hoạt động gan lì với tinh thần thép, ông bắt đầu gia nhập vào vệ quốc quân của Đại đội trinh sát 232 (Trung đoàn 108, Liên khu 5). Ở đây ông bắt đầu làm nhiệm vụ trinh sát, nắm tình hình địch ở các chiến trường từ Quảng Nam đến Phú Yên. Tại Quảng Nam, ông Yêm đã tham gia đánh đồn Bà Rén, Cầu Chìm, Non Tượt... từng chứng kiến nhiều cái chết của chiến sỹ, đồng đội.

Từ cuộc chiến trở về sau hòa bình, ông thấu hiểu những mất mát, hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng đất nước và cả những nỗi đau đớn đang từng ngày giằng xé tâm can của người thân các liệt sỹ này. Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc ông lên đường, không quản ngại nắng mưa. Mỗi hài cốt tìm thấy là một niềm vui to lớn đối với mỗi gia đình. Hòa bình lập lại, đất nước cũng có những hoạt động để tri ân những con người có công với cách mạng. Ông Yêm cùng con trai của mình đã lên kế hoạch để thực hiện những chuyến hành trình tìm mộ liệt sỹ.

Lần theo những thông tin do thân nhân của các liệt sỹ cung cấp, ông Yêm cùng người con trai cả là anh Lê Mạnh Hùng, lật lại những bản đồ quân sự cũ để xác định thật kỹ các vị trí, đánh dấu vào đó và chờ ngày lên đường. Tất cả các dữ liệu liên quan đều được ông Yêm ghi chép lại một cách chi tiết, tỉ mỉ. Ông Yêm cho biết: “Chiến tranh đã đi qua lâu nên hiện trạng địa lý cũng thay đổi rất nhiều. Ban đầu, chúng tôi xem thông tin trong giấy báo tử như: Tên tuổi, quê quán, đơn vị tham gia chiến đấu, năm hy sinh, địa điểm hy sinh... Chúng tôi nắm rất kỹ những thông tin về các đơn vị mỗi liệt sỹ từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam, Huế, hay đi vào đến các tỉnh phía trong, Quảng Ngãi, Phú Yên”.

Ông Yêm cho biết thêm: “Căn cứ vào đó để xác định rõ liệt sỹ đó có hy sinh tại đây hay không. Sau đó, chúng tôi nghiên cứu tiếp những hồi tưởng của đồng đội các liệt sỹ, rà soát lại địa điểm tham gia chiến đấu ở khu vực nào, chôn cất ở đâu rồi vẽ sơ lược bản đồ ra giấy. Tiếp theo, chúng tôi cùng họ vào thực địa để bắt đầu cuộc tìm kiếm, nếu phát hiện thấy mộ liệt sỹ, mới báo cho lực lượng quân sự địa phương để cùng tham gia cất bốc". Theo ông Yêm, việc để cho đồng đội tự hồi tưởng lại quá khứ là một việc làm cần thiết giúp xác định phần mộ liệt sỹ. Theo đó, việc làm này sẽ đem lại độ chính xác cao hơn sau khi tra thêm bản đồ.

Hoạt động thầm lặng của ông Yêm và con trai đã diễn ra hàng chục năm qua. Theo con số thống kê thì cách đây 3, 4 năm ông và con trai đã tìm kiếm và cất bốc được hàng trăm ngôi mộ. Trong số đó, có hơn nửa hài cốt được ông và lực lượng quân sự địa phương đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn các huyện trong tỉnh Quảng Nam, còn lại là hài cốt được người thân đưa về quê an táng.

Tôi giữ được tính mạng cũng nhờ đồng đội nên tôi còn sống, còn đi tìm mộ

Ông Yêm cũng không nhớ rõ mình đã đi qua nhiêu cánh rừng để tìm và bốc hài cốt liệt sỹ. Chỉ biết rằng, tất cả những địa danh trên mảnh đất Quảng Nam ông đã thuộc nằm lòng. Hàng ngàn người đã gọi điện, gửi hồ sơ đến nhờ ông đi tìm mộ. Đối với cá nhân ông, việc người thân tin cậy và đến nhờ ông tìm mộ đã thôi thúc ông lên đường. Dẫu không phải chuyến đi nào cũng thành công, nhưng niềm tin, hy vọng đã giúp ông cùng con trai vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Ông luôn xem các liệt sỹ là đồng đội của mình là những người thân để dốc sức thực hiện cho bằng được. Hiểu được việc làm ý nghĩa của ông Yêm, rất nhiều cựu chiến binh là sỹ quan của các đơn vị từng chiến đấu tại Quảng Nam cũng đã hỗ trợ những thông tin cần thiết, để ông và con trai làm căn cứ đi tìm mộ.

