Đóng

Ukraine tung tuyệt chiêu bảo vệ "rắn lửa bầu trời" F-16 trước đòn tấn công "săn mồi" của Nga

  • Phương Uyên
(DS&PL) -

Ukraine mới đây đã trang bị cho tiêm kích F-16 các mô-đun đặc biệt, giúp tránh được các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Nga.

Theo Kyiv Independent, phi đội F-16 của Ukraine vừa nhận được các mô-đun bảo trì và tác chiến di động mới, giúp tránh được các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Nga. Các loại mô-đun này được phát triển bởi quỹ Come Back Alive và Bộ Quốc phòng Ukraine, tích hợp đầy đủ thiết bị để vừa bảo trì, trang bị cho máy bay, vừa triển khai các hoạt động tác chiến.

Máy bay F-16 rất quan trọng đối với Ukraine vì chúng giúp tăng cường đáng kể năng lực phòng không và đối phó với các cuộc tấn công liên tiếp bằng UAV và tên lửa của Nga, vốn nhắm vào cả các thành phố Ukraine và các mục tiêu quân sự như sân bay, nơi đặt F-16.

Máy bay F-16 cùng đơn vị hỗ trợ di động tại một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh: Kyiv Independent

“Khoảng thời gian giữa lúc Nga phát hiện F-16 và lúc Moscow phóng tên lửa đạn đạo là rất ngắn. Yếu tố then chốt để F-16 sống sót khi nằm dưới mặt đất là không bị phát hiện”, ông Peter Layton, cựu sĩ quan Không quân Hoàng gia Australia và hiện là Nghiên cứu viên tại Viện RUSI cho biết.

Việc vận hành F-16 đòi hỏi một lượng lớn nhân lực và thiết bị hỗ trợ, điều này từ trước đến nay khiến phạm vi triển khai máy bay bị hạn chế. Ukraine sẽ chỉ triển khai chúng được ở một số cơ sở nhất định và chúng có nguy cơ trở thành mục tiêu trong cuộc tấn công "săn mồi" của Nga.

Tuy nhiên, ông Layton nhận định các tổ hợp di động mới sẽ giúp Ukraine sử dụng được những sân bay “không ngờ tới” như đường băng ngắn hoặc dân sự, hay khu vực xa xôi trong các căn cứ quân sự lớn. “F-16 sẽ được phân tán rộng. Nếu một chiếc bị phát hiện và tấn công, những chiếc còn lại vẫn an toàn", ông cho biết thêm.

Tổ hợp di động mới gồm 2 mô-đun bảo trì và 1 mô-đun lập kế hoạch nhiệm vụ. Mô-đun bảo trì đầu tiên bao gồm phòng chuẩn bị vũ khí cho máy bay, 2 xe tải chuyên dùng để lắp đặt đạn dược lên F-16, và một xe chở đội kỹ thuật. Hệ thống này giúp giảm số người cần thiết để nạp một quả đạn từ 10-12 người xuống còn 3 người, tiết kiệm nhân lực và rút ngắn thời gian thao tác.

Mô-đun thứ hai gồm trạm chỉ huy di động phục vụ cho các buổi họp trước khi bay và điều phối máy bay, cùng một mô-đun sinh hoạt cho đội vận hành. Taras Chmut, giám đốc quỹ Come Back Alive, cho biết dự án nhằm thích nghi các tiêm kích F-16 do phương Tây viện trợ với điều kiện chiến sự dữ dội ở Ukraine.

Các hệ thống tương tự cũng tồn tại ở Mỹ, Australia, Thụy Điển. Ông Layton cho biết chiến thuật này được gọi là tác chiến linh hoạt nhằm chống lại nguy cơ các căn cứ không quân bị đánh phủ đầu trong kịch bản xung đột nổ ra. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Come Back Alive khẳng định hệ thống Ukraine có đặc điểm độc đáo riêng, dù có học hỏi từ các đối tác nước ngoài, đặc biệt là Đan Mạch.

Theo Kyiv Independent

Tin nổi bật