Báo Lao động đưa tin, theo báo cáo thương mại điện tử 2023 do công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works (Singapore) vừa công bố, Việt Nam là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 4 trong số 9 nước khu vực Đông Nam Á, tương ứng quy mô 9 tỷ USD. Con số này vẫn còn khiêm tốn so với quốc gia đứng đầu là Indonesia với 51,9 tỷ USD.
Tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) của 9 nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á. Ảnh: Tech In Asia.
Trong số các quốc gia ASEAN, Shopee của Sea Group vẫn dẫn đầu về tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV). Tổng GMV của Shopee tại thị trường Đông Nam Á đạt 47,9 tỷ USD, chiếm 48% trên toàn cầu. Lazada duy trì vị trí á quân ở hầu hết các thị trường (trừ Indonesia) với tổng GMV toàn khu vực đạt 20,1 tỷ USD.
Tại Việt Nam, giá trị giao dịch hàng hóa trên Shopee chiếm tới 63% tổng GMV toàn thị trường, đạt khoảng 5,67 tỷ USD (khoảng 113.245 tỷ đồng). Xếp sau là Lazada với thị phần tính theo GMV đạt khoảng 2,7 tỷ USD (khoảng 63.450 tỷ đồng), cách biệt lớn so với Shopee khi chỉ bằng gần một nửa.
Dù là "tay chơi" mới tham gia được hơn một năm, TikTok Shop đã bắt kịp Sendo, tiến sát tới thành tích của Tiki. Tổng GMV đạt khoảng 360 triệu USD. Không chỉ tại Việt Nam, TikTok Shop đang bắt đầu lọt vào top 5 ở tất cả các quốc gia mà nền tảng này hiện diện, bao gồm Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines.
Nền tảng thương mại xã hội TikTok Shop được cho là đang nhắm mục tiêu sẽ đạt doanh thu 20 tỷ USD trong năm nay. Vào năm ngoái, TikTok Shop có GMV đạt 4,4 tỷ USD ở Đông Nam Á, đánh dấu mức tăng trưởng đáng kể 363% so với một năm trước đó.
Dù đa dạng nhưng thị phần thương mại điện tử của Việt Nam phần lớn thuộc về "ông lớn" nước ngoài. Trong khi đó, các nền tảng nội địa như Tiki, Sendo chiếm tỷ lệ rất nhỏ, GMV lần lượt đạt khoảng 0,5 tỷ USD (6%) và 0,4 tỷ USD (4%).
Thương mại điện tử Việt Nam đang có nhiều lực đẩy hỗ trợ tăng trưởng như làn sóng chuyển đổi số, hạ tầng công nghệ, kết nối internet phổ cập, thanh toán online, logistics, nguồn nhân lực… Ðặc biệt, Việt Nam đang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số và thương mại điện tử.
Bên cạnh đà tăng trưởng và những mặt tích cực, thương mại còn phải đối mặt với những hệ lụy khi tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh của nền kinh tế sau dịch và chịu sự ảnh hưởng của làn sóng khủng hoảng kinh tế thế giới, ngành thương mại điện tử đã và đang là một trong những ngành có những biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ để thích nghi với tình hình mới tại Việt Nam.
Dự báo về thị trường ASEAN trong thời gian tới, Momentum Works đưa ra 3 kịch bản cho thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á trong năm 2028. Trong trường hợp tốt nhất, khi Temu (nền tảng thương mại điện tử thuộc PDD Holdings, tập đoàn Trung Quốc sở hữu Pinduoduo) tiến vào khu vực, GMV của khu vực Đông Nam Á có thể đạt tới mốc 232 tỷ USD vào năm 2028.
Ở kịch bản trung bình, Temu không đặt chân tới thị trường Đông Nam Á, GMV của toàn thị trường được dự báo ở mức 175 tỷ USD. Với kịch bản tệ nhất, không chỉ Temu “ngó lơ” Đông Nam Á mà cả Alibaba và TikTok đều chuyển trọng tâm khỏi khu vực, quy mô thương mại điện tử Đông Nam Á sẽ chỉ ở mức 121 tỷ USD vào năm 2028, báo Đầu tư đưa tin.
Vân Anh (T/h)