Ông Yêm nhớ nhất là liệt sỹ Trần Đình Kiên (quê ở Thừa Thiên - Huế). Ông và liệt sỹ Trần Đình Kiên cùng tham gia ở đội đặc công Thành đội Huế. Năm 1968, trong một trận đánh lớn, người bạn chiến đấu Trần Đình Kiên hy sinh. Chiến tranh khói lửa, không ai biết phần mộ liệt sỹ Trần Đình Kiên ở nơi nào. Đến khi hòa bình lập lại, vợ của liệt sỹ Kiên mới tìm đến ông Yêm nhờ tìm giúp phần mộ. Ròng rã ba tháng trời, ông Lê Thanh Yêm cùng với người nhà của liệt sỹ Kiên đi khắp các nghĩa trang của tỉnh Thừa Thiên - Huế tưởng chừng như vô vọng. Cuối cùng, ông lặn lội đến tận núi Ngự Bình mới tìm được mộ của liệt sỹ Trần Đình Kiên.

Ông Yêm tâm sự: "Đồng đội cùng chung chiến hào, có những người đã anh dũng hy sinh, có người mất đi một phần thân thể. Mình may mắn được đồng đội chở che nên tính mạng vẫn giữ được. Do đó, dù còn một hơi thở cuối cùng tôi cũng sẽ giúp cho các thân nhân có được thông tin về liệt sỹ". Thông thường, mỗi chuyến đi như vậy cũng mất hết một tuần, có thể một tháng, hoặc thậm chí mất vài tháng. Mọi công việc gia đình đều phó thác cho người vợ tảo tần. Còn ông không ngại khó, đi từ Quảng Nam đến các vùng núi ở Huế, Quảng Ngãi..., thậm chí sang cả nước bạn Lào để tìm kiếm. Niềm vui lớn lao nhất đối với cha con ông là tìm được mộ liệt sỹ, quy tập về nghĩa trang hoặc bàn giao cho gia đình đưa về quê theo nguyện vọng.

Theo ông Yêm, căn cứ quan trọng để xác định có phải liệt sỹ hay không dựa vào rất nhiều yếu tố: Nơi chôn cất, dụng cụ bọc thi thể phải là loại vải tăng quân đội, kèm theo đó là các di vật đi kèm cùng liệt sỹ như đạn, cúc áo... "Nhiều đêm tôi vẫn thường nằm mơ mình tìm thấy và đưa được hài cốt liệt sỹ về với gia đình. Tôi liền tỉnh dậy suy nghĩ rồi không tài nào chợp mắt được. Các đồng chí không may mắn đã nằm lại giữa rừng sâu, sau bao năm vẫn chưa được về với gia đình, quê hương. Mình may mắn sống sót nên nhận thấy phải có trách nhiệm với những người đã khuất. Việc tìm kiếm hài cốt phải thực hiện bằng cái tâm, nếu lợi dụng vào đó để làm những điều sai trái là mang tội với anh linh các liệt sỹ”, ông Yêm tâm sự.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với ông Yêm liên tục bị gián đoạn, bởi những cuộc điện thoại từ khắp nơi gọi về nhờ ông tìm hài cốt liệt sỹ. Sau đó, những thông tin ngắn ngủi được ghi ra giấy, làm cơ sở cho những chuyến hành trình "đạp rừng" tìm đồng đội. Tuổi cũng đã cao, thay vì đi nhiều như trước, ông truyền nguyện ước cho con trai tiếp tục hành trình của mình.

Người cựu binh với tâm nguyện con mình sẽ “kế nghiệp”.

Người cựu binh gương mẫu

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Nghị, Phó Chủ tịch hội Cựu chiến binh thị trấn Hạ Lam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho biết: "Ông Yêm là một người luôn gương mẫu trong mọi công tác. Ông là người lính trở về nhiều năm liền đi tìm mộ liệt sỹ cho nhiều gia đình. Hành động của ông rất đáng khâm phục".

Tin nổi bật