Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thủy điện nắn dòng “đánh cắp” nước sông

(DS&PL) -

Nhiều dòng sông không còn nguyên vẹn vì thủy điện nắn dòng hoặc hút nước đem đi nơi khác, hệ sinh thái lưu vực bị đảo lộn...

Nhiều dòng sông không còn nguyên vẹn vì thủy điện nắn dòng hoặc hút nước đem đi nơi khác, hệ sinh thái lưu vực bị đảo lộn

Người dân tỉnh Quảng Nam chưa từng tưởng tượng được dòng sông Vu Gia mênh mông đi vào thơ, nhạc lại có lúc cạn khô đến thế: lòng sông trơ toàn đá và cát, chỉ lác đác vài vũng nước nhỏ.

Phớt lờ chỉ đạo của Phó Thủ tướng

Theo số liệu thống kê của địa phương, trước kia, lưu lượng bình quân của dòng chảy hệ thống Vu Gia - Thu Bồn là 400 m3/giây, mùa lũ có thể lên đến 27.000m3/giây. Từ khi hình thành thủy điện Đăk Mi 4, sông Vu Gia đoạn hạ nguồn nhà máy thủy điện đã thành dòng sông “chết”.

Chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Mi 4 là Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Idico) đã chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn (kênh dẫn nước là sông Trường) để lợi dụng thế năng tạo công suất phát điện lớn. Việc này gây thiếu nước nghiêm trọng cho hạ du sông Vu Gia, gồm một số huyện của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Mặc dù Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4 phải thiết kế cống điều tiết có khả năng xả 25m3/giây trở lại sông Đăk Mi nhưng đại diện chủ đầu tư cho biết, nếu xả với lưu lượng này, nhà máy sẽ không còn nước phát điện, nên chỉ đạo của Phó Thủ tướng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Hạ du sông Vu Gia cạn trơ đáy vì bị thủy điện Đăk Mi 4 chuyển nước qua sông Thu Bồn

Tương tự, vụ tranh chấp nguồn nước giữa 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai với chủ đầu tư thủy điện An Khê - KaNak cũng chưa đến hồi kết. Chủ đầu tư công trình là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đem nước từ sông Ba đổ qua sông Kôn, tạo thế năng phát điện khiến cho sông Ba chẳng còn nước đổ về hạ du, dẫn đến cây trồng và vật nuôi chết khô. Trong khi đó, sông Kôn là bên được nhận thêm nước nhưng lại khiến hàng chục hecta đất sản xuất của người dân sống hai bên liên tục bị sạt lở, bởi lưu lượng dòng chảy tăng đột biến.

Ngoài ra, còn có một số thủy điện chuyển dòng khác như: Đa Nhim (Ninh Thuận) chuyển một phần nước sông Đồng Nai về sông Krông Pha, Srepok 4A (Đắk Lắk) chuyển nước vào đường ống ngầm hơn 20km mới trả lại sông Srepok…

Tận dụng hay tàn phá?

Theo GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, Luật Tài nguyên nước đã khẳng định, nước là sở hữu toàn dân, các dự án thủy điện chuyển dòng phải có phương án bảo đảm trả lại dòng xả cho hạ du. Thế nhưng đến nay, chưa có trường hợp thủy điện chuyển dòng nào tuân theo luật. Ngược lại, các chủ đầu tư thủy điện tự cho mình quyền quyết định đối với dòng nước, họ chỉ xả vì mục tiêu phát điện.

“Cuộc tranh chấp nguồn nước giữa các địa phương và chủ đầu tư ngày càng gay gắt. Tác động xã hội là hậu quả nhãn tiền của chủ trương cho phép thủy điện chuyển nước, đổi dòng nhưng tác động lớn và lâu dài chính là hệ sinh thái và môi trường lưu vực sông. Hạ nguồn sông Nile, Ai Cập đã phát sinh một loài ốc sên lạ gây dịch bệnh, người ta cho rằng, đây chính là hậu quả của việc thủy điện Aswan chuyển đổi dòng chảy, làm thay đổi hệ sinh thái hạ du sông Nile.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tôi cho rằng, các tác động lên hệ sinh thái sẽ diễn ra từ 20 - 30 năm hoặc nhanh hơn nữa”, GS Hồng cảnh báo.

TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, cho biết, độ chênh cao đầu nước càng lớn thì công suất phát điện càng lớn nên phần lớn thủy điện nhỏ ở Việt Nam đều lợi dụng đầu nước theo kiểu này. Chuyển nước được xem là vấn đề gây tác động lớn đối với lưu vực, chỉ trường hợp có những vùng thiếu nước không tự bảo đảm được, buộc người ta phải chuyển để giúp giải quyết tình huống khó khăn và việc chuyển nước phải có quy trình vận hành hồ thích hợp. Hiện nay, chỉ có thủy điện Đa Nhim thực hiện được điều này.

“Về lý thuyết, người ta có thể đặt ra rất nhiều giải pháp để giảm thiểu tác động cho các dòng sông bị chuyển nước như: xả dòng chảy tối thiểu, vận hành hồ theo quy trình, vận hành liên hồ… Thế nhưng, hạn chế trong hiểu biết của chính chủ đầu tư, sự tuân thủ pháp luật, năng lực và sự giám sát của các cơ quan công quyền khiến tác động tiêu cực của việc chuyển đổi dòng chảy ngày càng lớn. Rốt cuộc, chịu thiệt thòi lớn nhất vẫn là người dân hạ du”, TS Tứ phân tích.

Không chịu bồi thường

Tháng 11/2013, một trận lũ lịch sử đã nhấn chìm các tỉnh miền Trung, khiến 47 người thiệt mạng, hơn 427.000 căn nhà bị hư hỏng… Một trong những nguyên nhân được xác định là có sự “góp phần” xả lũ của thủy điện Đăk Mi 4 và An Khê - KaNak. Đến nay, các chủ đầu tư vẫn cho rằng, mình xả lũ đúng và không chịu bồi thường thiệt hại cho người dân.

Tin nổi bật