Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thực hư chiếc chiêng đồng linh thiêng tự kêu ở đền Mẫu

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Nghe nhiều người kể lại rằng: “Đêm đến chiếc chiêng cứ kêu ầm ĩ trong nhà như có một người con gái đánh chiêng” khiến nhiều người hoảng sợ, không dám sở hữu.

(ĐSPL) - Nhiều lần mất trộm, qua tay nhiều người mua nhưng cuối cùng, chiếc chiêng lại quay về đền Mẫu. Nghe nhiều người kể lại rằng, đêm đến chiếc chiêng cứ kêu ầm ĩ trong nhà như có một người con gái đánh chiêng, khiến nhiều người hoảng sợ, không dám sở hữu chiếc chiêng đó.
Ngôi đền Mẫu và câu chuyện kỳ bí về chiếc chiêng đồng
Để tìm hiểu thực hư về những câu chuyện kỳ bí xung quanh chiếc chiêng đồng, chúng tôi tìm về đền Mẫu, thôn Yên Nội, xã Tiên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam nơi đang lưu giữ chiếc chiềng đồng. 
Theo lời kể của các cụ cao niên trong thôn, đền Mẫu được xây dựng từ rất lâu đời để thờ một người phụ nữ xinh đẹp nhất trong làng, sau được tiến cung và trở thành hoàng hậu.
Chiếc chiêng đồng tại đền Mẫu, thôn Yên Nội, xã Tiên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
Vào cung được 3 năm nhưng bà vẫn chưa có con, buồn rầu, bà đã xin nhà vua cho về quê nhà sinh sống.
Đồng ý trước nguyện vọng của bà, nhà vua đã giao cho bà một chùm chìa khóa (gồm 7 chìa) có thể mở được 7 kho báu và cho bà lấy tùy ý. Nhưng lạ lùng mở 6 kho toàn vàng bạc, châu báu bà không lấy. Mở đến kho thứ 7 toàn là chiêng đồng thì bà chọn một chiếc rồi mang theo về.
Trên đường về do trời nắng bà đã dùng chiếc chiêng đội lên đầu. Khi về đến gốc đa ở đầu làng, bà dừng chân nghỉ ngơi và đánh “3 hồi, 9 tiếng” chiêng như muốn báo hiệu cho nhà vua rằng bà đã về đến làng. Nghe tiếng chiêng lạ kêu rất vang, người dân trong thôn kéo ra xem thì phát hiện mối đã xông kín hết người bà, chỉ hở một bàn chân. Thấy chuyện kì lạ như vậy, sau khi bà qua đời, người dân lập đền thờ bà, hàng năm lấy ngày 10/12 âm lịch làm ngày giỗ.
Theo lời kể của nhiều người dân nơi đây, trước kia đền là nơi rất linh thiêng, bất kể ai đi qua kể cả quan lại trong triều đình cũng đều phải hạ mũ, nón, xuống kiệu, dắt ngựa đi qua, nếu làm trái về sẽ bị ốm đau hoặc phải mang lễ ra đền xin bà thì mới khỏi.(?!)
Nhưng đến năm 1962, khi chiến tranh với giặc Pháp xảy ra, ngôi đền bị phá bỏ. Năm 2012, ngôi đền được xây dựng lại và lấy tên là đền Mẫu.
Chiếc chiêng đồng “kỳ lạ”
Cho đến nay nhiều người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau những câu chuyện nhiều kỳ bí, ám ảnh về chiếc chiêng đồng ở đền Mẫu.
“Trước kia đền Mẫu linh thiêng lắm. Chiếc chiêng đồng đã từng bị nhiều người tham lam lấy trộm đem bán nhưng sau đó không hiểu sao nó lại quay trở về. Nghe nhiều người kể lại, những người mua chiếc chiêng đồng về để trong nhà, đêm đến cứ nghe thấy tiếng chiêng đánh ầm ầm, vì quá sợ mà họ lại mang trả chiếc chiêng về đúng vị trí”, ông Lưu Trung Sơn, 78 tuổi, người sống gần đền Mẫu cho biết.
Để tìm hiểu rõ hơn về chiếc chiêng, phóng viên theo chân ông Lưu Tôn Tô, trưởng thôn Yên Nội ra ngôi đền Mẫu.
Theo quan sát của phóng viên Báo Đời sống và Pháp luật, đền Mẫu nằm trên một gò đất cao, bên cạnh là một gốc đa cổ thụ hàng nghìn năm tuổi. Chiếc chiêng đồng nặng khoảng 10kg, đường kính khoảng 60 cm, không có hoa văn, họa tiết gì đặc biệt.
Đền Mẫu nằm trên một gò đất cao, bên cạnh là một gốc đa cổ thụ hàng nghìn năm tuổi. 
Lý giải về việc người dân đi qua cửa ngôi đền không xuống xe, không hạ mũ nón, ông Tô nói: “Nghe các cụ cao niên trong thôn kể lại, trước kia thiêng lắm nhưng kể từ sau khi chiến tranh với giặc Pháp xảy ra ngôi đền bị phá, rồi được xây dựng lại nhưng giờ không còn thiêng như trước nữa. Trước kia, chiếc chiêng đồng bị mất nhiều lần nhưng nhiều người bảo, những ai lấy trộm chiếc chiêng về để ở nhà đêm đến chiếc chiêng cứ kêu ầm ĩ rất ghê rợn. Sợ bị trừng phạt nên chắc họ đem trả lại”.
Ông Lê Đình Học, Chủ tịch xã Tiên Ngoại, cho biết: "Đây chỉ là câu chuyện truyền tai nhau ở trong một thôn. Trên thực tế chúng tôi chưa nghe thấy những câu chuyện kỳ bí về chiếc chiêng. Đồng thời, cũng chưa thấy hiện tượng lợi dụng chiếc chiêng để trục lợi, gây mê tín. Nếu tình trạng này xảy ra chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý.
Cùng theo chân chúng tôi đến đền Mẫu, ông Nguyễn Mạnh Lự, cán bộ văn hóa xã Tiên Ngoại, ngỡ ngàng cho hay: “Tôi thường xuyên xuống thôn Yên Nội công tác nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe những câu chuyện như vậy về chiếc chiêng đồng và tận mắt nhìn thấy chiếc chiêng. Chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động để người dân không mê tín, tránh những việc không hay xảy ra. Chúng tôi sẽ tiến hành bảo tồn chiếc chiêng vì theo tôi chiếc chiêng có niên đại rất lâu đời. Rất mong những cơ quan chuyên môn về thẩm định để biết rõ niên đại, nguồn gốc của chiếc chiêng”.
Được biết, giờ đây chiếc chiêng đồng đang được lưu giữ ở đình Miễu để tránh tình trạng bị mất cắp.

Tin nổi bật