Thông tin trên được ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cung cấp khi trả lời báo Đời sống & Pháp luật về “Chính phủ kiến tạo phát triển” theo tinh thần của Nghị quyết 100/NQ-CP.
Chủ trương xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước theo nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển mà người đứng đầu Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại Hội nghị cải cách hành chính năm ngoái, hiện đang được dư luận hết sức quan tâm đồng tình ủng hộ.
Đã gần một năm trôi qua kể từ khi Chính phủ nêu cao quyết tâm thực hiện chủ trương này, Phóng viên có cuộc phỏng vấn Chủ tich UBND tỉnh Cà Mau ông Nguyễn Tiến Hải về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” cũng như tình hình triển khai, thực hiện tại địa phương.
PV: Cần hiểu về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” như thế nào cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết 100/NQ-CP?
Ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Đó là cách vận hành bộ máy nhà nước không đi theo lối mòn cũ, từ việc sử dụng mệnh lệnh hành chính để điều hành bộ máy của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương chuyển sang một Chính phủ phục vụ Nhân dân, xây dựng một bộ máy hành chính hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
“Chính phủ kiến tạo phát triển” theo tinh thần Nghị quyết 100/NQ-CP, lấy Nhân dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; các đường lối, chủ trương, chính sách được đưa ra phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích Nhân dân; Nhân dân không còn là đối tượng quản lý mà là đối tượng được phục vụ, được tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh phát triển, phát huy dân chủ, đảm bảo quyền dân chủ của Nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật.
Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. |
PV: Nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” trong xây dựng tổ chức bộ máy cần hiểu cụ thể như thế nào trong điều kiện cụ thể tại địa phương?
Ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh, thực hiện nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”, tỉnh Cà Mau tập trung thực hiện một số nội dung sau:
- Tiến hành từng bước xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tập trung rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách công vụ, công chức.
- Tập trung chỉ đạo việc rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có của Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước); trên cơ sở đó điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; chuyển giao những công việc mà cơ quan hành chính nhà nước không cần làm hoặc làm hiệu quả thấp cho tổ chức, doanh nghiệp đảm nhận.
- Tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương nhằm xác lập mô hình tổ chức phù hợp, bảo đảm phân định đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn phù hợp.
- Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; trước mắt, giữ ổn định cơ cấu tổ chức như hiện nay. Không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn; tiếp tục phân biệt rõ hơn mô hình tổ chức chính quyền đô thị và tổ chức chính quyền nông thôn.
- Nhận thức rõ tiêu chí, điều kiện thành lập, giải thể, sáp nhập đơn vị hành chính ở các cấp theo hướng khuyến khích sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, bảo đảm cơ bản không tăng số lượng đơn vị hành chính ở địa phương.
- Tổ chức phân loại đơn vị sự nghiệp và thực hiện các hình thức chuyển đổi phù hợp (hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, từng bước cổ phần hóa, hợp tác công tư,...); đẩy mạnh xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động.
- Thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định hiện hành; bảo đảm chỉ bổ nhiệm cấp phó khi còn chỉ tiêu về số lượng cấp phó trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện nguyên tắc Phó Thủ trưởng cơ quan cấp trên không kiêm Thủ trưởng cơ quan cấp dưới.
- Xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm, trong đó xác định tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu là 10% biên chế của tỉnh;
- Hoàn thành việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập để làm căn cứ xác định biên chế phù hợp.
- Đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và toàn xã hội.
PV: Với cách hiểu trên về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”, đánh giá, nhìn lại thực tiễn xây dựng tổ chức bộ máy của địa phương thời gian qua, đồng chí đánh giá như thế nào về những mặt tồn tại, hạn chế?
Ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Trong quá trình thực hiện nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” theo tinh thần Nghị quyết 100/NQ-CP, bên cạnh những thành tựu đạt được, tỉnh Cà Mau cũng luôn quan tâm đánh giá những hạn chế, khó khăn để tìm giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Từ đó, có thể điểm qua một số khó khăn, tồn tại đó là:
- Việc thực hiện Kế hoạch đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của tỉnh còn chậm ở một số nội dung như: Xây dựng đề án vị trí việc làm; thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở, cấp phòng; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức; đổi mới công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức.
- Việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị đạt hiệu quả chưa cao; chưa có cơ chế trả thu nhập tăng thêm theo kết quả, năng suất lao động nên chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho mỗi cá nhân.
- Một số đơn vị sự nghiệp công lập đang được nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, mặc dù đã đủ khả năng tự chủ hoàn toàn nhưng chưa chủ động trong việc đề xuất chuyển sang cơ chế tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động.
PV: Thời gian tới, căn cứ vào những nội dung trong Nghị quyết 100/NQ-CP, địa phương có xây dựng một Chương trình hành động riêng, để xây dựng tổ chức bộ máy theo nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”? Nếu có, đơn vị nào sẽ được giao nhiệm vụ chủ trì và dự kiến khi nào sẽ được ban hành?
Ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Với tinh thần thực hiện quyết liệt, sau khi Chính phủ có Nghị quyết 100/NQ-CP ngày 18/11/2016 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã giao các cơ quan chuyên môn khẩn trương nghiên cứu, tham mưu xây dựng Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 và đã được chúng tôi ban hành tại Chương trình số 01/CTr-UBND ngày 20/01/2017.
Theo đó, những nhiệm vụ chủ yếu được chúng tôi xác định đó là: tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chăm lo phát triển văn hóa, thể thao, thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh. Đông thời, để triển khai thực hiện hiệu quả, chúng tôi đã giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau căn cứ Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 tổ chức triển khai thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm của ngành, đơn vị, địa phương mình, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh.
PV: Trân trọng cám ơn ông.