Bài viết của BS Vũ Duy Thành trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, uống nước vối đúng cách, đúng thời điểm, đúng liều lượng (liều 15-20g/ ngày, chia nhiều lần uống) sẻ mang lại nhiều tác dụng đối với sức khoẻ.
Theo BS Thành, duy trì thường xuyên một lượng nước vối phù hợp sẽ giúp hỗ trợ hạ mỡ máu, bảo vệ tế bào B tuyến tụy, hỗ trợ tim mạch...
Uống nước lá vối đúng liều lượng, đúng chỉ định sẽ có lợi cho sức khỏe nam giới. Ảnh minh họa
Với nam giới, theo bác sĩ Thành uống nước lá vối không hại thận, không gây yếu sinh lý. Ngược lại, nếu uống nước lá vối đúng liều lượng, đúng chỉ định giúp nam giới:
Hỗ trợ giảm lượng cholesterol xấu, cân bằng đường huyết, giúp duy trì ổn định quá trình sản sinh testosterol, hormone quan trọng đối với số lượng, chất lượng tinh trùng; đồng thời giúp lượng máu lưu thông tới dương vật tốt hơn, giúp sự cương cứng tốt hơn.
Nước vối chứa chất chống oxy hóa, tinh dầu có khả năng kháng khuẩn giúp giảm viêm nhiễm tại cơ quan sinh dục, bảo vệ chất lượng tinh trùng.
Lá vối còn giúp điều hòa chức năng gan, phổi, bàng quang, giúp tăng cường sức đề kháng trong cơ thể.
Do vậy, uống nước vối đúng cách, đúng thời điểm, đúng liều lượng (liều 15-20g/ ngày, chia nhiều lần uống), không gây yếu sinh lý mà ngược lại còn hỗ trợ khả năng sinh lý cho đàn ông.
Lá vối có thể uống hằng ngày nhưng mỗi ngày chỉ nên sử khoảng một ấm trà để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng bài tiết của thận. Đặc biệt, khi uống nước vối cần lưu ý:
- Ảnh hưởng trên hệ tiêu hóa: Lá vối có tác dụng vô cùng tốt trên hệ tiêu hóa. Lá vối có vị đắng nhẹ giúp kích thích tiêu hóa tốt, ăn ngon miệng. Ngoài ra, thành phần tanin trong lá vối có vai trò bảo vệ niêm mạc đường ruột, tinh dầu lá vối có tính kháng khuẩn cao kháng lại vi khuẩn gây bệnh đường ruột.
Tuy nhiên uống quá nhiều nước lá vối không tốt cho hệ tiêu hóa, đặc biệt khi uống nước lá vối ngay sau bữa ăn. Với công dụng cải thiện tiêu hóa, lá vối sẽ làm tăng nhu động ruột. Thức ăn ở ruột non chưa kịp hấp thu đã bị đẩy xuống ruột già và thải trừ ra ngoài. Vì vậy rất dễ gây hiện tượng đi ngoài phân sống, tiêu chảy...
- Tiêu diệt vi khuẩn có lợi: Do tính kháng khuẩn cao nên uống nhiều nước lá vối cũng sẽ tiêu diệt một lượng vi khuẩn có lợi trong cơ thể. Điều này làm cơ thể thiếu sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc các bệnh khác.
Nên uống nước lá vối khô đồng thời kết hợp bổ sung men hỗ trợ tiêu hóa để giảm tính kháng khuẩn trong lá vối, tránh tiêu diệt vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Ảnh minh họa
Vì thế, nên uống nước lá vối khô đồng thời kết hợp bổ sung men hỗ trợ tiêu hóa để giảm tính kháng khuẩn trong lá vối, tránh tiêu diệt vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
- Do tính kháng viêm, kháng khuẩn mạnh nên cần dùng ở mức độ hạn chế nhằm tránh gây hại các vi khuẩn có lợi trong cơ thể.
- Đối với những người quá gầy, tình trạng sức khỏe quá yếu ớt, bị suy nhược thì không nên sử dụng cây vối.
- Nên nấu loãng nước vối, không nên sử dụng nước quá đặc vì sẽ gây kích thích tiêu hóa, tăng nhu động ruột, tiêu chảy, mệt mỏi…
- Trước khi sử dụng cây vối trong bất kỳ trường hợp nào, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
- Không nên sử dụng nước lá vối để qua đêm, không uống khi bụng đang đói hoặc ngay sau khi ăn.
- Thận trọng khi sử dụng cây vối cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú, trẻ nhỏ hoặc người mắc các bệnh lý nền.
- Người bệnh cần kết hợp chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp, không dùng cây vối để thay thế hoàn toàn cho các phương pháp điều trị theo chỉ định bác sĩ chuyên khoa.
- Nếu thấy trong thời gian sử dụng cơ thể có triệu chứng bất thường hoặc bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần phải ngưng dùng, nếu cần thiết phải đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ xử lý kịp thời, thông tin trên báo Lao Động.