Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chính phủ kiến tạo: Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn

(DS&PL) -

Theo ông Hà Công Tuấn, để xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển theo tinh thần Nghị quyết 100 thì Bộ phải thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT, để xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển theo tinh thần Nghị quyết 100/NQ-CP thì Bộ phải thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là đấy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tại hội nghị cải cách hành chính diễn ra ngày 17/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Chính phủ đang hướng đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo phục vụ dân.

Nhân dịp Chính phủ ban hành Nghị quyết 100 – Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 vừa có hiệu lực vào ngày 18/11/2016, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT ông Hà Công Tuấn về vấn đề Chính phủ kiến tạo, phát triển.

PV: Ý kiến của Thứ trưởng về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”?

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT: Theo tôi, yêu cầu cơ bản “Chính phủ kiến tạo phát triển” theo tinh thần Nghị quyết số 100/NQ-CP là: Chính phủ hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Để thực hiện thành công yêu cầu này, trong giai đoạn hiện nay cả bộ máy nhà nước phải tập trung cải cách nền hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế pháp luật và cơ chế chính sách thị trường xã hội chủ nghĩa, tổ chức bộ máy tinh gọn với đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất, đổi mới phục vụ đất nước, trong sạch, liêm chính, quyết liệt hành động, coi việc đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường hoạt động đầu tư, kinh doanh lành mạnh; phát huy dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.  

Đối với ngành Nông nghiệp và PTNT, Nghị quyết số 100/NQ-CP xác định đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện phải được đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị từ đầu vào sản xuất, bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, phát huy lợi thế vùng, miền, bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, tăng thu nhập cho người dân.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn.

PV: Trong điều kiện cụ thể của Bộ, việc áp dụng nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” về xây dựng tổ chức bộ máy như thế nào?

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đưa những nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” vào cuộc sống, trong đó nội dung chủ yếu là:

Thứ nhất, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Bộ Nội vụ, các địa phương rà soát các quy định về hệ thống tổ chức bộ máy quản lý ngành Nông nghiệp và PTNT nhằm kiện toàn, bảo đảm sự tinh gọn, hoạt động thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả cao hơn.

 Bộ cũng đang rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị chuyên môn về Nông nghiệp và PTNT trong cả hệ thống; nhằm tổ chức hệ thống quản lý ngành tinh gọn, thống nhất và phù hợp yêu cầu mới. Đến nay, số lượng tổ chức hành chính thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã giảm 159 đơn vị, trong đó có 69 Chi cục, 90 phòng.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay Bộ đang tích cực triển khai rà soát, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ quản lý.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, gắn kết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Bộ đã tiến hành rà soát các nhiệm vụ được phân công  tại các Bộ Luật An toàn thực phẩm, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai,... được giao xây dựng các dự án Luật Phòng, chống thiên tai; Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; Luật Thú y đã được Quốc hội thông qua; hiện nay, Bộ đang xây dựng các dự án Luật Thủy lợi; Thủy sản (sửa đổi), Bảo vệ và Phát triển rừng(sửa đổi) trình Chính phủ xem xét để Chính phủ trình Quốc hội.

Thứ ba, Bộ đã đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Năm 2015, Bộ đã rà soát sửa đổi, bổ sung 48 thủ tục hành chính; bãi bỏ 27 thủ tục hành chính; năm 2016, đã công bố, chuẩn hóa 508 thủ tục hành chính. Năm 2017 tiếp tục rà soát, cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; triển khai thí điểm cơ chế một cửa Quốc gia; khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công của Bộ.

Thứ tư, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ và thoái vốn nhà nước ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ. Triển khai sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện các quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan sự nghiệp thuộc Bộ.

PV: Đánh giá thực tiễn xây dựng tổ chức bộ máy của Bộ thời gian qua? Đâu là những tồn tại, hạn chế cần khắc phục?

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, được hợp nhất từ nhiều Bộ, nên tổ chức bộ máy của Bộ còn phải tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp hơn, nhất là ở khối các đơn vị sự nghiệp công lập. Mặc dù hệ thống tổ chức đơn vị thuộc Bộ đã nhiều lần được sắp xếp kiện toàn theo yêu cầu nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu, sắp xếp kiện toàn tinh gọn, hiệu quả hơn, nhất là khối sự nghiệp giáo dục để khắc phục nhiều đầu mối, chưa hợp lý trên địa bàn một số tỉnh và khối sự nghiệp khoa học công nghệ còn phân tán, chưa thống nhất, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Đối với khối các cơ quan hành chính trực thuộc Bộ, về cơ bản đã được sắp xếp theo hướng tinh gọn, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng chuyên ngành. Tuy nhiên, vẫn cần tổ chức có hiệu quả, tránh chia cắt, chồng chéo, nhất là lĩnh vực phát triển thị trường nông sản; quản lý chất lượng vật tư và an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản; phát triển kinh tế hợp tác; phòng, chống thiên tai thích ứng biến đổi khí hậu. 

PV: Thời gian tới, căn cứ vào những nội dung trong Nghị quyết 100/NQ-CP, Bộ có xây dựng một Chương trình hành động riêng để xây dựng tổ chức bộ máy theo nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”? Nếu có, đơn vị nào sẽ được giao nhiệm vụ chủ trì và dự kiến khi nào sẽ ban hành?

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT: Thực hiện Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động nhiệm kỳ 2016 – 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 5649/QĐ-BNN-KH ngày 30/12/2016 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 100/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 với 07 nội dung, 49 nhiệm vụ chủ yếu và phân công trách nhiệm các cơ quan, đơn vị thực hiện theo tiến độ thời gian yêu cầu; phân giao cho Vụ Kế hoạch là đầu mối tổng hợp, theo dõi, xây dựng báo cáo của Bộ, trình Bộ trưởng báo cáo Chính phủ./.

Tin nổi bật